Chiều 16.10, thực hiện lời hứa trước đó, chính quyền huyện Bình Sơn đã tổ chức họp, trả lời về nguyên nhân cá bớp nuôi tại khu vực biển vịnh Dung Quất chết hàng loạt, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho trên 35 hộ nuôi ở 3 xã Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Thuận của huyện này.
Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Sơn và Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: "Qua quan trắc môi trường và lấy hàng chục mẫu nước, cá chết đưa đi xét nghiệm, kết quả cho thấy không có sự tác động của con người và vi rút gây bệnh. Cá nuôi chết hàng loạt là do quá trình kéo lồng nuôi từ các vùng biển khác đến khu vực trên để tránh lũ, môi trường nước bị thay đổi đột ngột đã dẫn đến tình trạng trên".
Người nuôi cá lồng xã Bình Thạnh phát biểu tại cuộc họp.
Sau khi nghe các cơ quan chuyên môn công bố kết quả và giải thích các thắc mắc, đa số người dân không phản ứng gì. Người dân kiến nghị các cấp ngành của huyện Bình Sơn hỗ trợ thiệt hại, hướng dẫn cho họ nuôi số cá sống còn lại, sau vụ nuôi này, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp .
Cùng chia sẻ thiệt hại lớn của người dân, bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn thẳng thắn: "Khu vực biển xảy ra cá nuôi chết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản cấm nuôi cách đây 2 năm. Các cấp chính quyền huyện Bình Sơn cũng riển khai và bà con đã ký cam kết không nuôi. Thế nhưng vì chủ quan và một số nguyên nhân khác, bà con vẫn tiếp tục nuôi, dẫn đến sự cố đáng tiếc vừa qua".
Khu vực biển Vịnh Dung Quất - nơi xảy ra cá bớp nuôi chết.
Tuy nhiên theo bà Thư, dù bất cứ lý do gì, nhưng trước thiệt hại lớn của bà con chính quyền huyện Bình Sơn phải có trách nhiệm. Để chia sẻ phần nào thiệt hại trên, chính quyềnhuyện Bình Sơn liên hệ và các doanh nghiệp đang hoạt động tại KKT Dung Quất đã đồng ý tiêu thụ toàn bộ số cá chết đang được cấp đông và số hiện còn sống trong lồng bè cho bà con.
Cá bớp nuôi chết hàng loạt gây thiệt hại cho hơn 35 hộ dân Bình Sơn số tiền nhiều tỷ đồng
Về kiến nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp của người nuôi cá lồng bị thiệt hại, bà Thư bày tỏ: "Không phải đến bây giờ mà trước đó vào năm 2017, sau khi xảy ra sự cố cá nuôi chết như vừa qua cũng tại các xã này, huyện đã có văn bản đề nghị với tỉnh về vấn đề trên, với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Nhưng do tỉnh bố trí không kịp nên chưa thể thực hiện được. Vì vậy sắp tới huyện sẽ tiếp tục kiến nghị tỉnh để giải quyết".
Kết luận buổi họp, ông Lý Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo: "Chính quyền Bình Thạnh và 2 xã Bình Đông, Bình Thuận khẩn trương thống kê cụ thể tổng số hộ nuôi cá trên biển ở từng địa phương. Số cá đã chết và còn lại trong các lồng bè là bao nhiêu...Trên cơ sở này huyện sẽ có đề xuất, trả lời cụ thể cách giải quyết cho từng hộ nuôi. Đồng thời sau vụ này, các hộ dân phải tuân thủ lệnh cấm, tuyệt đối không được tiếp tục thả nuôi".
Bà Hà Thị Anh Thư - Bí thư Huyện ủy Bình Sơn: "Để chia sẻ phần nào thiệt hại trên, chính quyền Bình Sơn liên hệ và các doanh nghiệp đang hoạt động tại KKT Dung Quất và họ đã đồng ý tiêu thụ toàn bộ số cá chết đang được cấp đông và số hiện còn sống trong lồng bè cho bà con...".
Được biết từ ngày 6.10 đến nay, tại vùng biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn xảy ra tình trạng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, trong đó chủ yếu là cá bớp với tổng số lượng ước hàng trăm tấn, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho trên 35 hộ nuôi ở 3 xã Bình Thạnh, Bình Đông và Bình Thuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.