Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Công Vui (khu 3, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, gia đình ông có 2 ao chuyên nuôi cá chép đỏ. Năm nay, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 2 tạ cá.
Toàn bộ số cá này đã được thương lái đặt mua cách đây hơn 1 tháng, dự kiến cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
"Người làng Thủy Trầm cũng mang cá đi bán lẻ ở các địa phương lân cận, có khi về tận Hà Nội. Trước Tết ông Công, ông Táo, người trẻ trong làng đều đi bán cá. Cứ xe máy buộc theo bình oxy mà chở cá đi thôi, cả làng vào vụ, già trẻ gái trai đều có việc bận tất bật" .
Ông Nguyễn Công Vui
"Ở làng Thủy Trầm nhà nhà nuôi cá chép đỏ. Bà con thường bắt đầu thả cá giống từ tháng 6 âm lịch, đến Tết ông Công ông Táo sẽ thu hoạch. Lúc này, cá to khoảng hai đến ba ngón tay. Đối với bà con làng Thủy Trầm, thu hoạch cá chép đỏ cũng là dịp vui nhất trong năm" - ông Vui nói.
Ông Hà Công Vụ - Bí thư Chi bộ khu Đồng Minh (thuộc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm) cho hay, gia đình ông cũng nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Ông nhẩm tính, với việc cá sinh trưởng tốt và đều như năm nay, cả 2 ao của gia đình ông có thể thu được khoảng 2 tạ cá.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá chép, ông Vụ cho biết, các hộ phải nhiều lần "được, mất" mới rút ra kinh nghiệm cho cá chép đỏ đẻ muộn thành công.
Đến kỳ thu hoạch, trước khi đánh bắt cá chép đỏ từ ao lên, chủ cá chuẩn bị sẵn túi lưới cho vào "ép" để cá thải hết lượng phân và thức ăn trong cơ thể, đồng thời giúp cá quen với môi trường chật chội, oxy thấp khi vận chuyển.
Nghề ương nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề.
Hiện nay, xã Tuy Lộc có hơn 30ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, tạo việc làm cho trên 1.140 người. Cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước...
Năm 2023, làng cá chép đỏ Thủy Trầm cung cấp ra thị trường khoảng 35 tấn cá chép đỏ. Trung bình cá chép Thủy Trầm từ 40-50 con/kg, giá bán khoảng 110.000 - 150.000 đồng/kg. Trừ chi phí, bà con thu nhập bình quân 25 triệu đồng/sào.
Năm 2017, UBND xã Tuy Lộc thành lập HTX cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm. Đến năm 2018, nhãn hiệu tập thể "Cá chép đỏ Thủy Trầm" được công nhận cho HTX cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm. Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ vươn xa.
Ông Bùi Văn Chữ - Giám đốc HTX cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm cho hay, lúc đầu, người dân chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Cá có sắc đỏ óng ánh như "màu phát tài phát lộc", mang lại may mắn trong dịp tết và từ đó người người mua về cúng ông Công, ông Táo. Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay nghề nuôi chép đỏ phát triển. Đến nay, mỗi hộ trong thôn đều có ít nhất từ 2-3 ao cá.
Bà Trần Thị Hưởng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cẩm Khê cho biết, để làng nghề ngày càng phát triển, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với cá chép đỏ Thủy Trầm.
UBND xã Tuy Lộc cũng định hướng cho người dân việc hợp tác sản xuất ổn định nhằm phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, địa phương tích cực tổ chức chuyển giao công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân.
Về thăm làng Thủy Trầm vào những ngày này mới thấy hết không khí vui tươi, nhộn nhịp của tết đến xuân về. Từng đoàn xe tải xếp hàng chờ lấy cá, bà con hân hoan thu hoạch thành quả sau một năm làm việc vất vả.
Nhờ nuôi cá chép đỏ, đời sống của bà con làng Thủy Trầm ngày càng phát triển. Cũng nhờ nghề nuôi cá chép đỏ, thôn Thủy Trầm tích cực góp phần vào xây dựng nông thôn thôn mới ở địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.