"Lợn, gà khỏa thân" vẫn xuất hiện trên đường, đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 28/06/2024 13:34 PM (GMT+7)
Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát tốt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tới đây, Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ thực hiện thu thuế sát sinh.
Bình luận 0

Ngày 28/6, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Những tồn tại bất cập về chính sách phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp trong chăn nuôi ở Việt Nam”.

"Lợn, gà khỏa thân" vẫn xuất hiện trên đường, đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Ngọc

17 tháng chỉ phát hiện 45 vụ vi phạm... quá ít, không đúng thực tế?

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) cho biết, hiện nay cả nước có đàn gia cầm 577,23 triệu con; đàn lợn 27,14 triệu con; đàn bò 6,53 triệu con; đàn trâu 2,52 triệu con.

Mặc dù có số đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên, năm 2023 cả nước chỉ có 463 cơ sở giết mổ tập trung, trong khi có tới 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.

Có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát giết mổ bất kỳ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bao gồm: Điện Biên, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi và Trà Vinh.

Đặc biệt 7 tỉnh: Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung và cũng không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ.

Năm 2023 và 5 tháng 2024, Thanh tra Sở NNPTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh triển khai công tác thanh tra (từ 01/7/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn chức năng thanh tra), kiểm tra, giám sát và phối hợp với các các lực lượng chức năng kiểm tra vệ sinh y tế, kiểm soát giết mổ, ATTP đã phát hiện 45 vụ vi phạm, phạt trên 445 triệu đồng. Theo bà Bình, như vậy là quá ít, không đúng với thực tế.

Hiện tại các cơ quan quản lý mới kiểm soát khoảng 18,6% số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn.

"Lợn, gà khỏa thân" vẫn xuất hiện trên đường, đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm- Ảnh 2.

Xe máy chở "lợn khỏa thân" di chuyển trên đường phố Hà Nội sau khi được giết mổ ở lò mổ thủ công, trong quá trình vận chuyển đi tiêu thụ đã không tuân thủ các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Minh Ngọc

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm còn tồn tại nhiều bất cập về chính sách. Theo đó, quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc quản lý chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ hoạt động không phép, vi phạm quy định.

Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động giết mổ. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ (trên 50%) – hệ lụy là giết mổ nhỏ lẻ.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật về giết mổ còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với thực tế; Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe; Nguồn nhân lực (nhất là hệ thống thú y huyện, xã) đang có nhiều bất cập (ở nhiều nơi cấp huyện là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp).

Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung không phù hợp, thiếu hiệu quả; Thủ tục rườm rà, không thu hút được doanh nghiệp; Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay; Nguồn nhân lực và tài chính không đảm bảo đầu tư; Quá tốn kém đầu tư cho cơ sở giết mổ đủ điều kiến (đặc biệt việc xử lý môi trường trong khi đó chính sách hỗ trợ chưa phù hợp).

Tập quán thói quen của người tiêu dùng (thích sử dụng thịt nóng, không sử dụng thịt cấp đông, dùng gà thịt để cúng lễ ngày lễ, ngày tết... Quá nhiều chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm, các ngõ ngách bán động vật và sản phẩm động vật (không kiểm soát được).

"Lợn, gà khỏa thân" vẫn xuất hiện trên đường, đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm- Ảnh 3.

Chợ đầu mối thịt heo tự phát hoạt động hàng chục năm nay trên đường Đồng Nai, phường Phước Hải, TP. Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Báo Khánh hòa

Đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm

Ông Sơn cho rằng, để quản lý hiệu quả hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về giết mổ, đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ. Triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023.

Quy hoạch lại “mạng lưới cơ sở giết mổ”, tập trung vào các cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương.

Phân công rõ ràng và gắn trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan chức năng, nhất là đối với người đứng đầu (TP HCM hiện có Sở An toàn thực phẩm). Nhân rộng các mô hình điển hình về giết mổ tập trung (huyện Thanh Trì, Hà Nội không còn hoạt động giết mổ nhỏ lẻ).

"Lợn, gà khỏa thân" vẫn xuất hiện trên đường, đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, quy hoạch cơ sở giết mổ chưa hợp lý, nhiều cơ sở nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Minh Ngọc

Kiểm soát chặt sản phẩm đầu vào tại các siêu thị, chợ kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật, (buộc người kinh doanh sử dụng sản phẩm động vật có nguồn gốc, tìm về các cơ sở giết mổ đủ điều kiện). Đầu tư nguồn nhân lực hợp lý (hệ thống thú y tại cơ sở)

Có chính sách đặc thù ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung. Có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động giết mổ sơ chế, chế biến sâu sản phẩm động vật. Đổi mới các hình thức truyền thông nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người chăn nuôi trong hoạt động giết mổ, chế biến.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình giết mổ, nâng cao hiệu quả và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát huy mạnh hệ thống chính quyền và các tổ chức xã hội từ cơ sở.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay, Đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2023 đưa ra mục tiêu phát triển một số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp với thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại gắn với vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa.

Bảo đảm tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng khoảng 60% và 40% vào năm 2025; khoảng 70% và 50% vào năm 2030.

"Lợn, gà khỏa thân" vẫn xuất hiện trên đường, đề xuất thu thuế đối với giết mổ gia súc, gia cầm- Ảnh 5.

Công nhân đang pha lóc thịt lợn tại Nhà máy thịt mát MeatDeli. Ảnh: Thiên Hương

Ông Dương cho rằng, cần rà soát phân loại tổng thể các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và nhỏ lẻ, tăng cường các hoạt động quản lý nhằm bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh và an toàn chất lượng sản phẩm theo quy định.

Hỗ trợ phát triển và kết nối bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp, công nghệ tiên tiến gắn với chế biến, thương mại sản phẩm.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết chuỗi. Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng hệ thống quản lý thống kê về giết mổ và chế biến từ trung ương tới địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về sản phẩm chăn nuôi an toàn, có thương hiệu và truy xuất nguồn gốc.

"Hiện nay, giết mổ gia súc, gia cầm còn diễn ra tự phát, nhỏ lẻ, chưa được kiểm soát tốt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường... chẳng ở đâu như Việt Nam, lợn gà khỏa thân lại được vận chuyển tràn lan trên đường", ông Dương nói thực tế, đồng thời cho biết, tới đây, Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ thực hiện thu thuế đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem