Cà Mau: Đường về Đất Mũi không còn “lụy phà”

Hoàng Hạnh Thứ bảy, ngày 16/01/2016 18:44 PM (GMT+7)
Ước mơ bao đời của người dân Cà Mau nay đã thành hiện thực khi tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) và cầu Hòa Trung được chính thức thông xe. Chấm dứt cảnh “lụy phà” bao đời nay, xóa thế “ốc đảo” của hai huyện cuối cùng của Tổ quốc là Đầm Dơi và Ngọc Hiển.
Bình luận 0

img
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tân Dũng và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành T.Ư cắt băng khánh thành cầu Hòa Trung.

Ngày 16.1, tại ấp Hòa Nam, xã Hòa Thành, TP. Cà Mau, Bộ GTVT phố hợp cùng UBND tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ thông xe Dự án đầu tư xây dựng cầu Hòa Trung và đường Hồ Chí Minh (đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi, tỉnh Cà Mau); lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành T.Ư…, đến dự và phát lệnh thông xe.

img

  Thủ tướng chào người dân hai bên cầu.

Đây là hai dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, tăng cường củng cố an ninh - quốc phòng của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng, tạo nên trục giao thông huyết mạch xuyên suốt trong tỉnh Cà Mau và miền Tây Nam Bộ, giao thông thuận lợi hơn, người dân đi lại không phải qua đò, qua phà như trước đây.

Dự án cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào, kết nối với tuyến đường Cà Mau – Đầm Dơi để nối thông từ TP. Cà Mau đến huyện Đầm Dơi, với tổng mức đầu tư khoảng 383 tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài khoảng 1.286m (trong đó, phần cầu chính và đường đầu cầu dài khoảng 626m, chiều dài đường vuốt nối khoảng 660m). Với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật phần cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT dự ứng lực theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN272-05; tải trọng thiết kế HL93; bề rộng cầu B=10m...

img

Thông xe kỹ thuật cầu Hòa Trung nối liền TP. Cà Mau và huyện Đầm Dơi

Theo Bộ GTVT, cầu Hòa Trung được khành thành sau hơn 6 tháng triển khai thi công. Đây là dự án có thời gian lập dự án và thi công ngắn nhất mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thực hiện và do các Nhà thầu tự ứng vốn để xây dựng.

Riêng Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi, có tổng mức đầu tư khoảng 3.932 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

img

 Vợ chồng ông Huỳnh Văn Bửu dẫn hai đứa cháu nội qua cầu Hòa Trung trong niềm vui phấn khởi

Dự án có tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 58,7km, đi qua địa bàn 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Điểm đầu dự án tại khoảng Km2297-QL1A (cách bùng binh Bưu điện khoảng 4km) thuộc địa phận thị trấn Năm Căn và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Giai đoạn trước mắt, dự án được đầu tư xây dựng từ điểm đầu tuyến đến Km51 với tổng mức đầu tư là 3.540 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi được khởi công tháng 5 năm 2009 (triển khai từ điểm đầu đến Khai Long (Km51+300), đoạn từ Khai Long đến cuối tuyến tạm đi theo đường địa phương). Đến nay đoạn từ cầu Năm Căn đến Đất Mũi (dài 51,3km) đã cơ bản xong móng đường để nối thông tuyến từ thị trấn Năm Căn tới Đất Mũi.

img

 Thông xe tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi nối liền từ đầu đất nước đến cuối mũi Cà Mau

Sự kiện khánh thành, thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đã nối thông toàn tuyến đường bộ từ Pắc Bó (Cao Bằng) - điểm đầu của đất nước đến Mũi Cà Mau – điểm cuối cùng của đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự nổ lực của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công ngày đêm, vượt qua nhiều khó khăn để thông xe hai dự án đúng tiến độ đã cam kết. “Cầu Hòa Trung là công trình bê tông vĩnh cửu, có tiêu chuẩn xây dựng cao nhưng hoàn thành trong 6 tháng xây dựng được xem là một kỷ lục” – Thủ tướng nhấn mạnh.

img

 Lễ động thổ xây dựng cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Đảng bộ tỉnh Cà Mau và các huyện tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng của mình để phát triển kinh tế, xã hội. Vùng đất cuối cùng của đất nước phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, cải thiện tốt hơn đời sống mọi mặt của người dân. Riêng Bộ GTVT tiếp tục bằng các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu đường bộ cho cả nước.

Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Và Dự án Nhà máy điện gió tại bãi biển Khai Long, huyện Ngọc Hiển.

img

 Lễ động thổ Nhà máy điện gió tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi

Công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau là biểu tượng thống nhất non sông tại vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Biểu tượng Cột cờ Hà Nội được xây dựng tại khu vực cột mốc tọa độ quốc gia GPS 001, thuộc Đất Mũi - Cà Mau, điểm Cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc, nằm trong Khu công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau.

Công trình gồm có 3 tầng đế và một thân cột. Theo thiết kế, tầng một cao 3,1m, tầng hai cao 3,7m, tầng ba cao 5,1m. Trên ba tầng này là thân Cột Cờ cao 18m. Toàn bộ chiều cao của Cột Cờ là 33,4m, nếu tính cả cán cờ chiều cao tổng cộng lên đến 41,4m.

Công trình được thiết kế mô phỏng theo kiến trúc của Cột cờ Hà Nội, được xây dựng dưới thời Vua Gia Long vào năm 1812 ở phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Khi hoàn thành, công trình biểu tượng Cột cờ Hà Hội tại đất mũi Cà Mau vừa là nơi biểu diễn nghệ thuật, tham quan du lịch, vừa là nơi trưng bày hiện vật và tư liệu lịch sử. Dự kiến, kinh phí xây dựng công trình này là 140 tỷ đồng.

Trong ngày, tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cũng diễn ra lễ động thổ dự án Nhà máy điện gió khu du lịch Khai Long- Ca Mau giai đoạn 1.

Theo ông Tô Hoài Dân, tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng- thương mai- dịch vụ công lý (chủ đầu tư) Nhà máy có công suất 100 MW, địa điểm xây dựng tại ấp Khai Long (xã Đất Mũi). Diện tích sử dụng đất và mặt biển 2.165 ha. Tổng mức đầu tư 5.519 tỉ đồng (không bao gồm đường dây 110 kV đấu nối). Loại dự án năng lượng nhóm A, thời gian thực hiện 2016-2018.

Dự án được lắp dựng 50 trụ turbine gió, công suất mỗi  turbine là 2MW. Về hạ tầng sẽ xây dựng các móng trụ turbine trên biển, bằng bê tông cốt thép trên hệ thông cọc đài cao, xây dựng 27km cầu dẫn cáp bê tông trên biển đấu nối với turbine gió…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem