Tuy nhiên cái tên gọi của loài cua này như bạn tôi giải thích thì khá đơn giản. Do ở phần yếm của con cua có hình vuông, nên người dân quen gọi là cua yếm vuông. Tạm chấp nhận với cách giải thích dân dã như vậy, nhưng lần đầu được “mục sở thị”, tôi thấy loại cua này có kích thước và trọng lượng nhỏ so với các loại cua khác. Những con cua cái đang độ “dậy thì”, sắp mang gạch. Nhiều con cua đã lột xác, chuyển qua thành cua có gạch vàng như nghệ. Khi được hỏi nó có ngon như “lời đồn” không?. Bạn bảo: “Chế biến xong sẽ rõ!”.
Cua yếm vuông tuy nhỏ nhưng chắc thịt và rất ngon (Ảnh chụp ngày 10/1/2016)
Rồi bạn tôi thoăn thoắt vừa mang cua đi sơ chế, vừa giải thích về cách làm món cua yếm vuông. Để cho cua “ngủm củ tỏi”, phải dùng dao nhỏ xẻ dọc vào phần yếm. Sau vài phút cua sẽ “ra đi”. Chỉ có cách này mới giữ cho cua không sứt gãy càng, ngoe, giúp cho món ăn thêm ngon và đẹp mắt. Cũng lưu ý, để phòng ngừa có sán, nên trụng cua trong nồi nước đang sôi cho an toàn. Mặt khác, có như thế mới làm cho gạch cua săn cứng.
Món ăn mà chúng tôi làm cho bữa gặp mặt là món cua yếm vuông rang muối. Cũng đơn giản thôi. Để có được món cua rang muối ngon, cần nửa chén nước lã, pha ít muối, bột nêm, tiêu và ớt. Sau đó đặt cua lên chảo lớn, đổ chén nước vào và đun lửa cho đến khi chảo khô quánh, muối bám quanh cua.
Muốn món cua yếm vuông khi rang chín đều, thơm ngon mà không bị cháy, cần đảo tay liên tục để gia vị thấm đều vào thịt cua. Cua chín, tắt bếp sắp ra đĩa. Vì muốn bắt mắt như ở quán ăn, bạn tôi còn rải đều một lớp muối tôm tây ninh (loại muối hột) lên đĩa rồi đặt cua lên.
Ngoài đặc sản cua yếm vuông ra, tôi được biết Cà Mau còn có các loại cua khác nữa như cua thịt, cua cốm (cua hai da), cua tứ, cua gạch son… cũng không kém phần hấp dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.