Người đầu tiên ở VN ghép phổi từ người chết não đã tự hô hấp tốt

Diệu Linh Thứ tư, ngày 28/03/2018 15:45 PM (GMT+7)
Ngày 28.3, trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não đã phục hồi tốt, rút nội khí quản, tự thở, chức năng phổi ghép ổn định.
Bình luận 0

Tại Hội nghị đánh giá thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, trung tướng Bàng cho biết, hiện bệnh nhân được ghép phổi đã tự đi lại trong phòng bệnh, tự ăn, tự thở, chức năng hô hấp ổn định, khí máu tốt. Hiện bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng để tự thở bằng phổi của người khác. Dự kiến 1 tháng nữa bệnh nhân sẽ được xuất viện.

img

Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh được ghép phổi đang phục hồi tốt. (Ảnh: Dân trí)

Ngoài ra, cùng người cho chết não, đã có 5 bệnh nhân khác được ghép tạng (1 người ghép tim, 2 người ghép thận, 2 người ghép giác mạc). Trung tướng Bàng cho biết, ca ghép tim trong TP.HCM cũng đã ổn định, chức năng tim tốt. Còn 2 bệnh nhân được ghép thận cũng đã phục hồi và được ra viện. 2 bệnh nhân được ghép giác mạc thị lực gần như bình thường và cũng đã được ra viện.

Trước đó, ngày 26.2, từ một người cho chết não, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, một chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện 108, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. 

Bệnh nhân được nhận phổi trong ca phẫu thuật lần này là ông Trần Ngọc Hanh (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, SN 1964). Bệnh nhân Hanh bị tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại bệnh viện, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục. Tình trạng chung của bệnh nhân ngày càng suy sụp, đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi.

Còn người cho chết não nguyên là thiếu tá quân đội (ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; 45 tuổi). Sau khi được biết về tình trạng chết não của bệnh nhân, gia đình đã bàn bạc, thống nhất đồng ý hiến tạng cứu người. Bệnh viện đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Với quan điểm tiến bộ, nhân văn: “Cho đi là còn lại”, một người mất đi nhưng đã cứu sống và đem lại ánh sáng cho 6 người khác. 

Tại Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều. Bởi ở người cho sống, các bác sĩ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Còn với ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép phổi. Trong một thời gian rất ngắn, ca ghép phức tạp rồi tất cả các vấn đề từ gây mê, sau phẫu thuật, hồi sức phức tạp… Khó khăn hơn khi trong trường hợp này phải ghép đồng thời 2 phổi.

Đây là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam và cũng là ca ghép tạng xuyên Việt lịch sử với sự phối hợp của nhiều chuyên gia đầu ngành về ghép tạng của Việt Nam từ Nam chí Bắc. 

Trung tướng Bàng cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiến tới thực hiện thành công các ca ghép tạng khó như ghép ruột, ghép tử cung, ghép thận-tụy...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem