GS Võ Tòng Xuân nói: Tôi cho rằng đây là cách làm hay, có lợi cho nông dân và cần nhân rộng. Bởi nó phù hợp với chủ trương của Nhà nước mà trong Nghị quyết Trung ương 26 về tam nông có nêu rõ là cần tổ chức mô hình công ty cổ phần nông nghiệp. Một khi nông dân mua cổ phiếu của AGPPS và trở thành cổ đông của công ty, tức đã từ thân phận làm thuê bước lên vị trí làm chủ. Khi đó, những cổ đông - nông dân này đến vụ thu hoạch có thể bán lúa lại cho chính công ty của mình, cuối kỳ - cuối quý tiền lãi có được công ty cũng sẽ chia lại cho nông dân, không mất đi đâu cả. Từ đó sẽ không còn cảnh bán lúa non, bị thương lái ép giá như lâu nay.
Tuy nhiên nhiều nông dân nghèo lấy đâu ra một số lượng tiền lớn để mua nếu AGPPS muốn bán ra theo kiểu thu tiền “tươi” về liền?- Đúng. Nếu AGPPS thực sự muốn chia sẻ lợi nhuận với nông dân thì nên tính tới phương án làm sao để mọi tầng lớp nông dân đều có thể mua được với một số lượng cổ phiếu nhất định, tránh trường hợp bên ngoài đầu cơ vào hay chỉ có một số nông dân giàu mới mua được. Theo tôi, AGPPS nên nới rộng thêm điều kiện được mua và thời gian phát hành. Chẳng hạn ngoài việc mua cổ phiếu bằng tiền mặt có thể mua bằng lúa để những nông dân nghèo có thể tích lũy dần dần cổ phiếu sau mỗi vụ thu hoạch.
Kế đến, AGPPS có thể tiến thêm một bước nữa là đảm nhận vai trò tạm trữ luôn, ít nhất là cho cổ đông của mình. Nhiều thời điểm lúa thường rớt giá và để giữ giá, Chính phủ phải cho doanh nghiệp tạm trữ. Vậy thì ngoài số lượng lúa mà nông dân đã góp vô mua cổ phần, còn lại bao nhiêu AGPPS đứng ra tạm trữ hết cho cổ đông mình để hưởng được lãi suất tạm trữ mà Nhà nước hỗ trợ. Rồi khi bán ra lời được bao nhiêu thì cuối kỳ lại tiếp tục chia lãi thêm cho cổ đông – nông dân. Khi ấy mới thực sự là nông dân hưởng được lợi từ chính sách tạm trữ của Nhà nước.
Nhưng trong quá khứ cũng có doanh nghiệp từng làm và nông dân sau một thời gian mua cổ phiếu đã bán sạch hết ra ngoài, vì lý do trình độ thấp không quản lý được cổ phiếu và không có đủ vốn để đầu tư dài hạn. Theo Giáo sư có biện pháp nào để khắc phục tình trạng này?- Việc này thì doanh nghiệp phải có tấm lòng rộng mở với nông dân thôi. Bởi nông dân chân lấm tay bùn, ít chữ nghĩa thì những vấn đề về cổ tức, cổ phiếu, sàn chứng khoán,… là những kiến thức rất khó nuốt nên họ rất cần được doanh nghiệp chia sẻ và bảo vệ. Nói đi cũng phải nói lại, về phía nông dân họ cũng phải nâng cao kiến thức của mình lên vì “cuộc chơi” lúc này đã ở một tầm cao hơn. Điều này cũng đã được nêu rõ trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, là phải có nông dân mới. Muốn vậy Nhà nước cũng phải vào cuộc, như mở những lớp ngắn hạn bổ sung kiến thức cho nông dân, đào tạo cả những kỹ năng “cứng” lẫn kỹ năng “mềm”.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Ngọc Minh (thực hiện) (Ngọc Minh (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.