Ca nương 84 tuổi chống gậy đi hát ca trù

Thứ tư, ngày 21/03/2012 17:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù mắt đã mờ, lưng đã còng, tóc đã bạc, chân đã chậm, nhưng ca nương Nguyễn Thị Thiệp (Bắc Ninh) vẫn ngày ngày chống gậy đi dạy ca trù khắp nơi.
Bình luận 0

Đào nương kể tích xưa

Già Thiệp kể, vào những năm tháng hoàng kim của nghệ thuật ca trù, cả làng Tương của bà (tên gọi của làng Thanh Tương, huyện Thuận Thành) đều đi hát kiếm tiền, chủ yếu là phục vụ các quan huyện, chánh tổng, hát đình, hát hội, hát khao, hát mừng thọ, mừng đám cưới…

Lúc bấy giờ chỉ có vua, chúa, quan viên mới được nghe hát ca trù chứ người dân thường đâu có biết nghe. Có những gia đình có “bộ ba xinh”, tức là có người đàn hay, hát giỏi và trống giòn, khi kết hợp nhịp nhàng, uyển chuyển và lại có hình thể đẹp, ưa nhìn thì thường xuyên được mời đi biểu diễn ở những phố cô đầu nổi tiếng ở Khâm Thiên, Ngã Tư Sở (Hà Nội).

Dẫu có đi hát quanh năm suốt tháng nhưng người làng Tương cũng không bao giờ coi nhẹ công việc ruộng vườn. Trên chiếc chiếu hoa sặc sỡ, bộ ba đào nương, quan viên và kép đàn cùng tấu lên những câu hát, điệu sênh mượt mà, luôn giữ trọn vẻ sang trọng, lịch thiệp và đã làm say đắm biết bao tao nhân, từ chức sắc quan viên cho đến những bậc nho sĩ. Vậy mà, khi tàn canh hát, họ lại lặng lẽ rời chiếu hoa trở về trong vai trò của những người nông dân gieo cấy, cày bừa cần mẫn.

Già Thiệp tâm sự: “Gia đình nhà tôi đã có nhiều đời hát trù nên dường như nghệ thuật ca trù đã ngấm vào trong huyết quản của mình từ hồi bé. Lâu dần, chiến tranh loạn lạc, sơ tán, nhà thờ, đình chùa, sắc phong đều bị giặc đốt sạch, cướp sạch, ca trù đã không còn được nhắc đến từ ấy nữa”.

Chống gậy di dạy ca trù

Dù vậy, già vẫn ủ sâu trong lồng ngực những lời ca, nhịp phách suốt hàng mấy chục năm qua cho mãi đến tận năm 2002, khi có một đoàn cán bộ văn hóa về gặp và hỏi chuyện ca trù thì đào nương Nguyễn Thị Thiệp mới có dịp để cất cao lời hát và bày tỏ nỗi niềm thương nhớ với đàn phách bấy lâu. Thế nhưng, lạ ở chỗ, dẫu đã nhiều năm không hát, không tập luyện mà già Thiệp vẫn nhớ như in từng lời ca, nhịp phách để làm đắm say, mê hoặc tâm hồn người nghe. Cho đến thời điểm này, già vẫn thuộc lòng nằm 36 thứ giọng: Tỳ bà, cung bắc, gửi thư, xẩm, hát miễu, nói, ả, phiền, hát lót…

Cũng chính từ năm 2002, nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp trở thành người tiên phong trong việc tìm người để truyền nghề. Và rồi từ đó, nhờ sự truyền dạy của già nên đã có biết bao các thệ hế ca nương trẻ trưởng thành từ mảnh đất Bắc Ninh này, họ không những ngày càng đông về số lượng mà còn tiến bộ cả về chất lượng.

img Khi ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng tôi vui nhưng cũng lo vì sẽ khó lung lay được niềm đam mê, đắm đuối với ca trù của cụ. img

Ông Nguyễn Văn Sáu - con trai cả của cụ Thiệp

Đôi mắt trũng sâu nhìn ra xa, miệng móm mém nhai trầu, cụ Thiệp chậm rãi trải lòng: “Điều mà tôi luôn canh cánh bấy lâu là cho đến nay cũng vẫn chưa tìm được người chân truyền. Ngày xưa, cái hồi tôi còn thì con gái, hễ mỗi canh hát ca trù ở đình làng, các cô đầu phải tình nguyện ra múa và tế thần xong đâu vào đấy mới được hát theo đúng lề lối, chứ nó không đơn giản và dễ dãi như hát ca trù bây giờ. Nói đúng thì nghi thức đã không còn giống với ca trù xưa mà người hát cũng không tỏ lời, tay phách chưa nhất phiến, tiếng đàn, tiếng nhạc còn đứt quãng, rời rã…”.

Chia tay cụ, chúng tôi mong sao già Thiệp ở tuổi 84 sẽ sớm tìm được một “đệ tử chân truyền” để thỏa nỗi lòng trước khi nhắm mắt về với tiên tổ. Nỗi lòng ấy là một nỗi niềm đáng trọng của người hết mình với nghệ thuật ca trù của dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem