Vùng đất này ở Quảng Nam là nơi người Champa xây tháp đầu tiên vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên
Vùng đất này ở Quảng Nam là nơi người Champa xây đền tháp đầu tiên vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên
Thứ ba, ngày 13/06/2023 19:21 PM (GMT+7)
Theo tài liệu khảo cổ chính thức, người Champa bắt đầu xây dựng những tòa tháp đầu tiên ở xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vào đầu thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên...
Khu đền tháp Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là một điểm đến hấp dẫn du khách trên con đường khám phá các di sản ở miền trung.
Ngắm nhìn những công trình kỳ vĩ tuổi đời hàng thiên niên kỷ, dẫu phần nhiều không còn nguyên vẹn, hậu thế ngày nay vẫn phải choáng ngợp trước tài năng và công sức của các cư dân nền văn minh cổ xưa.
Khu đền tháp Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xã Duy Phú được cho là nơi người Champa xây đền tháp đầu tiên vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.
Cách TP Hội An khoảng 40km về phía tây, khu di tích Mỹ Sơn từng là một trong những trung tâm của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới.
Toàn bộ khu vực nằm gọn trong một thung lũng nhỏ bao phủ bởi cây cối tốt tươi, đồi núi nhấp nhô chung quanh.
Theo tài liệu khảo cổ chính thức, người Champa bắt đầu xây dựng những tòa tháp đầu tiên ở đây vào đầu thế kỷ thứ 4. Trải qua những biến thiên của lịch sử, bị thời gian tàn phá và chịu ảnh hưởng của chiến tranh, Mỹ Sơn hiện còn lại phế tích của hơn 70 ngôi đền, tháp nhiều kích cỡ và phong cách kiến trúc.
Thời gian qua, với nỗ lực của các chuyên gia khảo cổ, kiến trúc sư, nghệ nhân Việt Nam và sự giúp đỡ của chính phủ Pháp, Italy, Ấn Độ… nhiều đền, tháp quan trọng đã được phục dựng, đồng thời nhiều dấu tích và cổ vật đặc biệt quý hiếm vẫn tiếp tục được phát hiện thêm.
Đến Mỹ Sơn, với sự hướng dẫn nhiệt tình và truyền cảm của các hướng dẫn viên, du khách có thể cảm nhận được phần nào trầm tích của nền văn hóa-nghệ thuật Champa thời kỳ huy hoàng.
Các công trình được người Champa xưa xây bằng gạch nhưng không dùng các chất kết dính thông thường, chỉ xếp chồng lên nhau mà vẫn tạo thành khối vững chắc.
Một giá trị nổi bật khác là tượng, tranh tường chạm nổi về các trích đoạn thần thoại, sử thi với tạo hình các vị thần linh, muông thú, hoa lá, vũ nữ… Những nứt vỡ hay rêu phong cũng không thể làm giảm đi đường nét tinh tế, sống động trên những tác phẩm này.
Sau khi tận mắt chiêm ngưỡng đền tháp uy nghi và lắng nghe những câu chuyện lịch sử, du khách có thể tiếp tục trải nghiệm vùng đất huyền thoại này qua nhiều hoạt động thú vị khác như xem trình diễn văn nghệ dân gian dân tộc Chăm, tìm hiểu các nghề thủ công địa phương như làm gốm, dệt vải và chọn mua món quà nhỏ làm kỷ niệm cho chuyến đi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.