Cả nước còn 24-25 triệu con lợn, không lo thiếu thịt dịp Tết

Minh Huệ Thứ tư, ngày 16/10/2019 13:48 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019 chiều 14/10, lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết, năm nay ngành nông nghiệp gặp khó khăn lớn do thiên tai diễn biến bất thường, dịch bệnh liên miên... Tuy vậy, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành vẫn duy trì tăng trưởng khá với mức tăng 2,02%, trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%.
Bình luận 0

Nông nghiệp chịu nhiều áp lực

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản như gạo, hồ tiêu, cà phê… bị giảm từ 10-15%, nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%; gỗ và sản phẩm từ gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8% và triển vọng sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019)...

Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản  đạt 6,86 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.

img

Thương lái chọn mua lợn tại chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam. Ảnh: T.Q

Thúc đẩy xuất khẩu 8 loại nông sản sang Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã liên tục có các cuộc làm việc, đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm nông, thủy sản như: Triển khai xuất khẩu sữa sang Trung Quốc; đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro để sớm xuất khẩu tổ yến; liên tục làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc và cơ quan hải quan để tháo gỡ các vướng mắc về hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt là tiến hành các thủ tục để sớm xuất khẩu 8 loại nông sản trong danh sách ưu tiên, gồm sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, khoai lang, thạch đen sang thị trường này.

Tuy nhiên, Bộ NNPTNT cũng cho biết, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực nhạy cảm, đang chịu nhiều áp lực về duy trì tăng trưởng từ nay đến cuối năm do một số nhóm ngành hàng đang bị sụt giảm khá mạnh về kim ngạch xuất khẩu so với 9 tháng đầu năm 2018, như: Xuất khẩu cà phê đạt 2,1 tỷ USD, giảm 21,8%; hạt điều đạt 2,4 tỷ USD, giảm 5,4%...

Đáng chú ý, 2 lĩnh vực được cho là có thế mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh trong vài năm gần đây là rau củ quả và thủy sản cũng bị sụt giảm về kim ngạch. Cụ thể, xuất khẩu rau quả 9 tháng qua đạt 2,15 tỷ USD, giảm 4,3%;  tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 8,0%.

Riêng đối với sự sụt giảm của mặt hàng gạo, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngay từ cuối năm 2018, Bộ NNPTNT đã xác định năm nay xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn về thị trường, nhất là các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh đều giảm nhập khẩu.

Đặc biệt là Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn kim ngạch nhập gạo từ Việt Nam khi có thêm các đối thủ mạnh khác cung cấp gạo cho họ như Campuchia, Myanmar…

“Năm nay, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao và họ liên tục xả kho dự trữ. Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo cho mình nên một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không đạt được các yêu cầu kiểm tra của họ. Bộ NNPTNT đang tích cực tháo gỡ khó khăn cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này.

Nhưng trước mắt ngành gạo vẫn phải chịu phụ thuộc vào giá thị trường, mà việc này chúng ta không chủ động được. Trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có thời điểm bị giảm mạnh, thấp nhất trong 12 năm qua khi chỉ đạt khoảng 325USD/tấn, còn giá gạo Thái Lan khoảng 350 - 360USD/tấn” - ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết.

Không lo thiếu thịt dịp Tết

Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2/2019, đến thời điểm này, cả nước đã bị thiệt hại khoảng 5,5 triệu con lợn, tương đương khoảng 8% tổng sản lượng thịt. Đỉnh điểm là hồi tháng 5, cả nước đã phải tiêu hủy tới 1,2 triệu con lợn do nhiễm dịch bệnh. Đến nay dịch bệnh đã giảm dần, tiêu thụ thịt lợn đã trở lại bình thường, giá lợn hơi đang tăng cao nên người chăn nuôi rất phấn khởi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay và một số cơ quan báo chí về tình hình giá lợn hơi hiện nay và dự báo thị trường cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn hơi cả nước đang tăng, bình quân ở miền Bắc dao động từ 60.000 - 63.000 đồng/kg; tại miền Nam đạt từ 58.000 - 60.000 đồng/kg, còn tại miền Trung từ 50.000 - 57.000 đồng/kg. 

Cục Chăn nuôi đã yêu cầu các địa phương có báo cáo về tình hình chăn nuôi lợn và đến nay đã có 56 tỉnh cung cấp con số, với tổng đàn lợn thịt hiện khoảng 22 triệu con. Cộng với con số từ 7 tỉnh còn lại, dự kiến tổng đàn lợn nước ta vào khoảng 24 - 25 triệu con, trong đó còn khoảng 2,7 triệu con lợn nái.

“Tổng đàn nái này có thể chủ động được con giống để bà con nông dân tái đàn từ nay tới sau Tết Nguyên đán. Ngoài ra, với việc đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, thuỷ sản thời gian qua, chúng ta đang có thêm sản lượng thực phẩm khá lớn bù đắp cho lượng lợn thịt lợn bị thiếu hụt. Nếu tiếp tục duy trì chăn nuôi an toàn sinh học (hiện thịt lợn chiếm trên 70% nhu cầu thực phẩm hàng ngày), thì chúng ta có thể chủ động được nguồn thịt 3 - 4 tháng cuối năm và không lo thiếu thịt dịp Tết Nguyên đán” - ông Trọng nói.

Về dự báo giá lợn hơi từ nay tới cuối năm, ông Trọng cũng cho biết, khoảng 2 tuần qua giá lợn hơi liên tục tăng cao, dự kiến giá sẽ còn tăng trong thời gian tới do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, tuy nhiên chắc chắn sẽ không tăng "nóng" tới mức khủng khiếp như thị trường Trung Quốc (hiện giá lợn hơi tại một số tỉnh giáp biên giới Việt Nam đã  hơn 110.000 đồng/kg).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem