Cá, tôm là “đòn bẩy” phát triển

Khải Huyền Thứ tư, ngày 22/02/2017 16:22 PM (GMT+7)
Bên cạnh việc xây dựng khu đô thị du lịch sinh thái, Cần Giờ xác định nuôi trồng thủy hải sản sẽ là “cánh tay phải”, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế địa phương.
Bình luận 0

Cần Giờ hiện có gần 2.700 hộ nuôi trồng thủy sản, với diện tích đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản xấp xỉ 8.000ha. Trong đó, đối tượng nuôi chủ yếu là con tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Trong năm 2016, năng suất tôm thu hoạch bình quân của huyện đạt 2,2 tấn/ha, mức lãi bình quân lên đến 243 triệu đồng/ha/năm.

img

   Cá dứa - một sản phẩm đặc sản của Cần Giờ. ảnh: K.H

Tại khu vực Ba Gậy, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, hộ ông Trần Minh Hòa được biết đến là một điển hình về nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng, mỗi năm lợi nhuận lên đến 2 tỷ đồng. Gia đình ông Hòa có tổng diện tích đất sản xuất gần 20ha, gồm 12 ao nuôi và 4 ao lắng; trong đó, có 8 ao đang thả nuôi với diện tích mặt nước 4,8ha, lượng giống thả nuôi 2 triệu con.

Hiện tất cả các ao nuôi ông Hòa đều kết hợp sử dụng máy cho tôm ăn với nuôi ghép cá rô phi trong ao tôm. Dự kiến năng suất ao nuôi đạt từ 8-10 tấn/ha/vụ, cao gấp 3-4 lần so với năng suất bình quân nuôi tôm thông thường.

Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nhận định, trong đề án phát triển kinh tế biển Cần Giờ bền vững, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản là một trong hai đối tượng chính để tạo đột phá, tăng thu nhập cho người dân. Để tận dụng lợi thế của một huyện ven biển trong nuôi trồng thủy sản, UBND huyện Cần Giờ đang nghiên cứu hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, vùng sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển khâu chế biến.

“Mục tiêu đến năm 2020, Cần Giờ có thêm 3 HTX trong lĩnh vực thủy sản, trong đó chú trọng phát triển HTX chế biến thủy hải sản” - ông Lê Minh Dũng cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem