"Các cầu thủ nữ Việt Nam nên được trao cần câu, thay vì tặng con cá"

Bốp Bi Thứ tư, ngày 17/05/2023 16:10 PM (GMT+7)
Hoà chung niềm vui chiến thắng của ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 32, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã có những chia sẻ về những khó khăn của bóng đá nữ, cũng như nguyện vọng của bản thân đối với nền thể thao nước nhà...
Bình luận 0

Đồng hành cùng ĐT nữ Việt Nam tại SEA Games 32 khi tham gia chương trình bình luận trước, trong và sau mỗi trận đấu của thầy trò HLV Mai Đức Chung trên đất Campuchia, Quả Bóng Vàng 2015 Minh Nguyệt đã đúng khi đặt niềm tin vào việc Huỳnh Như và các đồng đội sẽ có được chiến thắng cuối cùng tại giải, qua đó bảo vệ thành công ngôi hậu.

Mặc dù không có được lực lượng mạnh nhất khi dự SEA Games 32, thế nhưng ĐT nữ Việt Nam vẫn xuất sắc giành HCV, qua đó lập nên thành tích vô tiền khoáng hậu với 4 lần liên tiếp đứng nhất ở bộ môn bóng đá nữ tại các kỳ Đại hội (2017, 2019, 2022 và 2023). Chiến tích này chắc chắn sẽ góp phần làm tăng sự tự tin của các cô gái, giúp họ có một tâm lý tốt nhất trước khi bước vào tranh tài tại giải World Cup nữ 2023  diễn ra vào tháng 7 tới tại New Zealand.

Hoà chung với niềm vui chiến thắng của ĐT nữ Việt Nam, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã có những chia sẻ với báo điện tử Dân Việt về những kỷ niệm của chị với HLV Mai Đức Chung, với ĐT nữ Việt Nam cũng như trải lòng về những mong muốn của bản thân đối với nền bóng đá nữ nước nhà.

QBV 2015 Minh Nguyệt chia sẻ về những khúc mắc, khó khăn của bóng đá nữ nước nhà. - Ảnh 1.

Các cô gái vàng của ĐT nữ quốc gia Việt Nam. Ảnh: VFF.

Những kỷ niệm khó quên với HLV Mai Đức Chung

"Đối với bác Chung, Minh Nguyệt có rất rất nhiều những kỷ niệm đẹp, vì bác Chung là một trong số ít những người đã gắn bó với Nguyệt trong suốt quãng thời gian "ăn cơm tuyển" của mình" – QBV 2015 chia sẻ.

"Một trong những kỷ niệm đáng nhớ đó là vào năm Nguyệt 18 tuổi và vừa mới được đôn lên đá U19 Việt Nam, tập cùng với những đàn chị như Ngọc Anh, Văn Thị Thanh, Kim Hồng hay Kiều Trinh. Trong 1 buổi tập, bác Chung có giao cho Nguyệt một bài tập riêng và không hiểu sao lúc ấy dù đã cố đến thế nào thì Nguyệt cũng không thể hoàn thành được, và thế là mình khóc "ngon lành" luôn trên sân. Khi ấy bác Chung mới tiến lại và ôn tồn: "Nếu hôm nay con không tập tốt được tình huống này thì không về ăn cơm nhé?", và thế là 2 bác cháu, 1 già 1 trẻ cứ tập ròng rã cùng với nhau đến quá cả giờ tập mới dừng.

Năm 2017, thời điểm Nguyệt vừa mới giải nghệ, trước khi giải nghệ thì Nguyệt vẫn mang băng đội trưởng đội tuyển Quốc gia. Khi ấy bác Chung có gọi cho Nguyệt và nói rằng năm nay đội thi đấu ở Malaysia, bác muốn Nguyệt quay lại đội tuyển để gắn kết các đồng đội, bảo ban và động viên các em thi đấu. Dù bản thân rất muốn được cống hiến cho quê hương, nhưng phần vì chấn thương, phần vì muốn nhường lại sân chơi cho các chị em có dịp thể hiện, nên Nguyệt đã xin phép rút lui.

Không riêng gì Nguyệt, với bất cứ thành viên nào trong đội bóng, bác Chung đều đối xử như con cháu trong nhà. Không có ranh giới nào giữa HLV hay cầu thủ cả, mọi người có tâm tư hay suy nghĩ gì đều tìm đến bác Chung để chia sẻ. Chính vì vậy, đối với Nguyệt thì bác Chung cũng giống như một người cha. Những ngày lễ đặc biệt như ngày Thể thao Việt Nam, hay ngày nhà giáo, ngày sinh nhật bác…thậm chí khi đội tuyển nữ giành được thành tích tốt thì Nguyệt vẫn gọi điện thăm hỏi và gửi lời chúc mừng đến bác".

QBV 2015 Minh Nguyệt chia sẻ về những khúc mắc, khó khăn của bóng đá nữ nước nhà. - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt và HLV Mai Đức Chung.

Minh Nguyệt chia sẻ về khó khăn trong công cuộc tìm kiếm những gương mặt triển vọng cho nền bóng đá nữ nước nhà

Nói về việc tìm kiếm những tài năng mới cho ĐT nữ Việt Nam, Minh Nguyệt cho biết: "Những tấm HLV liên tiếp tại các kỳ SEA Games, cũng như thành tích tốt của đội tuyển nữ tại các giải đấu lớn như Asian Cup, và đặc biệt là việc có được tấm vé tham dự đấu trường World Cup lần đầu tiên trong lịch sử, đã giúp nâng tầm vị thế của bóng đá nữ hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, việc tìm ra những cầu thủ trẻ triển vọng để có thể kế cận và tiếp bước các đàn chị thuộc "thế hệ vàng" đang là một trong những bài toán nan giải. Tại SEA Games 32 này, HLV Mai Đức Chung có trình làng cầu thủ trẻ Vũ Thị Hoa – Vua phá lưới kiêm Cầu thủ xuất sắc nhất giải U19 năm 2022. Tuy nhiên việc có quá ít kinh nghiệm thi đấu và cọ xát tại những giải đấu đỉnh cao khiến màn trình diễn của Hoa có phần bị "khớp" và chưa phát huy được hết những thế mạnh của mình. Việc thiếu hụt nhân tài để đưa lên tuyển nữ từ trước tới nay thường đến từ những lý do sau:

QBV 2015 Minh Nguyệt chia sẻ về những khúc mắc, khó khăn của bóng đá nữ nước nhà. - Ảnh 3.

ĐT nữ đang cần nhiều hơn những gương mặt trẻ như Thanh Nhã (trái) và Vũ Thị Hoa (phải).

Thứ nhất, ngay từ cấp độ đầu vào ở câu lạc bộ, việc tìm ra và chiêu mộ được một cầu thủ nữ gia nhập đội bóng để tham dự giải vô địch quốc gia nữ cũng đã là điều không hề dễ dàng, chứ chưa nói đến việc tìm được cầu thủ giỏi.

Nói đến việc chiêu mộ cầu thủ, đội ngũ tuyển trạch viên của các câu lạc bộ thường xuyên phải đi đến những nơi vùng sâu vùng xa, hay là tìm đến những gia đình ở dân tộc thiểu số để tìm kiếm cầu thủ trẻ. Một phần là do ở vùng cao, phải lao động chân tay từ sớm nên nền tảng thể lực của các em vốn đã rất tốt. Phần khác là vì ở đó thường rất nghèo, các gia đình thường đồng ý gửi con em mình đi đá bóng nhằm mục đích giúp các con có cơ hội thoát nghèo.

Thứ hai, về phía các bậc phụ huynh thường sẽ rất lo cho con cái – đặc biệt là con gái - khi mà bóng đá là một môn thể thao đối kháng nên sẽ rất dễ gặp chấn thương, đôi khi chính vì những chấn thương mà các em buộc phải giải nghệ sớm khi còn chưa có gì trong tay. Điều này cũng là một trong số những rào cản khiến cho nhiều gia đình ở thành thị không quá mặn mà trong việc định hướng cho con em mình theo nghiệp đá bóng, dẫn đến việc bỏ sót những tài năng.

Và cuối cùng, tuổi nghề của môn bóng đá này rất ngắn, và sau khi giải nghệ thì các cầu thủ thường sẽ gặp khó khăn trong việc tìm một công việc mới. Nhà nước ta tuy vẫn có chính sách tạo điều kiện cho những vận động viên đẳng cấp kiện tướng đi học để lấy bằng cấp huấn luyện viên, sau đó bố trí công việc liên quan đến chuyên môn, hay giảng dạy tại các trường học, nhưng những người như thế chỉ chiếm số ít. Còn lại đại đa số những cầu thủ, vận động viên sau khi giải nghệ đều phải tự thân vận động, có người thì đi làm ở khu công nghiệp hoặc các công ty, người thì mở hàng quán, người thì về quê lấy chồng… nói chung là phải bắt đầu lập nghiệp lại từ đầu.

QBV 2015 Minh Nguyệt chia sẻ về những khúc mắc, khó khăn của bóng đá nữ nước nhà. - Ảnh 4.

Chia sẻ thêm với Dân Việt, Minh Nguyệt cho biết: "Thậm chí ngay cả những nữ cầu thủ bóng đá phong trào, nếu họ được đào tạo một cách bài bản thì hoàn toàn có thể trở thành những sự lựa chọn hữu ích trên đội tuyển".

Bản thân Nguyệt trước đây khi quyết tâm theo nghiệp quần đùi áo số cũng vấp phải sự phản đối từ phía gia đình cũng vì những lý do trên. Nhưng may mắn hơn các đồng đội của mình, sau hơn 16 năm thi đấu chuyên nghiệp, đến khi quyết định giải nghệ vào năm 2017 thì Nguyệt nhận được lời mời về dạy học tại trường PTTH Chuyên Ngoại Ngữ, ở đây Nguyệt được mọi người rất quý mến, chào đón và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để cho mình được thoải mái làm việc".

QBV 2015 Minh Nguyệt chia sẻ về những khúc mắc, khó khăn của bóng đá nữ nước nhà. - Ảnh 5.

Chủ nhân Quả Bóng Vàng 2015 cho rằng bản thân mình gặp may mắn hơn so với nhiều đồng nghiệp khác.

Hy vọng các vận động viên sau giải nghệ sẽ được trao cần câu, thay vì tặng con cá

Kết thúc câu chuyện, cựu đội trưởng ĐT nữ Việt Nam bày tỏ nguyện vọng của mình: "Sau những thành tích mà bóng đá nữ đã đạt được trong những năm vừa qua, các cô gái của chúng ta giờ đây đã nhận được nhiều sự chú ý hơn từ phía khán giả, nhận được tài trợ đến từ các vị "Mạnh Thường Quân" cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, hầu hết đó là những sự ủng hộ mang tính chốc lát, nhất thời chứ chưa mang tính chất lâu dài. Khi các giải đấu lớn kết thúc thì sự quan tâm, chú ý từ phía dư luận cũng lắng xuống. Hy vọng sau kỳ tích lọt vào vòng chung kết World Cup 2023, bóng đá nữ sẽ nhận được sự quan tâm đúng mực hơn.

Điều mà bóng đá nữ Việt Nam đang thiếu và rất cần lúc này, đó là sự đồng hành của người hâm mộ, là sự đầu tư bài bản và lâu dài của các nhà tài trợ, để cho các giải bóng đá chuyên nghiệp dành cho nữ được phát triển và nhân rộng. Từ đó không bỏ sót hay lãng phí những nhân tài cho đội tuyển. Ngoài ra, Nguyệt cũng mong rằng Nhà nước sẽ ủng hộ về vật chất hoặc tạo cơ hội việc làm cho các cầu thủ bóng đá nói riêng - cũng như các vận động viên thể thao nói chung – sau khi họ giải nghệ, trao cho họ chiếc cần câu thay vì thưởng con cá. Điều đó sẽ là nguồn động lực giúp cho các cô gái thêm phần yên tâm để dồn toàn sức lực tập luyện và cống hiến cho đội tuyển".

QBV 2015 Minh Nguyệt chia sẻ về những khúc mắc, khó khăn của bóng đá nữ nước nhà. - Ảnh 6.

Nguyên Thị Minh Nguyệt thời còn khoác áo ĐTQG.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem