Cà Mau: Lâm tặc chặt phá rừng phòng hộ ven biển nghiêm trọng

Chúc Ly - Ngọc Quyên Thứ bảy, ngày 30/11/2019 15:38 PM (GMT+7)
Liên quan đến thông tin người dân phản ảnh rừng phòng hộ xung yếu thuộc thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) bị chặt phá nghiêm trọng, ngày 29/11, trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thức - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Hiện đang cho các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra thông tin và xác định các nguyên nhân. Từ đó sẽ đề xuất giải pháp xử lý tiếp theo.
Bình luận 0

Cũng theo ông Thức, trước đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 cũng đã có báo cáo tình hình cây rừng bị chặt phá. “Tình trạng này (chặt phá cây rừng - PV) hầu như năm nào cũng có. Người dân lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý để chặt cây ven biển. Tình trạng chặt nhỏ lẻ thì cũng có xảy ra” - ông Thức thông tin thêm.

Clip nhiều khu vực rộng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1, rừng bị chặt phá nghiêm trọng.

Theo quan sát tại tiểu khu 136, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1, chúng tôi nhận thấy từng đám rừng phòng hộ bị chặt, có cả dấu chặt mới và cũ, thậm chí có cây bị chặt hạ nhưng lâm tặc chưa kịp lấy đi.

img

Một khu vực rộng cặp mé biển, rừng đước bị chặt phá nghiêm trọng.

Theo phản ánh của người dân, ở những khu vực rừng đước từ 15-20 năm tuổi, lâm tặc chặt phá nhiều hơn. Khu vực đước nhiều tầng tuổi thì lâm tặc chặt theo hình thức đốn tỉa. Tính từ bìa rừng vào, hiện những vạt rừng bị chặt phá vào sâu gần trăm mét. Nhiều khu vực dọc bờ biển, rừng chỉ còn lại gốc, nhánh và đọt nằm ngổn ngang.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đ (một người dân gần khu vực rừng bị chặt phá) cho hay: “Nhìn những gốc được bị chặt thì dễ nhận biết cây nào mới chặt, cây nào bị chặt từ lâu, đầy ra đó. Khi thấy lâm tặc chặt cây rừng, người dân ở đây không dám nói vì sợ bị trả thù bằng cách phá vuông tôm (rừng phòng hộ nằm cặp vuông tôm người dân - PV)”.

Theo người dân, lâm tặc chặt phá rừng cả ban ngày lẫn ban đêm (đêm sáng trăng), nhiều vuông tôm không người giữ thì trong vòng vài năm cây rừng bị chặt phá nghiêm trọng. Người dân nhiều lần thông tin với cán bộ quản lý chuyện rừng bị chặt phá, tuy nhiên mọi chuyện vẫn như cũ.

img

Một gốc đước trên 15 năm tuổi bị chặt phá.

Bên cạnh đó, nhiều người dân ở tiểu khu 136 cũng cho biết, cây rừng bị chặt trộm, lâm tặc tận thu để bán gỗ, những cây lớn bán cho cơ sở xẻ ván, nhỏ hơn thì bán cho hầm than, cây cho xây dựng, Người dân cũng đặt ra câu hỏi, khi lâm tặc đốn cây rừng thì phải chở vào đất liền bán, trong khi đó từng cửa ra vào đất liền thì đã có chốt tiểu khu quản lý.

Nói về tình trạng chặt phá cây rừng ở tiểu khu 136, ông Trương Việt Bắc - Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1, cho biết: “Hiện nay đơn vị cũng đang cho xác minh, làm rõ. Hôm rồi kiểm tra, rà soát thì thấy số lượng cây rừng bị chặt phá khoảng 60 - 70 cây tại khu vực tiểu khu 136. Ở tiểu khu có sai phạm tới đâu thì tiến hành xử lý tới đó”.

img

Nhiều gốc cây đước với dấu chặt còn mới. 

Cũng theo ông Bắc, hiện nay không có phương tiện lớn, trong khi các đối tượng vi phạm sử dụng phương tiện công suất lớn để vận chuyển. Khi phát hiện thì lực lượng rượt đuổi nhưng không bắt được, nên không răn đe được. Khu vực thuộc quản lý đến hơn 5.000ha chia làm 6 khu, trong khi lực lượng cán bộ hiện nay thiếu.

Trước đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang 1 cũng báo cáo gửi đến Sở NNPTNT. Đơn vị cho rằng rừng phòng hộ ven biển vẫn xảy ra tình trạng chặt phá, khó kiểm soát do người dân hoạt động đánh lưới trên biển, lợi dụng sơ hở của lực lượng quản lý bảo vệ rừng để vào chặt cây rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem