Chuyện chưa kể về ca ghép phổi đầu tiên do bác sĩ Việt thực hiện

Diệu Linh Thứ tư, ngày 27/02/2019 06:44 AM (GMT+7)
“Thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam hoàn toàn do bác sĩ Việt Nam thực hiện là một nỗ lực vượt bậc, nhưng điều chúng tôi không thể ngờ được là khó khăn gấp bội đang lại chờ đón chúng tôi phía sau” – PGS. TS Nguyễn Hữu Ước -Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ.
Bình luận 0

Ngày 12.12.2018, lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép phổi. Đây là ca ghép phổi từ người cho chết não thứ 2 ở Việt Nam nhưng là ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng ê kíp bác sĩ Việt Nam.

Bệnh nhân (BN) nhận phổi là em N.V.Đ (17 tuổi) đã được sinh thiết và chẩn đoán xác định mắc bệnh mô bào ở phổi, một dạng bệnh ung thư rất đặc biệt và không có giải pháp điều trị triệt để. Theo PGS Ước, hơn 5 năm nay, BN Đ., đã có các biểu hiện của bệnh kén hóa và nhiễm trùng phổi rất nặng. Trước khi ghép phổi, toàn bộ tổ chức phổi của BN đã bị tiêu hủy hết thành các nang – kén khí, không còn hoạt động chức năng, nếu không được ghép phổi ngay,cơ hội sống tiếp rất mong manh.

img

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép phổi (BVCC)

Ca ghép phổi kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ đã thành công hơn mong đợi. Hai ngày đầu sau ghép, tình trạng BN ổn định như dự kiến; hoạt động phổi ghép tốt, mô phổi co hồi vừa với lồng ngực người nhận phổi, nên đã được ngừng chạy tim phổi nhân tạo (ECMO), mổ đóng vết mổ ngực và mở khí quản chăm sóc phổi. Sau 10 ngày, diễn biến sức khoẻ của BN đã rất thuận lợi, các thông số chuyên môn liên quan đến phổi ghép đều tiến triển tốt, BN không còn phải thở máy.

img

"Dù được cảnh báo nhưng chúng tôi cũng không tưởng tượng được việc chăm sóc bệnh nhân ghép phổi vất vả đến vậy" - PGS.TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ. 

Khó khăn khôn lường

PGS Ước kể, BN ghép tim phục hồi ngay sau 24 giờ, chỉ 3 ngày là có thể ngồi dậy và ra viện sau vài ba tuần. Còn BN ghép phổi, sau hơn 70 ngày phẫu thuật, máy móc vẫn phải chạy rầm rập xung quanh, sức khỏe hết sức phập phồng.

“Chăm sóc BN ghép tim chỉ là cho dùng thuốc, thay băng, không có các vấn đề về nhiễm trùng. Nhưng với BN ghép phổi, các điều dưỡng ngày nào cũng phải soi phế quản, hút đờm dãi, dịch ứ ở đường hô hấp, do phổi chưa làm việc bình thường. Đây là thủ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiều công, nhiều người, mang máy móc, trang thiết bị để thực hiện. Việc nội soi càng không đơn giản khi phải đi qua mối nối ghép phổi có sẹo, thậm chí bị phù nề, viêm nhiễm. Chậm soi, đờm dãi ứ lại là BN khó thở, suy hô hấp ngay, nhưng việc nội soi thường xuyên lại khiến mối nối dễ bị tổn thương, dễ viêm nhiễm.

img

Để hạn chế nhiễm trùng, hàng ngày PGS Ước sẽ hỏi thăm tình hình bệnh nhân với điều dưỡng qua ô cửa nhỏ. Ảnh D.L

Không chỉ vậy, mỗi ngày, chi phí điều trị của BN Đ. khoảng 20-40 triệu đồng, gia đình không có khả năng chi trả. Toàn bộ tiền điều trị của Đ. là do Bệnh viện Việt Đức hỗ trợ và trông chờ vào sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Vì vậy, hàng ngày, ngoài việc căng thẳng tìm phương án điều trị hiệu quả cho BN Đ, PGS Ước và đồng nghiệp còn phải “vắt óc” đi tìm nguồn tài trợ cho ca bệnh.

Đường hô hấp vốn là nơi vi trùng dễ xâm nhập. Việc thực hiện thủ thuật soi hàng ngày càng đẩy cao nguy cơ nhiễm trùng. Cứ vài ngày chúng tôi lại cấy ra một con vi khuẩn mới, lại phải dùng kháng sinh. Mà dùng kháng sinh liều cao quá, BN đã suy kiệt, điều này lại khiến sức đề kháng của BN giảm, khó phục hồi sức khỏe, lại dễ viêm nhiễm. Mà không dung kháng sinh thì BN cũng không trụ được” – PGS Ước chia sẻ.

Ngoài ra, BN còn phải dùng thuốc chống thải ghép – loại thuốc làm suy giảm khả năng tự đề kháng của cơ thể. Các bác sĩ lại đứng trước bài toán, nếu kê đơn thuốc mạnh thì BN yếu mà kê đơn nhẹ quá thì không đủ sức ức chế được tạng.

Do vậy, diễn biến sức khỏe của BN Đ. hết sức phức tạp. Trong Tết, cậu bé đã đủ sức đứng dậy để đi lại trong phòng khiến các bác sĩ mừng rỡ khôn xiết. Nào ngờ, ngay sau đó, Đ. lại gặp triệu chứng bị nhuyễn đường thở (hẹp, mềm, khi hít vào là dính chặt lại) do phổi lâu ngày không hoạt động. Để bệnh nhân thở được, các bác sĩ lại phải can thiệp, nong phế quản, đặt stent nong ống thở.

img

"Bệnh nhân ghép phổi phải được "để mắt" 24/24h" - PGS Ước cho biết

PGS Ước cho biết, 1 điều dưỡng có thể chăm sóc 3 BN ghép tim, nhưng với BN ghép phổi thì lúc nào cũng phải phân công riêng 1 điều dưỡng túc trực 24/24h. “BN Đ. nằm trong phòng “cách ly của cách ly” giữa các máy móc và riêng 1 điều dưỡng chăm sóc. Điều dưỡng này thường xuyên theo dõi tiến triển của BN, các chỉ số trên máy móc để kịp thời chăm sóc hoặc báo bác sĩ trực. Hoặc giúp BN các động tác phục hồi, cho BN ăn…

Mỗi ca trực kéo dài 8h, một mình một điều dưỡng trong phòng kín khiến họ không chỉ mệt về thể xác mà tinh thần cũng bải hoải. Các em nói vui, tuần nào ghép tim cũng được, nhưng tháng nào cũng có 1 ca ghép phổi thì cả khoa ốm mất” – PGS Ước nói.

Nỗ lực không mệt mỏi

“Lần đầu tiên ghép phổi thành công, đối với những người làm khoa học như chúng tôi là một điều vô cùng sung sướng, tự hào. Nhưng không ngờ đằng sau lại là cả một cuộc chiến cam go đầy khó khăn, gian nan. Chúng tôi đã được các chuyên gia ghép tạng trên thế giới cảnh báo nhưng quả thật, nếu chưa xảy ra thì chưa thể lường hết được” – PGS Ước bùi ngùi.

PGS Ước kể lại, để có được ca ghép phổi như ngày hôm nay, ông và các đồng nghiệp đã có sự chuẩn bị rất dày công, cho đến khi tiến hành ghép phối, các bác sĩ đã hoàn toàn chắc chắn về mặt chuyên môn. Các điều kiện về mặt trang thiết bị, nhân lực đều đã hoàn thiện. Quy trình mổ, các yếu tố bất ngờ, biến chứng có thể xảy ra… đều đã được lên sơ đồ, kế hoạch, kịch bản chu đáo.

img

Các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sức khỏe của bệnh nhân từng giờ

Bệnh viện còn đưa các bác sĩ ra nước ngoài để học tập về lấy phổi từ người cho chết não, bảo vệ phổi và ghép phổi. Các bác sĩ cũng đã nhiều lần thực tập ghép phổi trên lợn để đảm bảo vững vàng về chuyên môn… Các chuyên gia y tế thế giới cũng cảnh báo PGS Ước và đồng nghiệp về khó khăn khi chăm sóc BN ghép phổi với nhiều nguy cơ, biến chứng khó lường. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra, BN ghép phổi có khả năng xảy ra tới 15 loại biến chứng, hết loại này đến loại khác khiến PGS Ước và các đồng nghiệp phải đuổi theo “bở hơi tai”.

Để có được quyết tâm thực hiện kỹ thuật ghép phổi, PGS Ước đã nhắc đến một người bệnh đặc biệt và một chuyến bay “chưa từng có”. Đó là một người đàn ông bị bệnh rất nặng thường trú tại TP.Hồ Chí Minh, gia đình tha thiết được ghép phổi cho BN bằng bất cứ giá nào.

“BN này đã bị bệnh nặng, chúng tôi đón bệnh nhân này về với hy vọng điều trị cho BN qua cơn nguy kịch, sau đó nếu tìm được người cho phù hợp sẽ ghép phổi hoặc tim phổi. Do BN đã suy tim phổi giai đoạn cuối, sống ngờ hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, máy rung, máy thở "bao vây" xung quang nên hãng SOS của Châu Á – tổ chức chuyên vận chuyển bệnh nhân nặng cũng từ chối. Còn các hãng bay trong nước cũng không nơi nào dám nhận.

Nhưng chúng tôi đã vào và đưa được BN ra bằng máy bay dân dụng. Đây là cuộc chiến đấu vô cùng vất vả của cả tập thể các đơn vị từ Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Hải cảng Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Việt Nam Airline… Cả một hệ thống phối hợp với nhau. Chúng tôi gần như điều động cả Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực thu nhỏ vào TP. HCM để đưa bệnh nhân ra.

img

"Nếu chúng tôi đạt được thành tựu mới trong y học sẽ là thành công của cả tập thể" - PGS Nguyễn Hữu Ước

Nhưng rất tiếc, BN chờ hơn 1 tháng không tìm được người cho phù hợp nên đã mất. Khi ca ghép phổi này thành công tôi đã nhắn tin cho gia đình BN đó và trân trọng cảm ơn. Vì có sự quyết tâm của họ mà chúng tôi cũng đã có động lực nghiên cứu, học tập và xây dựng hoàn thiện một quy trình ghép phổi, để có sự thành công như hôm nay. Mặc dù BN đã không được ghép nhưng đã đóng góp một phần không nhỏ. Gia đình cũng đã chúc mừng và chủ động đứng ra quyên góp hàng trăm triệu cho BN Đ.” – PGS Ước tâm sự.

 “Ghép phổi thành công mới chỉ là bước đầu. Cuộc chiến đấu tranh với bệnh tật cho BN ghép phổi còn cam go. Nhưng đây là một một quá trình quan trọng, có đóng góp to lớn cho y học. Thông qua đó, chúng tôi đã học hỏi được nhiều bài học mà trước đây chỉ đọc trong sách, thậm chí chưa từng biết đến. Rất nhiều chuyên gia y tế đầu ngành đều thấy "lạ" và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong điều trị nói chung và chuyên ngành ghép tạng nói riêng” – PGS Ước chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem