Cà Mau đề xuất hai sản phẩm vào Top đặc sản Việt Nam 2020
Cà Mau đề xuất hai sản phẩm vào Top đặc sản Việt Nam 2020
Hoàng Hạnh
Thứ hai, ngày 13/07/2020 13:02 PM (GMT+7)
Hai sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Cà Mau là “Cua Năm Căn Cà Mau” và “Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau” được UBND tỉnh này chọn tham gia đề cử Tóp đặc sản Việt Nam 2020.
Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh đã đề xuất hai sản phẩm "Cua Năm Căn Cà Mau" và "Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau" đến Viện kỷ lục Việt Nam xem xét, thẩm định. Đây là hai sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể tiêu biểu của tỉnh Cà Mau.
Cua Năm Căn Cà Mau là loại cua ngon, giàu dưỡng chất, đặc sản có tiếng xưa nay "King Crab of Vietnam". Đây là loại cua được nuôi theo mô hình rừng – tôm kết hợp, chỉ thực hiện được ở rừng ngập mặn ven biển bạt ngàn phù sa của địa phương.
Cua Năm Căn ngon là nhờ sống trong vùng nước bồi lắng phù sa cuối cùng của Tổ quốc; đặc biệt là nguồn phù sa từ những cánh rừng đước bạt ngàn, kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên phong phú và đa dạng, giúp thịt cua chắt khỏe, thơm ngon.
Người đứng đầu Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết, Cua Năm Căn Cà Mau là một nhãn hiệu tập thể được cấp cho hàng chục hộ nuôi và mua bán cua. Đây là loài cua chỉ được nuôi trong ranh giới địa lý 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau; cua nuôi theo mô hình sinh thái cua – tôm – rừng kết hợp (con tôm, con cua ôm cây đước, không cho ăn nên không chất kháng sinh và chất tăng trọng)...
Do là loại đặc sản nên Cua Năm Căn luôn có giá bán trung bình cao hơn so với cua biển nuôi ở những nơi khác trong tỉnh Cà Mau; cua gạch có giá dao động từ 300 – 600 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm). Đặc biệt là cua hai da (cua lột) có giá thành trên 700 nghìn đồng/kg, đây là loài cua hiện đang được thị trường ưa chuộng, đầu ra sản phẩm luôn ổn định.
Riêng đối với sản phẩm "Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau". Đây là sản phẩm của làng nghề có từ lâu đời từ những năm của thập niên 60 đến nay ở huyện Ngọc Hiển; được sản xuất theo mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hay hộ gia đình, tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Ân Tây, Tam Giang Tây và thị trấn Rạch Gốc.
Từ sau năm 2000 trở lại đây, sản phẩm này rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng; nhu cầu tiêu dùng hàng ngày rất cao; đặc biệt, chủng loại bánh luôn đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng nên thị trường ngày càng được mở rộng.
Nguyên liệu làm bánh chủ yếu là tôm bạc và tôm đất có nguồn gốc tự nhiên, tôm sinh sống trong các vuông tôm quảng canh theo mô hình tôm – rừng nên chất lượng luôn đảm bảo.
Để sản xuất bánh, nguyên liệu tôm được phối trộn với bột và các loại gia vị tự nhiên, tạo nên loại bánh phồng tôm đặc biệt, với mùi vị thanh ngọt của "tôm thật" được đánh bắt từ vùng đất ngập mặn của cuối trời Nam.
Bánh thường được dùng để ăn tráng miệng, hay ăn giải trí; bánh khi chiên lên có độ dòn, xốp, béo, ngọt và thơm mùi hải sản. Hiện tại, Bánh phồng tôm Mũi Cà Mau không chỉ là món ăn phổ biến ở vùng Tây Nam Bộ vào những ngày lễ, Tết, mà nó còn xuất hiện kèm theo những món ăn trong các buổi tiệc ở nhiều nhà hàng và phục vụ khách du lịch.
Riêng ở Cà Mau, loại bánh này không chỉ là món ăn nhâm nhi khoái khẩu của những lão nông tri điền sau những buổi lao động vất vả, mà còn là món khai vị tại đại đa số các tiệc cưới, tiệc vui, họp mặt..., với giá bán ổn định từ 90 – 220 nghìn đồng/kg.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau Quách Văn Ấn cho biết, việc đề xuất này nhằm mục tiêu quảng bá kết nối thương mại, và nâng cao giá trị cũng như hình ảnh của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
"Chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị tham hoàn thiện chuỗi sản xuất cho từng sản phẩm nhằm phát triển thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu ra thị trường thế giới", ông Ấn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.