Cả nhiệm kỳ, ngành tòa kết án oan 3 người vô tội

Lương Kết Thứ năm, ngày 25/02/2016 10:21 AM (GMT+7)
"So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này ngành tòa án đã giảm được số vụ kết án oan, nhưng đối với người dân để xảy ra một trường hợp kết án oan cũng là gây thiệt hại rất lớn cho họ" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý nói.
Bình luận 0

Sáng 25.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo về công tác nhiệm kỳ của ngành tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo nhiệm kỳ của ngành tòa án do Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày cho thấy công tác xét xử các vụ án hình sự còn có 3 trường hợp kết án oan người không có tội, giảm được 2 trường hợp so với nhiệm kỳ trước.

img

Ông Huỳnh Văn Nén - người được minh oan trong năm 2015.

Ngoài việc để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế của ngành tòa án: Một số tòa án nhân dân chưa khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của tòa án. Tỉ lệ các bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán có xu hướng giảm, nhưng chưa giảm mạnh.

"Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của một số tòa án nhân dân chưa cao; nhiều bản án, quyết định có sai sót về số liệu, thông tin về người tham gia tố tụng hoặc tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án nên phải đính chính, giải thích hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết còn tồn đọng nhiều", ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho biết.

Góp ý vào báo cáo nhiệm kỳ của ngành tòa án, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tòa án. "So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này ngành tòa án đã giảm được số vụ kết án oan chỉ còn 3 vụ, nhưng đối với người dân để xảy ra một trường hợp kết án oan cũng là gây thiệt hại rất lớn cho họ" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Cũng theo ông Lý, so với nhiệm kỳ trước, ở nhiệm kỳ này ngành tòa án ngoài việc nắm được số vụ án oan, đã chỉ ra được nguyên nhân, hạn chế và giải pháp khắc phục.

Góp ý cho báo cáo, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - nêu quan điểm: Điểm nhấn trong báo cáo của ngành tòa án cần phải chú ý nhất đó là qua công tác xét xử đã góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thế nào, cần phải phân tích, nêu rõ.

"Tòa xử lý nghiêm minh, nguyên tắc là phải đúng pháp luật, không thể ngoài luật được. Bản án của tòa tổng hợp từ điều tra, truy tố, chứ không riêng tòa. Nhưng chúng tôi nghe phong thanh thấy có nhiều cái chưa được yên tâm về các mối quan hệ. Người ta cảm thấy cuộc đấu tranh về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi của tòa chưa được triệt để..." - ông Ksor Phước nói.

Cũng theo ông Ksor Phước, tính răn đe trong việc xét xử các vụ án tham nhũng trong nhiệm kỳ này lúc đầu cũng bị đại biểu Quốc hội kêu ca, sau đó ngành tòa án có điều chỉnh lại và nâng dần tính răn đe lên. Tuy nhiên theo ông Ksor Phước, ngoài tính răn đe, tính phòng ngừa và giáo dục qua công tác xét xử các vụ án tham nhũng cần phải được nâng cao hơn.

Trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11 tỷ đồng; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp; còn lại 2 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết.

Các tòa án cũng đã thụ lý 51 vụ án dân sự do đương sự khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đã giải quyết, xét xử 39 vụ, còn lại 12 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem