Hành vi coi thường sức khỏe con người
Từ nguồn tin báo của người dân, ngày 16.4, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê “bẩn” đã được trộn lẫn với đất, bột đá và các tạp chất khác. Cùng đó là 2 chậu chứa các cục pin Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) nghi hòa tan bằng than pin, 12 tấn cà phê bột đã được nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất cà phê “bẩn”.
Toàn cảnh sản xuất cà phê bẩn tại xưởng bà Loan. Ảnh: C.A
Thông tin từ cơ quan công an cho biết, bước đầu bà Loan thừa nhận cơ sở sản xuất cà phê này hoạt động từ nhiều năm nay. Để có nguồn nguyên liệu, hàng ngày bà Loan cho người đi thu mua vỏ cà phê, cà phê thải loại tại các cơ sở chế biến khác. Sau đó đập dẹp các cục pin, lấy phần lõi pin hòa với nước để nhuộm các loại cà phê "bẩn” này, sau đó đóng gói, đưa ra thị trường bán kiếm lời. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, bà Loan đã bán ra thị trường hơn 3.000kg cà phê “bẩn” được nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó.
Người dân địa phương cho biết, cơ sở sản xuất cà phê của bà Loan hoạt động từ năm 2016 đến nay. Cơ sở này nằm ở một bãi đất trống, xa khu dân cư, đóng cửa kín mít nên ít người biết. Trao đổi với báo chí, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đăk Nông nói: "Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người, phải xử lý hình sự".
Thông tin cà phê nhuộm pin Con Ó đã khiến nhiều người tiêu dùng một phen hoảng hốt. Đại diện lãnh đạo một công ty cà phê lớn tại Đăk Lăk cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện cà phê "bẩn". Thương hiệu cà phê của chúng tôi và một số thương hiệu cà phê tại Tây Nguyên thường xuyên bị làm giả, gây lẫn lộn, mất uy tín".
Đại diện lãnh đạo Bộ NNPTNT cho biết sẽ đề nghị xử lý nghiêm khắc cơ sở chế biến cà phê trộn lõi pin để tạo sức răn đe, không để tái diễn các vụ việc tương tự.
|
Trước đó, đã có không ít lần ban ngành chức năng "lật tẩy" các cơ sở chế biến cà phê từ bột bắp + đậu nành rang cháy + hương liệu. Cuối năm 2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với lực lượng chức năng của thị xã Ngã Bảy kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê ở xã Đại Thành do Nguyễn Văn Muốn Em (29 tuổi) làm chủ. Ngoài việc không giấy phép sản xuất kinh doanh, Muốn Em còn có dấu hiệu làm giả thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột. Theo đó, vào thời điểm kiểm tra, Muốn Em đang cho nhân viên trộn hương liệu vào 180kg cà phê và đậu nành. Cạnh bếp rang còn có 12kg bao bì nhãn hiệu cà phê Buôn Mê Thuột cùng nhiều hóa chất, hương liệu để sản xuất cà phê. Các công nhân khai, ngoài 120kg cà phê, 60kg đậu nành này dùng để sản xuất cà phê sau khi rang cháy đen, chúng sẽ được trộn với ít cà phê và hương liệu rồi xay để bán.
Lợi nhuận cao nên làm liều?
Theo khảo sát cuối năm 2016 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về hàm lượng cafein trong 253 mẫu cà phê đen tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương và Sóc Trăng cho thấy: Gần 1/3 lượng cà phê được tiêu thụ (chiếm 30,04%) có hàm lượng cafein rất thấp (dưới 1gr/lít), đặc biệt đáng báo động có tới 5 mẫu hoàn toàn không chứa cafein. Mẫu khảo sát được mua ngẫu nhiên tại các địa điểm kinh doanh cà phê khác nhau gồm: Cà phê quán (cửa hàng lịch sự); quán cà phê nhỏ (quán cóc); căng tin bệnh viện; cà phê vỉa hè và xe đẩy.
Về điều này, ông N.T.C (ngụ ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, có cả hàng chục loại hóa chất, hương liệu để làm cà phê “dỏm”. Để có màu đậm, người sản xuất cho màu caramel, muối, đậu nành; vị đắng thì phải có đậu nành rang cháy, đường thắng tới cháy, thuốc tây có gốc quinin; sánh thì tinh bột, chất tạo đặc như CMC; chất tạo bọt công nghiệp và các loại hương liệu tạo mùi giống cà phê thật… Nếu tính cả nhân công sấy, xay, đóng gói, bao bì nhãn mác… thì giá 1kg cà phê bột chuẩn phải lên đến hơn 100.000 đồng. Nhưng trên thị trường hiện nay, đa phần các điểm bỏ sỉ cà phê chỉ có giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Ông C khẳng định: “Vì lợi nhuận cao nên làm liều, với giá như vậy thì chỉ có bột bắp và đậu nành chứ làm gì có cà phê xịn”.
Lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở của bà Loan sản xuất cà phê bẩn. Ảnh: D.H
Trao đổi với báo chí sáng 18.4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định, cà phê đang là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch trong năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD. Ngay trong quý I năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng đạt gần 1 tỷ USD. Bộ NNPTNT coi cà phê là cây trồng chủ lực, hướng đến xuất khẩu và có nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng. Trên thực tế, cà phê Việt Nam đã có vị thế và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Nhưng sự việc một cơ sở chế biến cà phê ở Đăk Nông trộn lõi pin vào cà phê là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, rất đáng lên án.
“Trong khi toàn ngành hàng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, vẫn có những đơn vị vì lợi nhuận nên cố tình vi phạm. Cà phê trộn lõi pin dù chỉ là hạt cát, cá biệt trên thị trường, nhưng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam” - ông Nam nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.