Chạy đua với Thần Chết
Ngày 18/10/2019, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực – Bệnh viện Việt Đức tổ chức chúc mừng bệnh nhân Nguyễn Văn Đức (18 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) sau mổ ghép phổi đã được ra viện.
Trước đó, cháu Đức đã trải qua ca đại phẫu thuật đó là ghép phổi từ người chết não vào ngày 12/12/2018. Đức chính là bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi bởi chính các thầy thuốc của Bệnh viện Việt Đức. Đây là ca ghép phổi từ người cho chết não thứ 2 ở Việt Nam nhưng là ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng êkíp bác sĩ Việt Nam.
Chia sẻ về 10 tháng chăm sóc cho bệnh nhân Đức, PGS Ước cho biết, bệnh nhân Đức khá đặc biệt. 5 năm trước, em được chẩn đoán mắc bệnh mô bào ở phổi, một dạng ung thư đặc biệt và không có giải pháp điều trị triệt để. Suốt 5 năm chống chọi với bệnh tật, cơ thể của em đã suy yếu, kiệt quệ, phổi bị hỏng hoàn toàn, sự sống chỉ tính bằng giây. Khi bước lên bàn ghép phổi, em chỉ nặng hơn 30kg.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Ước trò chuyện với bệnh nhân trong ngày xuất viện. (Ảnh: Diệu Linh)
“Có thể nói, ca bệnh của Đức là một sự thử thách đối với bệnh nhân và êkíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu khá là nguy kịch”- PGS-TS Nguyễn Hữu Ước kể lại.
Hai ngày đầu sau ghép, tình trạng bệnh nhân ổn định như dự kiến; hoạt động phổi ghép tốt, mô phổi co hồi vừa với lồng ngực người nhận phổi, nên đã được ngừng chạy tim phổi nhân tạo (ECMO), mổ đóng vết mổ ngực và mở khí quản chăm sóc phổi. Sau 10 ngày, diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân đã rất thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt, không còn phải thở máy.
PGS Ước kể, để có được ca ghép phổi như ngày hôm nay, ông và các đồng nghiệp đã có sự chuẩn bị rất dày công, cho đến khi tiến hành ghép phối, các bác sĩ đã hoàn toàn chắc chắn về mặt chuyên môn. Các điều kiện về mặt trang thiết bị, nhân lực đều đã hoàn thiện. Quy trình mổ, các yếu tố bất ngờ, biến chứng có thể xảy ra… đều đã được lên sơ đồ, kế hoạch, kịch bản chu đáo... Trước đó, bệnh viện nhiều lần đưa các bác sĩ ra nước ngoài để học tập về lấy phổi từ người cho chết não, bảo vệ phổi và ghép phổi. Các bác sĩ cũng đã nhiều lần thực tập ghép phổi trên lợn để đảm bảo vững vàng về chuyên môn…
Canh bệnh 24/24 giờ
Sau ca ghép phổi của Đức, ngày 12/8/2019, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công ca ghép phổi thứ 2 từ người cho chết não. Người nhận là anh N.V.K 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Kỳ diệu hơn, ca ghép phổi này đã được xuất viện khỏe mạnh chỉ sau 7 tuần ghép. |
“Những khó khăn mà chúng tôi chưa bao giờ gặp phải, cũng chưa lường hết được mức độ phức tạp vì đường mổ bắt đầu bị nhiễm trùng, đường hô hấp cũng bị ứ dịch nghiêm trọng” – PGS Ước nói.
PGS Ước cho biết, bệnh nhân ghép tim phục hồi ngay sau 24 giờ, chỉ 3 ngày là có thể ngồi dậy và ra viện sau vài ba tuần. Còn bệnh nhân ghép phổi, đến nay, sau hơn 70 ngày phẫu thuật, máy móc vẫn phải chạy rầm rập xung quanh, sức khỏe hết sức phập phồng.
“Chăm sóc bệnh nhân ghép tim chỉ là cho dùng thuốc, thay băng, không có các vấn đề về nhiễm trùng. Nhưng với bệnh nhân ghép phổi, các điều dưỡng ngày nào cũng phải soi phế quản, hút đờm dãi, dịch ứ ở đường hô hấp, do phổi chưa làm việc bình thường. Đây là thủ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiều công, nhiều người, mang máy móc, trang bị để thực hiện.
Đường hô hấp vốn là nơi vi trùng dễ xâm nhập. Việc thực hiện thủ thuật soi hàng ngày càng đẩy cao nguy cơ nhiễm trùng. Cứ vài ngày chúng tôi lại cấy ra một con vi khuẩn mới, lại phải dùng kháng sinh. Mà dùng kháng sinh liều cao quá, bệnh nhân đã suy kiệt, điều này lại khiến sức đề kháng của em giảm, khó phục hồi sức khỏe, lại dễ viêm nhiễm. Mà không dùng kháng sinh thì em cũng không trụ được” - PGS Ước chia sẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân còn phải dùng thuốc chống thải ghép - loại thuốc làm suy giảm khả năng tự đề kháng của cơ thể. Các bác sĩ lại đứng trước bài toán, nếu kê đơn thuốc mạnh thì bệnh nhân yếu mà kê đơn nhẹ quá thì không đủ sức ức chế được tạng.
Bệnh nhân Đức đã phải đặt trong phòng “cách ly của cách ly” với máy móc riêng, có 1 điều dưỡng “mở to mắt” theo dõi, chăm sóc suốt 24/24 giờ.
Do vậy, diễn biến sức khỏe của bệnh nhân Đức hết sức phức tạp. Các bác sĩ cứ phập phồng lo lắng, vui mừng đan xen. Có lúc Đức “thoát” khỏi máy móc, đủ sức để đi lại trong phòng thì chỉ hôm sau lại bị nhuyễn đường thở, không thở được do phổi lâu ngày không hoạt động. Để cấp cứu, các bác sĩ lại phải lại phải can thiệp, nong phế quản, đặt stent nong ống thở. Suốt 10 tháng, các bác sĩ, điều dưỡng đã phải đấu tranh cân não, lên đủ các phương án điều trị, ứng phó với các biến chứng mà Đức gặp phải.
“Có thể nói đây là trường hợp ghép phổi trải qua những cung bậc hiếm gặp trong y văn thế giới. Thành công vượt bật sau 10 tháng khẳng định sự cố gắng cả lẫn y nghiệp và y đức của đội ngủ chuyên gia”- PGS Ước nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.