Cả làng trồng quả “mở mắt” thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm

Mộc Trà Thứ tư, ngày 03/04/2019 19:30 PM (GMT+7)
Chi Lăng là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Riêng đối với cây na-loại quả "mở mắt" khi chín, mỗi năm xã Chi Lăng đã thu gần 100 tỷ đồng.
Bình luận 0

Chạy dọc theo Quốc lộ 1A, PV Dân Việt tới huyện Chi Lăng – nơi được coi là thủ phủ của na xứ Lạng. Phóng mắt nhìn chỉ thấy vùng núi đá vôi xanh thẫm một màu át đi màu đen của sườn núi đá tai mèo. Đó chính là màu lá của hàng trăm ngàn cây na vươn mình từ các khe đá.

img

Cây na đã giúp người dân Chi Lăng thoát nghèo.

Mỗi khi vào dịp thu hoạch na (tháng 8), tại các phiên chợ, các điểm tời đón những sọt na bay vèo từ trên núi xuống luôn nhộn nhịp cảnh bà con cùng thương lái cùng nhau ngã giá những giỏ đầy na trắng hồng, mắt to căng. 

Còn thời điểm này, đâu đâu nơi sườn núi đá tai mèo cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của người nông dân cắt tỉa, chăm sóc vườn na để chờ một mùa na bội thu sắp tới. Những tời ròng rọc là công cụ để người dân vận chuyển na khi vào mùa thì giờ đây cũng là công cụ để người dân vận chuyển phân bón lên vườn na - nơi sườn núi cheo leo.

img

Tời ròng rọc được người dân sử dụng để vận chuyển phấn bón từ dưới lên vườn và cũng là công cụ để chuyển những trái na mở mắt từ trên núi cao về nhà.

Nghề trồng na ở xứ Lạng chủ yếu tập trung tại 2 huyện Hữu Lũng và Chi Lăng. Tại đây người người trồng na, nhà nhà trồng na. Mỗi gia đình trung bình có 400 – 1.000 gốc na, thậm chí hơn 1.000 gốc. Na chín thường rất rộ, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng là hết, nhưng hiện tại người dân đã có kỹ thuật thụ phấn để kéo dài thời gian thu hoạch, nhờ đó năng suất và chất lượng tăng lên.

Là một trong những xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Chi Lăng, xã Chi Lăng đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tiếp tục nhân rộng, chuyển đổi cây trồng có giá trị thay cho cây lúa. Riêng đối với cây na, mỗi năm đã thu gần 100 tỷ đồng.

img

Mỗi mùa thu hoạch na là người dân nơi đây vô cùng phấn khởi vì na vừa được mùa vừa được giá.

Được biết Chi Lăng là xã có 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đã có sự sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động bà con áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, cây na từ 1 vụ thành 2 vụ, mỗi vụ lại có năng suất cao hơn.

Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết:  Ngoài cây na, thì xã cũng tập trung phát triển một vài loại cây ăn quả khác có thế mạnh không kém như vải, cam canh, bưởi diễn.. Cụ thể đối với cây vải thu khoảng 1 tỷ đồng, bưởi Diễn thu khoảng 5,4 tỷ đồng; cam canh khoảng 850 triệu đồng… Nhờ phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của xã Chi Lăng trong năm 2018 đã đạt 39 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân của huyện là 28 triệu đồng/người/năm.

img

Hiện người dân đang tất bật với các công việc cắt tỉa, thu phấn và chăm sóc vườn na nơi sườn núi.

Với đặc thù canh tác của địa phương là đất xen núi đá đã tạo ra giống na Chi Lăng trứ danh vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Có những quả na rất lớn có khối lượng từ 800gram đến hơn 1kg. Tuy nhiên, nhiều người dân trồng na cho biết, mỗi vườn cũng chỉ có khoảng vài quả và cũng hiếm khi mua được.

Trao đổi với Dân Việt, bà Triệu Thị Tám, Chủ tịch Hội nông dân xã Chi Lăng cho biết: Trên địa bàn xã Chi Lăng, có nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng từ cây na và các loại cây có múi khác. Nhờ phát triển cây ăn quả mà cuộc sông người dân ở đây ngày càng khấm khá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem