Truyền thông tạo đà sức hút
|
Naoki trong vòng vây khán giả xin chữ ký sau đêm diễn (ảnh lớn). Naoki diễn tiểu phẩm “Thiên thần”. |
Naoki (tên thân mật của Iimuro Naokito) đã thành gương mặt quen với các nghệ sĩ và khán giả yêu thích kịch câm ở VN sau khá nhiều lần sang trình diễn. Naoki hiện diện trong 4 đêm diễn tại Hà Nội và TP.HCM tháng 3 này, trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam.
Tại các điểm diễn, vé mời ghi 20 giờ, mở cửa từ 19 giờ 30 và 19 giờ 45 đã kín chỗ. Ở ta có lệ thích cho - tặng, xem miễn phí, lại sính ngoại. Trung tâm Văn hóa Nhật Bản (JPF) tại VN giỏi PR, bằng cách làm cho sự xuất hiện của Naoki thành quan trọng: Quảng bá trên web, báo in và truyền hình, phát vé mời trước đêm diễn nhiều ngày (trừ Chủ nhật 3.3) tạo sự nôn nóng đến nhà hát; các nhân viên của JPF hoạt động nhiệt tình, lịch thiệp.
Kịch câm không "chết", bằng chứng là khán giả rất thích thú, nô nức rủ nhau đi xem hồi hộp từng tiết mục. Trình độ, sự đam mê của nghệ sĩ VN không thua kém lắm, vậy sao chưa ai đủ "cuồng say", dũng cảm, bền bỉ vận động tài trợ và tổ chức đêm diễn kịch câm ở Hà Nội và sau đó là tour diễn ở các thành phố lớn?
Như các kỳ trước, họ có bàn đón tiếp tại sảnh, phát thông tin về nghệ sĩ - tác phẩm, lấy tên, số điện thoại, email khán giả để gửi thông tin. Trước buổi diễn, đích thân ông giám đốc giới thiệu nhắc người xem không được chụp ảnh, dùng điện thoại di động.
Nhân viên của JPF giám sát việc này suốt buổi. Các máy quay của truyền hình đều phải được cho phép chứ không như đa số các chương trình của Việt Nam “được truyền hình quay là vui sướng, vinh dự”. Đưa khán giả vào “khuôn khổ văn minh” quy chuẩn quốc tế là cách, buộc họ phải chú ý, tôn trọng nghệ sĩ và chương trình sắp công diễn. Tính kỷ luật này hướng cả nhà hát vào đường ray của sự tập trung thưởng thức.
Phong cách Marcel Marceau - một nghệ sĩ người Pháp, bậc thầy thế giới về kịch câm có thể nhận thấy ở Naoki từ khúc dạo đầu, phần chào khán giả. Naoki duyên dáng diễn tả động tác kịch câm cả khi uống nước, ngồi duỗi chân tay vào quãng nghỉ. Sân khấu trống, đạo cụ chỉ có chiếc valy da nâu đựng quả bóng bay màu đỏ cho tiểu phẩm đầu tiên “Nhân viên mới”.
Naoki vẫn như các lần trước, chỉ mặc trang phục đen - áo thun cộc tay, quần kaki, giày da đen, tóc buộc túm một phần. Anh là ông hoàng trong “Thời khắc của kịch câm”, 1,5 giờ đồng hồ cuốn hút. Naoki trưng trổ những kỹ thuật ưu việt của kịch câm để "nói" bằng ngôn ngữ cơ thể cùng hơi thở, tiếng kêu ghìm, tiếng cười nén. Chương trình cấm trẻ em dưới 5 tuổi (vì e chúng không hiểu và gây ồn) thế mà vẫn bị chuỗi cười “lạc” của lũ trẻ và nhiều người lớn lại cười tiếng cười ấy làm phiền.
Bao giờ trở lại?
Tôi ngồi hàng ghế cùng hàng với NSƯT Phúc Dỹ và lúc ra khỏi khán phòng, tôi thấy nghệ sĩ Đào Kế Đoàn vất vả lách qua đám đông ồn ào đua chen lấn gặp Naoki, khuôn mặt anh buồn. Nét buồn ấy, tôi lại thấy trên gương mặt NSƯT Phúc Dỹ.
Chiều 10.3, Naoki hướng dẫn kỹ thuật kịch câm cho 18 diễn viên đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi Trẻ, mỗi tiếng chỉ giải lao 5 phút, anh dạy họ làm tiểu phẩm rồi chỉnh sửa. Tối 10.3, nghệ sĩ kịch câm Đặng Trung đưa cả vợ và con trai đến xem như lần trước...
Kịch câm Việt Nam từng có thời hoàng kim với nghệ sĩ Đặng Dũng, nghệ sĩ kịch câm giỏi nhất Việt Nam cho đến giờ, cũng là người duy nhất được đào tạo bài bản tại Moskva. Ông đã yêu say và hy sinh cho kịch câm một quãng tuổi trẻ đẹp nhất, nhưng sân khấu VN đã không dành nhiều cơ hội cho kịch câm khiến ông phải bỏ giữa chừng. Song Đặng Dũng đã kịp cùng Phúc Dỹ đào tạo lớp kịch câm đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ. Lớp có 20 học sinh, nay chỉ còn Kế Đoàn, Bích Ngọc, Phương Phương được nhắc nhớ đến.
Chưa bao giờ Việt Nam có đêm diễn dài, chỉ có tiết mục xen kẽ, duy trì trong phần diễn của các nghệ sĩ hề xiếc tại Rạp xiếc Trung ương. Đặng Dũng đang sống tại Munic (Đức), chỉ biểu diễn và dàn dựng tại bang của mình các chương trình tạp kỹ vào các dịp lễ tết truyền thống. Nghệ sĩ Phương Phương được đào tạo tại Praha (Cộng hòa Czech) như Đặng Trung (em trai Đặng Dũng) rồi cũng không có cơ hội phát triển. Chị lấy chồng Pháp khi tuổi đã trung niên, sinh con gái và định cư tại Pháp. Cuối 2012, chị gửi cho tôi hình ảnh buổi diễn phục vụ các em nhỏ ở vùng chị sống, show kịch câm cho vơi nỗi nhớ nghề.
Trước kia, kịch câm rộ lên ở Nhà hát Tuổi Trẻ, ngày nay, các nghệ sĩ kịch câm của nhà hát này lại đành ngậm ngùi "thua trên sân nhà". Kịch câm không "chết", bằng chứng là khán giả rất thích thú, nô nức rủ nhau đi xem hồi hộp từng tiết mục.
Trình độ, sự đam mê của nghệ sĩ VN không thua kém lắm, vậy sao chưa ai đủ "cuồng say", dũng cảm, bền bỉ vận động tài trợ và tổ chức đêm diễn kịch câm ở Hà Nội và sau đó là tour diễn ở các thành phố lớn? Nếu đủ điều kiện, chắc chắn Đặng Dũng, Phương Phương trở về. Họ yêu nghề, nhớ nghề và dù lâu không diễn kịch câm vẫn trong máu thịt của họ.
NSƯT Phúc Dỹ cho biết, tháng 4 ông sẽ làm đêm kịch câm trong phạm vi hẹp, biểu diễn chiêu đãi bạn bè và cuối năm nay sẽ làm chương trình riêng tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Nghệ sĩ Đào Kế Đoàn vẫn tích cực dạy kịch câm cho trẻ em câm điếc và đã làm đêm diễn kịch câm "Vòng tay nhân ái" tối 24.1 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, quyên góp tiền cho trẻ em khuyết tật tại Hà Nội. Anh đang ráo riết tập luyện để làm đêm kịch câm cùng đồng nghiệp và học trò vào tháng 5 này. Đào Kế Đoàn muốn mời nghệ sĩ Đặng Trung diễn cùng trong đêm diễn của anh năm 2013.
Vi Thùy Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.