Ngày 16.4, PC49 phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Nông kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) và phát hiện trong xưởng của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn.
Xung quanh vụ việc một cơ sở chế biến cà phê ở Đắk Nông dùng pin để nhuộm cà phê, phóng viên NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT).
Gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng
-Vụ việc dùng pin để nhuộm cà phê vừa bị cơ quan chức năng phát hiện tại một cơ sở chế biến cà phê ở Đắk Nông gây ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào tới thương hiệu của cà phê Việt Nam, thưa ông?
Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, khi họ sử dụng hóa chất làm phụ gia nhuộm màu cho cà phê. Thứ nhất là loại hóa chất trên không có trong danh mực. Thứ 2 là loại pin trên chứa nhiều hóa chất độc hại như kim loại nặng như chì, thủy ngân... gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Đối với vi phạm về sinh an toàn thực phẩm trong ngành sản xuất, chế biến cà phê thời gian trước đây đã có phát hiện tình trạng trộn phụ gia như bột bắp, đậu nành... để chế biến nhưng ở mức độ có vi phạm phải sửa chữa để đảm bảo điệu kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn việc trộn phụ gia vào chế biến cà phê nhưng không ghi nhãn rõ ràng là không minh bạch và đó là hành vi vi phạm gian lận thương mại.
Còn đối với việc sử dụng pin để nhuộm cà phê dù là một vụ việc đơn lẻ mới phát hiện nhưng về hành vi vi phạm lại có tính chất rất nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây hoang mang và bức xúc trong tâm lý người tiêu dùng. Đồng thời vụ việc trên cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu cho sản phẩm cà phê Việt Nam.
Về nguyên nhân xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, theo tôi có 2 vấn đề, đầu tiên là về ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất, chế biến rất kém, thứ hai là vì lợi ích trước mắt nên họ đã bất chấp vi phạm nhằm kiếm lợi nhuận bất chính.
-Hiện Bộ NN&PTNT đã vào cuộc giải quyết vụ việc trên như thế nào thưa ông?
Sau khi các cơ quan kiểm tra liên ngành phát hiện vụ việc trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đắk Nông để xử lý nghiêm đối với trường hợp này. Đồng thời cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh khác để rà soát, giám sát, thanh tra, xử lý các trường hợp vi phạm khác. Hiện nay chế tài xử lý của Việt Nam cũng rất nghiêm khắc.
Đối với vụ việc dùng pin để nhuộm cà phê, chúng ta có thể áp dụng xử lý theo khoản 6 điều 6 của Nghị định 178 xử phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị hàng hoá vi phạm đối với cá nhân và 7 lần tổng giá trị đối với doanh nghiệp có hàng hóa vi phạm.
Đồng thời đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng và buộc tiêu huỷ toàn bộ các sản phẩm vi phạm, thậm chí có thể áp dụng khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi để xử lý phạt tiền cũng như hoàn thiện hồ sơ để truy cứu trước pháp luật.
Về việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ,ở các sản phẩm không chỉ ở cà phê mà còn các nông sản khác thì nước nào cũng xảy ra, như ở Brazil hay Úc nhưng tính chất của vụ việc dùng pin để nhuộm cà phê vừa bị phát hiện ở Việt Nam là đặc biệt nguy hiểm và vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT).
-Hiện nay, các đơn vị liên ngành đã có sự phối hợp với nhau như thế nào trong việc quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông lâm sản, thủy sản thưa ông?
Hai năm trở lại đây đều là năm hành động cao điểm về vệ sinh an toàn thựbc phẩm nên các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm được chúng tôi coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Cũng phải nói là trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm ở các lĩnh vực sản xuất, chế biến các mặt hàng nông lâm sản, thủy sản.
Riêng lĩnh vực sản xuất, chế biến cà phê, các đơn vị liên ngành cũng đã phát hiện và xử lý một số trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trường hợp sử dụng pin để nhuộn cà phê thì đây là lần đầu tiên bị phát hiện.
Trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm sản, thuỷ sản hiện nay có sự phân chia trách nhiệm rất rõ ràng giữa các ngành nên không xảy ra tình trạng chồng chéo. Đơn cử như trong chuỗi cà phê hiện nay từ sản xuất cho đến chế biến, cơ sở bán buôn, chợ đầu mối, các cơ sở chuyên bán các sản phẩm nông lâm sản, thủy sản là trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp.
Đối với các cơ sở thương mại và siêu thị, chợ bán nhiều loại sản phẩm thì ngành công thương sẽ quản lý chung. Còn khi sản phẩm lên bàn ăn thì trách nhiệm lại thuộc về ngành y tế.
Dù việc phân chia trách nhiệm như trên là đã rõ ràng nhưng cơ quan thuộc 3 Bộ (Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, Bộ Y tế) vẫn có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý với nhau, nhất là trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, Bộ NNPTNT đang chịu trách nhiệm quản lý 19 nhóm sản phẩm trong đó có cà phê. Nhìn chung việc quản lý, thanh tra, kiểm tra trong thời gian vừa qua chúng tôi đã làm rất nghiêm. Đương nhiên, trong xã hội vẫn có những người lách luật nên bắt buộc phải có sự phối hợp liên ngành, gồm cả các cơ quan truyền thông và người dân để phát hiện và xử lý kịp thời.
Ngày 16.4 tại cơ sở này, đoàn liên ngành đã phát hiện 2 chậu chứa pin (khoảng 35kg) đã được đập vụn; 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg); 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng lõi pin.
Theo Chỉ thị 20/CT-TTg không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm nhưng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì vẫn tiến hành thanh tra đột xuất để mà kịp thời xử lý, loại bỏ các sản phẩm không an toàn ra khỏi xã hội và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, trong 2 năm gần đây Bộ NNPTNT đã giảm bớt việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch mà chủ yếu là chúng tôi phối hợp với các cơ quan liên ngành để thanh tra, kiểm tra xử lý các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.