Cả làng rủ nhau trồng hoa hồng cổ, mỗi năm bỏ túi vài trăm triệu

Kim Cúc Thứ hai, ngày 28/01/2019 19:02 PM (GMT+7)
Đến xóm Bắc Giang, thị trấn Cát Thành (huyện Trực Ninh, Nam Định), nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi cảm thấy như đang lạc vào xứ sở của hoa hồng, với những cây hồng Sa Pa quanh năm nở bung rực rỡ, thơm ngát cả một vùng. Đặc biệt là nhờ trồng hoa hồng, nhiều gia đình ở đây đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Video: Toàn xóm Bắc Giang hiện có khoảng 80% số hộ tham gia nghề trồng hoa hồng.

Cả làng rủ nhau làm giàu nhờ trồng hồng cổ

Khoảng 3 năm trở lại đây, Trực Ninh nổi lên là huyện trồng nhiều hồng cổ Sa Pa - một giống hồng quý, dáng hoa đẹp, giá khá cao lại không quá khó trồng. Người dân cho biết, họ lấy giống hồng gốc ở Sa Pa (Lào Cai) về rồi nhân giống, sản xuất đại trà.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Thành – người đầu tiên đưa hồng cổ Sa Pa về xóm Bắc Giang nhân giống. Hiện nay, ông Thành đang sở hữu khoảng 400 gốc hồng gồm nhiều loại khác nhau: hồng quế, hồng vân khôi, hồng bạch ho, hồng phớt, nhiều nhất là hồng cổ Sa Pa.

img

Những vườn hồng ở Bắc Giang, thị trấn Cát Thành đua nhau khoe sắc. Ảnh: Kim Cúc

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành chia sẻ: “Tôi đã trồng hồng được vài chục năm nay nhưng ban đầu chỉ trồng ít để lấy hoa gói đem bán ngày lễ. Vài năm trở lại đây, thú chơi hoa hồng được nhiều người ưa chuộng, vì vậy tôi mới nhân giống hồng để trồng bán cây. Sau đó, mô hình bán giống hoa hồng được nhiều người trong xóm học hỏi, lan rộng”.

Trưởng xóm Bắc Giang – ông Nguyễn Văn Hiển cho biết: “Cả xóm hiện có 253 hộ dân thì có khoảng hơn 80% gia đình tham gia trồng hồng cổ Sa Pa để kinh doanh”. Con số này hiện đang có xu hướng gia tăng và mở rộng sang các tổ dân phố khác trong thị trấn.

img

Có khoảng 80% số hộ dân ở xóm Bắc Giang nhân giống hoa hồng để kinh doanh. Ảnh: Kim Cúc

Người dân xóm Bắc Giang cho biết, hồng cổ Sa Pa là giống cho hoa quanh năm, sai hoa và có màu sắc rất đẹp. Loại hồng này cho bông to, dáng tròn, rất nhiều cánh xếp tầng đặc biệt hơn hẳn hồng thường. Chính vì thế, không chỉ bán chạy vào dịp Tết mà nó được người dân ưa chuộng mua về trồng quanh năm. Không riêng gì khách trong tỉnh Nam Định mà ở khắp nơi nghe tiếng làng hoa Bắc Giang đã tìm đến tận nơi chọn cây mang về.

Hồng cổ có nhiều giá, thông thường sau khi chiết cành, người dân sẽ chăm sóc khoảng một năm thì đem bán. Loại hồng này có giá từ 700.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/cây. Có nhà chăm được những gốc hồng lâu năm, bán được giá từ 6 – 10 triệu đồng/cây.

Nhờ trồng hồng, mà mỗi nhà cũng có thu nhập thêm từ 30 – 50 triệu đồng/năm. Đặc biệt, có hộ trồng nhiều, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Đỗ Văn Sinh – chủ một vườn hồng Sa Pa đang có khoảng 700 cây lớn nhỏ cho biết: “Năm ngoái, tôi thu về 300 triệu đồng tiền lãi nhờ trồng hồng. Nghề này không quá vất vả nên tôi còn có thời gian làm công việc khác như xay xát gạo, chăm gà, nuôi cá”.

img

Ông Đỗ Văn Sinh, chủ vườn hồng ở xóm Bắc Giang cho biết nhờ trồng hồng bán, gia đình ông vừa có lãi khá vừa có thời gian làm thêm các nghề khác. Ảnh: Kim Cúc

Khắp nơi đua trồng hồng, làm ăn ngày càng khó

Theo các hộ trồng hồng ở Bắc Giang, hồng cổ Sa Pa không quá khó trồng. Chỉ cần biết cách chăm sóc, phòng tránh nhện đỏ và sâu lá là hồng phát triển, cho hoa đều đặn. Khi chiết cây, chỉ cần đắp một ít bùn lẫn với rễ bèo tây cuốn quanh cành chiết là đảm bảo có cây con để trồng. Tỷ lệ chiết thành công lên đến 95%. Cành chiết khi đưa xuống vườn trồng chỉ từ 40 – 50 ngày là cây đâm lộc, cho ra hoa. Thế nên nếu cẩn thận, chỉ cần mua giống một lần là bà con có thể tự ươm được cả vườn hồng.

Tuy nhiên, do mở rộng quy mô trồng tự phát, cùng với nhiều địa phương khác cũng đẩy mạnh phong trào nhân giống hồng nên thời gian gần đây, việc tiêu thụ hồng ở xóm Bắc Giang chậm hơn trước. Ông Đỗ Văn Sinh chia sẻ: “Nguồn cung của hồng cổ Sa Pa ngày một mở rộng nhưng giá lại phụ thuộc quá nhiều vào thương lái nên giá trị kinh tế ngày càng giảm. Một cây hồng giống cao khoảng 30 cm giá hiện tại chỉ 50.000 đồng, trong khi đó, 2 năm trước cành tương tự như vậy tôi bán được với giá 200.000 đồng”.

img

Ông Đỗ Văn Sinh hiện đang có khoảng 700 cây hồng Sa Pa.

Ông Sinh cho biết thêm: “Trước đây, ngoài bán cây tôi còn bán được hoa với giá 30.000 đồng/kg cho thương lái để sản xuất nước hoa, dược phẩm. Nhưng do đầu ra không ổn định nên bây giờ, chúng tôi cũng không xuất bán hoa được như trước nữa”.

img

Để đảm bảo cây nuôi hoa khỏe, người dân cắt bớt bông già. Trước đây những bông hoa này thương lái mua hết, nhưng bây giờ bà con bỏ đầy gốc vì không có ai thu mua. 

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Đốc – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) nhấn mạnh: Hồng cổ là loại cây có giá trị kinh tế cao, chính quyền đang khuyến khích bà con đầu tư nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện nay nhu cầu về hồng cổ còn rất lớn, khách ở Bắc, Trung, Nam đều đổ về mua tận vườn. Tuy nhiên, hồng là loại cây cũng khá kén người chơi, việc bao tiêu hiện chủ yếu dựa vào thương lái, người dân phải tự tìm kiếm khách hàng nên bà con cũng cần tính toán, đầu tư hợp lý, tránh mở rộng diện tích ồ ạt dẫn đến khó tiêu thụ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem