NSƯT Thanh Lam có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Trong 4 diva của làng nhạc Việt, có lẽ chị sẽ là người đầu tiên đón nhận danh hiệu cao quí này.
Năm nay, NSƯT Thanh Lam có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Trong 4 diva của làng nhạc Việt, có lẽ chị sẽ là người đầu tiên đón nhận danh hiệu cao quí này. Một số đồng nghiệp và khán giả ngạc nhiên: Cứ tưởng Thanh Lam không quan tâm danh hiệu? Chị cười và tiết lộ: Mẹ chị, NSƯT Thanh Hương, 80 tuổi, đã giúp chị làm hồ sơ. Bà không muốn con gái đóng góp âm thầm mà phải được đàng hoàng ghi nhận.
Tin vào con đường của mình
Thanh Lam là ca sỹ tự do đầu tiên được phong danh hiệu NSƯT, năm 2007. Chị chia sẻ: “Ngay danh hiệu NSƯT cũng không phải do tôi làm giấy tờ. Mà bố tôi khi đó còn sống đã cùng với mẹ tôi, giúp tôi làm hồ sơ”. Lần này, chính NSƯT Thanh Hương, lại một mình chuẩn bị hồ sơ cho con gái.
Năm 2018, NSƯT Thanh Lam từng “trượt” danh hiệu NSND. Thời điểm ấy, chính mẹ của Thanh Lam đã lên tiếng bảo vệ con mình. Bà cho rằng, với những đóng góp trong âm nhạc, Thanh Lam hoàn toàn xứng đáng được “đặc cách” danh hiệu NSND. Vì thấy con xứng đáng bà mới làm hồ sơ, cho dù, con gái của bà không đủ số lượng huy chương theo qui định. Năm nay, Thanh Lam đã có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND.
NSƯT Thanh Hương còn vui hơn cả con gái: “Mẹ sẽ rất hạnh phúc nếu con gái mình được sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước”, Lam nói. Dân gian có câu: “Con hát mẹ khen hay”. Trường hợp của Thanh Lam không hẳn vậy: “Bố mẹ luôn yêu quí đứa con mình sinh ra. Và bố mẹ biết rất rõ cá tính của con gái.
Ngoài tình cảm ruột thịt, bố mẹ luôn coi tôi như đồng nghiệp. Họ yêu quí đam mê và khát vọng làm nghề của tôi nên thôi thúc phải làm hồ sơ để con gái có được sự ghi nhận đàng hoàng”. “Nữ hoàng nhạc nhẹ” cho biết thêm: “Bọn trẻ con mách tôi, mẹ ghi trong hồ sơ “hay” lắm. Nhưng tôi không nói gì, cứ để mẹ làm theo ý mẹ”.
Thanh Lam có khao khát danh hiệu? Chị thú nhận: “Tôi cũng rất tự hào nếu được đón nhận danh hiệu NSND bởi danh hiệu là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước. Nhưng tôi thật sự không câu nệ danh hiệu, không phấn đấu để đạt danh hiệu đó. Tôi chỉ nghĩ đóng góp một cách đơn giản bằng ý thức làm nghề của mình”.
Cũng có một bộ phận khán giả thắc mắc: Cụ thể Thanh Lam đóng góp gì cho âm nhạc? Thế hệ Thanh Lam không giống như thế hệ đi trước, hát trong tiếng bom rơi, đạn nổ. Chị may mắn được hát “Chia tay hoàng hôn”, “Hoa tím ngoài sân”, “Tình yêu không lời”… trong thời bình, trên sân khấu được trang hoàng lộng lẫy. Nhưng ca sỹ trong thời bình cũng phải nếm trải những nhọc nhằn, thử thách riêng trên con đường dẫn đến thành công.
Không phải ngẫu nhiên Thanh Lam được coi là “Nữ hoàng nhạc nhẹ”. Chị được đánh giá là người mở đường, định hướng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam. Sự xuất hiện của Thanh Lam cũng góp phần đẩy lùi phong trào nhạc Hoa lời Việt càn quét khắp ba miền khi ấy. Sức ảnh hưởng của Thanh Lam tới thế hệ sau cũng khá rõ rệt…
Thanh Lam cầm “míc” từ thời thiếu niên song tên tuổi chị thật sự phủ sóng sau giải đặc biệt, cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc lần 2, năm 1991, với hai ca khúc ghi dấu ấn “Chia tay hoàng hôn” (Thuận Yến), “Giọt nắng bên thềm” (Thanh Tùng). Suốt mấy chục năm qua, chị vẫn sống trong hào quang. Tôi hỏi Thanh Lam: “Điều gì giúp chị trụ vững ở đỉnh cao? Năng khiếu trời cho hay yếu tố may mắn?”. Không cần nghĩ ngợi, Lam đáp: “Trời cho 40%, may mắn 20 %, còn lại 40 % là nỗ lực”.
Chị trải lòng: “Tôi lao động nghệ thuật nghiêm túc và rất yêu nghề”. Tuy nhiên, giọng hát và phong cách của Thanh Lam như trái sầu riêng, người ưa thì ca ngợi hết lời, người thì ngửi mùi đã không chịu nổi. Lam biết điều đó nhưng không buồn: “Nhiều khán giả chưa cảm được tư duy âm nhạc, tư duy sáng tạo, tư duy làm nghề của tôi. Họ có cách nhìn khác tôi.
Nhưng tôi nghĩ, chưa chắc người thân của mình, bố mẹ của mình đã hiểu hết mình, nữa là khán giả, họ chỉ gặp mình qua bài hát, qua những lần biểu diễn. Quan trọng nhất đối với người làm nghề là niềm tin vào định hướng của mình, con đường của mình. Tôi vẫn tin với một cái tâm trong sáng với nghề thì chắc chắn một ngày nào đó tôi sẽ nhận được nhiều sự đồng cảm hơn”.
Tri ân những buồn, vui, được, mất
Thanh Lam ở tuổi 52 vẫn đẹp mê hoặc. Nhưng cách nói chuyện của chị đã khác. Cách đây 15 năm, tôi có cuộc phỏng vấn đầu tiên với Thanh Lam, khi ấy chị đang có ý định viết tự truyện. Thanh Lam bộc trực, có gì nói nấy, thậm chí không lường trước phát ngôn của mình có thể gây “đụng độ”.
Còn hôm nay, Thanh Lam nói năng dịu dàng, luôn nhìn nhận, lý giải sự vật, hiện tượng bằng con mắt của một phật tử. Chính người đàn ông của chị hiện nay, bác sỹ Bùi Tiến Hùng, cũng vô cùng bất ngờ ở những thứ tưởng chừng đối lập, lại cùng tồn tại trong con người Thanh Lam.
Anh từng tổng kết như sau: “Lam quyết rũ bởi cô ấy luôn đứng chông chênh giữa hai thái cực. Tôi chưa bao giờ gặp một người phụ nữ cực kỳ nghiện shopping nhưng cũng lại chăm tu tập như cô ấy”. Phần nghiện shopping của Thanh Lam chỉ bác sỹ Bùi Tiến Hùng biết rõ. Còn phần chăm tu tập thì tôi cũng có thể cảm nhận phần nào qua trò chuyện với chị.
“Tôi là một phật tử nên mỗi ngày phải nhìn lại mình, sám hối những điều vô tình hoặc cố ý mình làm chưa đúng. Với ý thức như vậy tôi sửa dần tôi, để có năng lượng tốt hơn trong cuộc sống”
Ca sỹ Thanh Lam
Không phải thời gian cùng va vấp khiến Thanh Lam đằm thắm hơn: “Một người có ý thức sống phải luôn luôn thấy mình có những sai sót, mình không thể lúc nào cũng đúng. Tôi là một phật tử nên mỗi ngày phải nhìn lại mình, sám hối những điều vô tình hoặc cố ý mình làm chưa đúng. Với ý thức như vậy tôi sửa dần tôi, để có năng lượng tốt hơn trong cuộc sống”, chị tâm sự.
Đạo Phật dạy Lam nhiều điều, khiến Lam bình thản bước trong đời, trong nghề. Nhiều khán giả đều nhận thấy, có thể tên tuổi của Thanh Lam đình đám song cát-xê, thu nhập chưa chắc bằng “đàn em” phút chốc thành “sao”. Không biết chị có lúc nào chạnh lòng?.
Chị trầm ngâm: “Khi đối diện với sự ra đi của người thân, tôi hiểu chết chẳng mang theo được gì, cũng chỉ ra đi với đôi bàn tay trắng. Dù bạn có trí tuệ siêu phàm, giỏi giang cỡ nào thì cũng không thể lựa chọn cho mình một cái chết khác người bình thường được”. Nói vậy không có nghĩa vật chất vô nghĩa với Thanh Lam: “Nếu bạn làm ra của cải vật chất, ít nhất bạn sẽ lo được cho người thân, rộng hơn là đóng góp cho xã hội. Người tài thường là những người làm ra nhiều của cải”, Lam nhận xét.
Tuy nhiên, khi làm nghề Thanh Lam không đặt nặng vấn đề vật chất , không dùng thu nhập để đo tài năng hay giá trị, hiểu biết, văn hóa của một nghệ sỹ. Chị có lý lẽ riêng: “Đôi khi ca khúc của bạn, phong cách của bạn hợp thời trang thì thành công đến nhanh chóng. Song “đường xa mới biết ngựa hay”. Hãy để thời gian định giá. Xin đừng lấy đồng lương của người làm nghệ thuật để “cân” giá trị thực sự của người ta”.
Tên tuổi của Thanh Lam ghi dấu trong rất nhiều ca khúc của nhiều tác giả như Thuận Yến, Thanh Tùng, Bảo Chấn, Dương Thụ, Lê Minh Sơn, Quốc Trung… Hỏi Thanh Lam, chị ưu ái tác giả nào, tác phẩm nào? “Người đàn bà hát” đáp: “ Có bài hát tôi “phê” lắm nhưng chưa chắc khán giả đã cảm được bài hát đó. Nhưng có những bài hát tôi hát dung dị như chính cuộc đời mình lại đi vào lòng người. Tôi nghĩ, những bài hát của tôi được công chúng ghi nhận cũng là một mối nhân duyên dành riêng cho tôi”. Là phật tử, Lam thích câu: Những cái vô hình là dẫn dắt của những cái hữu hình.
Tuổi của Lam đã đủ chín chắn để “soi” lại cuộc đời mình. Chị không che giấu đổ vỡ, vấp ngã mà tri ân tất cả những vui, buồn, được, mất của cuộc sống: “Mỗi lần mất mát, đau buồn tột cùng đều giúp tôi nhận diện lẽ phải hoặc nhận được bài học đắt giá để biết trân quí giá trị của mỗi ngày đang sống”.
Ngoài NSƯT Thanh Hương, mẹ của Thanh Lam, luôn lo lắng cho con gái, các con của Thanh Lam cũng hay lo cho mẹ. Trong mắt của con trai Đăng Quang, Thanh Lam quá thật thà, không lanh lợi hoặc láu cá để vượt qua những “cái bẫy” trong cuộc sống. Đăng Quang từng đặt nhiều câu hỏi thể hiện sự lo lắng cho mẹ. Đáp lại, Lam chỉ nói ngắn gọn, giản đơn: “Con phải tin mẹ, mẹ có thể làm đúng, có thể làm sai, nhưng mẹ luôn ý thức để gieo những hạt giống tốt, thì chắc chắn sẽ có ngày mẹ nhận được quả ngọt”.
Cuộc sống hiện tại của Thanh Lam cũng là trái ngọt mà chị đáng được hưởng: Thành công trong sự nghiệp, tìm được bến đỗ bên người đàn ông yêu và thương. Dịp lễ tình nhân, người đàn ông ấy đọc tặng chị bài thơ "Cơn mưa Lam", trong đó có đoạn: "Lam vẫn chờ một cơn mưa bình minh/Gột sạch những nỗi buồn của người đàn bà hát/Mưa có nắng ban mai thanh khiết/Lam nồng nàn lời hát đẫm lửa yêu".
Chính bác sỹ Bùi Tiến Hùng cũng là người đưa ra nhận định hay và đúng nhất về Lam, cho đến thời điểm này: "Thanh Lam hát thế nào thì cô ấy nấu ăn cũng y như thế. Một người làm gì cũng bằng cả tâm huyết và tình yêu như thế không thể nào là người lơ phơ, hời hợt".
Thích mái tóc của "người thương"
Thanh Lam tâm sự, chị học được nhiều điều từ người đàn ông của mình: "Anh ấy không câu nệ. Trong khi tôi luôn mong sự hoàn thiện. Anh nhìn nhận cuộc sống ở ngưỡng biết đủ. Biết đủ là hạnh phúc, còn đòi hỏi sự hoàn hảo và nỗ lực quá căng thẳng thì có khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa hài lòng…". Lam dành nhiều lời khen cho "một nửa" của mình: Anh nhân hậu, tốt tính và đương nhiên là tài năng. "Không tài sao Lam có thể yêu?", chị đùa và cười lớn.
Trong khi Thanh Lam luôn lộng lẫy mỗi lần xuất hiện thì bác sỹ Bùi Tiến Hùng thường giản dị, có phần "bụi", nhất là mái tóc. Lam yêu mái tóc có màu tro bạc ấy. Bác sỹ thích cắt tóc ngắn, gọn gàng. Còn ca sỹ lại thích người yêu để mái tóc hơi… bù xù như hiện nay: "Nhìn tóc mà không đoán được nghề mới hay. Chứ nhìn tóc đoán ngay ông bác sỹ thì nói làm gì? Có người từng hỏi anh ấy: Hình như anh là kiến trúc sư? Thế là tôi thành công rồi", Lam kể và lại cười như trẻ thơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.