Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Sáng 22/9, anh Trần Chung Hưng, chủ trang trại nuôi cá hồi, cá tầm ở tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, Lào Cai) gửi cho chúng tôi một danh sách dài những hộ nuôi cá nước lạnh bị thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Người mất ít cũng vài trăm triệu đồng, người thiệt hại nặng thì mất cả cá lẫn ao, số tiền trôi theo lũ lên tới hàng chục tỷ đồng...
Họ là những khách hàng mua cá giống, mua thức ăn nuôi cá của nhà anh Hưng từ nhiều năm nay, cũng có người là chỗ bạn bè, anh em thân thiết. Trong đó, thiệt hại nặng nhất phải kể tới gia đình ông Chỉn Văn Phà, trú ở xã Mường Hum (Bát Xát, Lào Cai). Nhà ông Phà bị mất trắng 61 tấn cá tầm, cá hồi, trong đó có 12 bể xi măng nuôi cá ở xã Trung Lèng Hồ; 16 bể bạt ở xã Y Tý.
Số cá tầm bị mất và chết gồm 32 tấn cá trọng lượng bình quân từ 1,5 - 3kg/con; còn lại là cá từ 3 lạng cho tới 1,5kg; chưa kể 1.000 con cá bỗng khoảng 1 tấn, 2 tấn cá chép cùng máy móc, trang thiết bị nuôi cá, hệ thống ống nước và bể bạt đều bị nước lũ làm hư hỏng, cuốn trôi. Ông Phà ước tính thiệt hại khoảng 8,4 tỷ đồng.
Mưa lũ cũng làm nhà ông Đàm Thuỷ ở xã Dền Sáng (Bát Xát – Lào Cai) bị thiệt hại 50 tấn cá tầm thịt; sạt bể nuôi; hệ thống ống dẫn nước hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.
Thế nhưng vẫn chưa là gì so với nhà anh Tẩn Kin Vản, dân tộc Dao đỏ cũng ở xã Mường Hum (Bát Xát – Lào Cai). Nhà anh Vản góp vốn cùng anh trai và 2 người họ hàng đầu tư nhiều tỷ đồng vào 24 ao nuôi cá tầm. Trong hơn 2 năm đầu tư nuôi cá, anh Vản thấy thời tiết thuận lợi, cá nhanh lớn thì mừng lắm. Nhiều ao cá đã đạt trọng lượng trên 3kg đến gần 4kg, chuẩn bị được bán.
Ấy thế mà chỉ một cơn bão số 3 quét qua, trong phút chốc đã khiến toàn bộ các ao nuôi cá tầm chìm nghỉm trong nước lũ. Anh Vản cùng các anh em chỉ kịp chạy lấy người.
"Chúng tôi trắng tay rồi. 60 tấn cá thịt từ 2-3,5 kg/con và 10 tấn cá con khoảng 3-4 lạng đều phơi bụng chết vì mưa lũ. Mất 13-14 tỷ đồng thì làm bao giờ cho lại? Đến nhà cửa, xe cộ cũng không còn, nát tan hết rồi" – anh Vản nói nhát gừng, giọng như nghẹn lại.
Chia sẻ với PV Dân Việt về điều mong muốn nhất lúc này, anh Vản ngẫm nghĩ rồi nói: "Bây giờ tan hoang hết cả, cái gì cũng cần. Nhưng có lẽ điều gia đình tôi cần nhất lúc này là được hỗ trợ dựng lại nhà cửa để có chỗ ở. Bây giờ đang phải ở nhờ nhà anh trai".
Trò chuyện với Dân Việt, anh Trần Chung Hưng, chủ trang trại nuôi cá hồi, cá tầm ở Ô Quý Hồ (thị xã Sa Pa, Lào Cai) cho biết thêm, gia đình anh cũng bị thiệt hại toàn bộ các lồng cá tầm mới thả nuôi trên lòng hồ thuỷ điện Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Số cá này mới thả được mấy tháng, nhưng do mưa lũ quá lớn, hồ thuỷ điện phải xả nên toàn bộ lồng lẫn cá giống đã trôi theo dòng lũ không còn một dấu vết, ước tính thiệt hại hơn 4,5 tỷ đồng.
Anh Hưng lạc quan nói: "Vẫn còn may là vì còn 19 lồng chúng tôi chưa kịp hạ thuỷ; các ao nuôi cá tầm, cá hồi ở Sa Pa và Lai Châu chỉ bị đục nước, còn cơ bản an toàn. Lũ rút rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục nuôi cá trên hồ, làm lại từ đầu, bởi đó cũng là nghề đã gắn bó với chúng tôi từ hàng chục năm nay".
Cũng theo anh Hưng, phần lớn các hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, không ai sẵn tiền, nuôi cá đều phải đi vay. Nhưng bây giờ vốn liếng, công sức đều đã bị lũ cuốn trôi, ngổn ngang trăm bề. Điều bà con mong muốn nhất lúc này là sớm được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp để khắc phục thiệt hại, chỉnh trang lồng bè, mua sắm lại trang thiết bị máy móc và thức ăn nhằm tái sản xuất.
Là người phụ trách công tác khuyến nông tại địa bàn Lào Cai - nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão, bà Nguyễn Thị Hà – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai hiểu rõ hơn ai hết những mất mát, thiệt hại mà nhiều hộ nông dân đã trải qua. Ngày nào bà cũng xắn tay xỏ ủng, cùng cán bộ khuyến nông tỉnh chia nhau đến thăm các thôn, bản bị thiệt hại và ghi nhận tình hình, nắm bắt nhu cầu mong muốn của bà con.
"Có những nơi bùn đất ngập tới đầu gối, một số loại hoa màu không thể sống được, chúng tôi đã hướng dẫn và cùng bà con san gạt hết bùn đất, tập trung vệ sinh đồng ruộng để sớm làm cây vụ đông. Hoặc có những nơi bị lũ ống, lũ quét, bây giờ đất đá tràn vào nhiều không thể gieo trồng được gì thì tham mưu ngành nông nghiệp có phương án cải tạo" – bà Hà cho biết.
Trò chuyện với PV, bà Hà cho biết, một mặt Trung tâm Khuyến nông tỉnh tham mưu với ngành nông nghiệp tỉnh về phương án hỗ trợ cho bà con theo quy định của Nhà nước, một mặt đẩy nhanh khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.
"Trong đó, đối với trồng trọt, chúng tôi nhanh chóng kêu gọi một số đơn vị cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV hỗ trợ bà con. Theo đó, 400 hộ dân tại 2 xã Quang Kim (Bát Xát) và Bảo Hà (Bảo Yên) có diện tích lúa, cây rau màu bị thiệt hại do mưa lũ đã được hỗ trợ ngô giống, phân bón, thuốc BVTV và ngày 19/9, bà con đã tiến hành xuống giống" - bà Hà vui mừng nói.
"Thời vụ cây ngô khá chặt chẽ, nếu gặp rét sẽ không đảm bảo năng suất, vì vậy chúng tôi khuyến cáo bà con phải cố gắng đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống xong trong tháng 9. Đối với chăn nuôi, Trung tâm cũng kêu gọi các nguồn hỗ trợ về hoá chất, thuốc khử trùng, vaccine cho cả gia súc, gia cầm và nuôi thuỷ sản. Thứ 3 tới sẽ xuất phát đưa đến tận tay các hộ dân bị thiệt hại.
Tiếp đó, ngày 24/9, sẽ có một đợt hạt giống do các doanh nghiệp hỗ trợ chuyển về địa bàn tỉnh, bà con sẽ không lo thiếu hạt giống rau màu cho vụ đông" – bà Hà cho biết thêm.
Ước tính địa bàn Lào Cai có trên 568ha ruộng lúa bị thiệt hại do lũ; trong đó, gần 60ha ruộng lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục để sản xuất và 512ha ruộng bị sạt hoàn toàn, phải cải tạo lại. Diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây trồng hằng năm, lâu năm, cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu, thủy sản... bị thiệt hại lên tới trên 6.551ha.
Ngoài ra còn trên 3.000 tấn cá thương phẩm và trên 123.000 con cá giống tại thị xã Sa Pa bị chết do lũ cuốn trôi vỡ ao, bể; gần 60.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 1.000 chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng.
Mới đây, UBND tỉnh Lào Cai có tờ trình đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, hỗ trợ các loại giống cây trồng để tỉnh kịp thời hỗ trợ nông dân triển khai vụ đông, khôi phục sản xuất sau bão, lũ, gồm 120 tấn lúa giống; 40 tấn giống ngô; 250 kg giống rau bắp cải Nhật Bản.
Ngoài ra, qua đánh giá nhu cầu và hiện trạng thực tế tại các địa phương, ngành nông nghiệp Lào Cai cũng đề nghị UBND tỉnh đề xuất với Bộ NNPTNT xem xét, cân đối nguồn lực để hỗ trợ tỉnh xây dựng một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm khôi phục sản xuất; hỗ trợ các lớp tập huấn về biện pháp khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi cho người dân; xem xét hỗ trợ một số chủng loại giống cây trồng như rau, ngô, khoai tây, khoai lang, lúa, dâu tằm và các giống vật nuôi, giống thủy sản… cho các địa phương có diện tích bị thiệt hại lớn.
Tương tự, tại tỉnh Tuyên Quang – nơi bị thiệt hại lên tới hơn 1.300 tỷ đồng do bão số 3 – bà con nông dân cũng đang tích cực dọn sạch cỏ rác, vệ sinh đồng ruộng và phun thuốc phòng trừ bệnh, dựng lại vườn cây bị gãy, chết. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung chỉ đạo các địa phương bám sát tình hình thực tế, thực hiện phương án tận thu những sản phẩm nông nghiệp như: lúa, hoa màu, cây ăn quả... bị gãy đổ; chú trọng công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tái sản xuất khi các điều kiện đảm bảo.
Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh khẩn trương chuẩn bị các giống cây trồng, vật nuôi phục vụ bà con nông dân. Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục chủ động tham mưu tỉnh để có các phương án hỗ trợ nông dân, góp phần nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.
Đơn cử như tại xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, lũ lụt đã khiến hơn 360 ha bưởi trên địa bàn xã bị thiệt hại. Ông Lê Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, ngay sau khi nước rút, người dân đã chủ động bơm nước rửa lá, quả cho những cây bưởi, đặc biệt là bưởi da xanh để chuẩn bị cho vụ thu hoạch tháng tới.
Chính quyền xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng hướng dẫn người dân xử lý môi trường, phun khử trùng, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây để cây có sức nuôi quả và ra rễ thay thế.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, bão lũ đã qua nhưng thiệt hại do bão gây ra vẫn còn hết sức nặng nề, vì vậy chúng ta phải vào cuộc quyết liệt ngay để vừa khắc phục hậu quả vừa khôi phục lại sản xuất.
Ông Thanh cho biết thêm, hiện Trung tâm đã chuyển giao cho trung tâm khuyến nông tỉnh 9 bộ tài liệu liên quan đến công tác khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, trung tâm cũng đã chỉ đạo hệ thống khuyến nông vào cuộc để tập huấn, hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, vườn cây, các ruộng hoa màu và xuống các giống cây vụ đông sớm giúp bà con có thu hoạch ngay để giải quyết được bài toán về lương thực thực phẩm, thu nhập trong thời gian sắp tới.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng khẳng định, lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng bà con, hướng dẫn bà con. Bất kỳ vướng mắc nào bà con có thể liên hệ đến lực lượng khuyến nông cộng đồng, lực lượng khuyến nông cơ sở để nhận được hướng dẫn sớm nhất từ hệ thống khuyến nông.
Trung tâm KNQG đã chủ động tham mưu, đề xuất Bộ NN và PTNT hỗ trợ các địa phương triển khai các hoạt động khuyến nông khôi phục sản xuất, cụ thể:
- Đào tạo, tập huấn cho nông dân về các biện pháp xử lý môi trường sau bão lũ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất sau bão lũ.
- Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất ngắn ngày như: cây vụ đông, chăn nuôi gia cầm, nuôi thuỷ sản nước ngọt,… để đảm bảo nguồn thực phẩm tại chỗ giúp bà con nông dân ổn định cuộc sống.
- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông khuyến nông nhằm phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, thông tin thị trường để giúp bà con nông dân các địa phương sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.