Bùng phát bệnh than trên mía

Thứ năm, ngày 11/03/2010 09:18 AM (GMT+7)
NTNN - Ruộng mía của người dân các phường Nguyễn Trãi, Thống Nhất; các xã Đăk Năng, Ya Chim, Đoàn Kết, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum bùng phát bệnh than, với mức độ thiệt hại từ 35 - 70% diện tích.
Bình luận 0

img
Những ruộng mía đang phát bệnh than.

Lần theo phản ánh của bà con nông dân, chúng tôi đã tìm đến ruộng mía của một số hộ dân ở phường Thống Nhất, phường Nguyễn Trãi.

 

Trên những cánh đồng mía bát ngát xanh dọc theo hai bên bờ sông Đăk Bla, bệnh than đã xuất hiện và bùng phát với mật độ dày đặc. Địa phương có diện tích mía nhiễm bệnh nặng nhất là phường Thống Nhất, Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết.

Ở những địa phương này, có những ruộng mía bị nhiễm bệnh với tỷ lệ 70% diện tích. Trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Văn Phòng, tổ dân phố 4 - phường Nguyễn Trãi  cho biết: Các năm trước, bệnh than cũng có xuất hiện nhưng chỉ vào khoảng tháng tư, tỷ lệ cây mía nhiễm bệnh không đáng kể.

Riêng năm nay, bệnh này xuất hiện đã gần một tháng. Tỷ lệ nhiễm bệnh tương đối cao (chiếm từ 20 - 70%). Những khu vực mía nhiễm bệnh coi như mất trắng vì phải cuốc bỏ và tiêu hủy. Đây là loại bệnh phát tán rất nhanh, nếu không cuốc bỏ và tiêu hủy kịp thời khu vực đó coi như lụi hết.

Gia đình anh Phòng đầu tư trồng 40ha mía ở khu vực bờ sông Đăk Bla (phía sau làng phong Đăk Kia). Ngay sau khi phát hiện bệnh trên cây mía, gia đình anh đã không nghỉ Tết tranh thủ thời gian để cuốc bỏ và tiêu hủy kịp thời.

Ngoài phường Nguyễn Trãi, bệnh than trên mía cũng đang hoành hành ở phường Thống Nhất.

Dẫn chúng tôi đến những khu vực mía nhiễm bệnh, ông A Branh - Trưởng thôn Kon Hra Chót - phường Thống Nhất cho biết: Các năm trước, bệnh than chỉ bắt đầu xuất hiện từ tháng tư dương lịch. Riêng năm nay, do biến đổi khí hậu, đất trồng mía bị ngập lụt hồi tháng 9 vừa qua có độ ẩm cao nên mía bị nhiễm bệnh nặng.

Chưa có loại thuốc đặc trị nào để loại trừ bệnh than. Cách tốt nhất chỉ có chặt bỏ, thu gom và tiêu hủy.

Mặt khác, những ruộng mía sau khi thu hoạch bà con không tổ chức cày xới nên bệnh than xuất hiện khá sớm và mật độ tương đối dày. Để loại trừ bệnh này, bà con ở đây chỉ áp dụng một cách duy nhất là chặt gốc, thu gom và tiêu hủy...

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Quang San - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết: Đây là loại bệnh có bào tử dạng hạch, bảo tồn trong lòng đất rất lâu, khi gặp thời tiết thuận lợi lập tức sẽ phát triển và bùng phát nên rất khó tiêu diệt.

Hiện tại, Chi cục đang tiến hành khảo sát, thống kê diện tích mía nhiễm bệnh. Những diện tích bị nhiễm nặng chúng tôi chỉ đạo tiêu hủy toàn bộ, những khu vực bị nhẹ chỉ đạo bà con cuốc bỏ những cây bị bệnh và tiêu hủy.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Kon Tum, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 2.100ha mía; riêng TP.Kon Tum có 1.890ha. Đây là địa phương cung cấp số lượng mía nguyên liệu lớn cho Nhà máy Đường Kon Tum.

Trước tình trạng bệnh than bùng phát và hoành hành trên cây mía ở Kon Tum, nếu như không ngăn chặn và giải quyết kịp thời, thiệt hại nặng nề đối với người trồng mía là không thể tránh khỏi.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem