|
Nông dân học nghề chế biến chè tại Thái Nguyên |
Học viên vô kỷ luật
“Dạy nghề đã khó, dạy nghề cho lao động miền núi còn khó khăn hơn gấp bội. Lớp có 30 học viên mà nhiều hôm có quá nửa học viên đến lớp trong tình trạng say rượu, lên lớp chỉ để ngủ. Giáo viên dù có yêu nghề đến mấy mà gặp những trường hợp như vậy cũng không thể dạy tốt được”. Thầy Đỗ Phương Trường - giáo viên dạy nghề kỹ thuật chế biến – sản xuất chè an toàn nhớ lại.
Có nhiều học viên báo ốm xin nghỉ học nhưng khi đến nhà kiểm tra thì thấy đang ngồi uống rượu cùng mấy người trong xóm.
Câu chuyện này xảy ra ở một lớp học tổ chức tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ. Cũng theo thầy Trường, ngoài việc đến lớp trong tình trạng say rượu, nhiều học viên nói với gia đình là đi học nhưng thực chất là đi tụ tập chơi bời.
“Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in trường hợp của học viên tên Thủy. Mấy buổi học liền học viên này không đến lớp, tôi tìm đến nhà em ấy để hỏi thì gia đình cho biết là vẫn đi học thường xuyên. Khi gặp và hỏi em vì sao không đi học thì em này trả lời: Cái mày dạy tao biết rồi, khi nào mày dạy cái nào tao chưa biết thì tao sẽ đi học. Tuy nhiên, khi yêu cầu học viên thực hành cái mà học viên nói là đã biết thì lại không làm được”- thầy Trường buồn bã nói.
Thầy Trường, thầy Lưu Khánh Toàn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Chợ Mới - Bắc Kạn nói: “Tình trạng học viên đến lớp trong tình trạng say rượu là điều có thật. Có nhiều học viên báo ốm xin nghỉ học nhưng khi đến nhà kiểm tra thì thấy đang ngồi uống rượu cùng mấy người trong xóm”.
Nhà nước bỏ tiền ra cho nông dân đi học nhưng nhiều người lại chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học nghề. Có nhiều lớp, số lượng học viên lên đến 35 người nhưng khi kết thúc khóa học chỉ có hơn 20 học viên được cấp chứng chỉ học nghề.
Nhận giáo viên làm mẹ
Với nhiều giáo viên dạy nghề, có những chuyện muốn quên đi nhưng cũng có những kỉ niệm đáng nhớ. Chị Nguyễn Thị Thu Giang - giáo viên Trung tâm Dạy nghề Hội Phụ nữ Bắc Kạn cho biết: “Cách đây 2 năm tôi có tham gia dạy nghề may công nghiệp cho một lớp của học sinh nghèo và người tàn tật. Sau khi kết thúc khóa học, các em học sinh vẫn hay gọi điện viết thư cho cô giáo hỏi thăm tình hình sức khỏe và kể về công việc hiện tại của mình.
Trong số những học viên đó tôi nhớ nhất một em học viên tàn tật tên là Chu Thị Huyền – người nhận tôi làm mẹ nuôi. Nhờ có những học viên như vậy mà tôi có thêm tình yêu với nghề dạy học”. Giờ con gái nuôi của chị Thu Giang đang làm cho một nhà máy may công nghiệp trên thị xã Bắc Kạn với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng, cuộc sống đã ổn định hơn rất nhiều so với trước đây.
Niềm vui được học viên nhận làm mẹ không chỉ đến với chị Thu Giang mà nó còn đến với rất nhiều giáo viên nữ tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Bà Lý Mẩy Chạn - chủ nhiệm Câu lạc bộ thêu thổ cẩm Tả Phìn, Lào Cai, kiêm giáo viên dạy nghề cho biết: “Số lượng học viên của lớp thêu thổ cẩm chủ yếu ở độ tuổi 7 – 10.
Nhiều hôm các cháu đi học nhưng trời mưa to, không thể về nhà được, tôi đã yêu cầu các cháu ở lại câu lạc bộ nghỉ ngơi. Vào mùa mưa, có khi các cháu phải ở lại câu lạc bộ đến gần 1 tuần trời. Khi tạnh mưa bố mẹ các cháu đến đón về. Hôm sau các cháu được bố mẹ sai mang gà đến cho tôi và xin tôi nhận làm mẹ nuôi”.
Sau khi dạy nghề mà các em có thể sống được với nghề đã là điều hạnh phúc với những giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, được những học viên xin nhận mình là mẹ, coi mình là người trong nhà lại càng đáng quý hơn.
Dương Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.