Những năm qua, Hội Nông dân xã Thọ Vực (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) xác định công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các trang trại, gia trại trên địa bàn là yếu tố quan đối với sự phát triển của đàn vật nuôi, đồng thời hạn chế dịch bệnh, các tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới đời sống người dân trong khu vực.
Theo bà Nguyễn Thị Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Vực, mỗi năm Hội Nông dân xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 4 lớp tập huấn, hướng dẫn cho 300 lượt hội viên, nông dân để các chủ trang trại, gia trại có kiến thức trong việc bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Vực đánh giá, việc người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã sử dụng đệm lót chuồng đang là một biện pháp đem đến hiệu quả trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như nâng cao hiệu quả chăn nuôi tại địa phương.
Là một trong những hộ có số lượng con nuôi lớn với 4.400 đôi bồ câu Pháp trên diện tích 1.400m2 chuồng trại, gia đình ông Dương Bá Vậy (thôn 7, xã Thọ Vực, huyện triệu Sơn) hiện đang làm tốt công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương.
Ông Vậy cho cho biết, về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, ông chia chuồng trại của mình thành 3 khu vực nuôi có mái che thoáng đãng, hệ thống che chắn gió có thể di chuyển linh hoạt khi cần thiết.
Bên cạnh đó, ông thiết kế bạt lót chuồng gắn với máy tời có thể cuốn theo hình thức bán tự động để thu chất thải của đàn chim một cách dễ dàng và giảm 2/3 công lao động.
Trong vệ sinh chuồng trại, ông dành phần lớn thời gian hàng ngày để quét dọn, vệ sinh chuồng. Theo định kỳ, ông Vậy phun chế phẩm sinh học chuyên dùng trong xử lý chuồng nuôi để làm giảm mùi hôi.
Theo ông Vậy, nguồn thức ăn cũng là yếu tố ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường chăn nuôi nên ông luôn chú trọng việc lựa chọn nguồn thức ăn cho đàn chim.
"Nếu chim ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp thì phân rất hôi. Do đó, tôi sử dụng theo công thức 60% cám công nghiệp đạt tiêu chuẩn và 40% thức ăn thô như ngô, lúa. Ngô, lúa nhập về được bảo quản cẩn thận, trước khi cho chim ăn phải vò, đãi kỹ để loại bỏ tạp chất", ông Vậy chia sẻ.
Ông Vậy cũng cho biết, do vệ sinh môi trường được đảm bảo nên từ xây dựng trang trại đến nay đàn chim của gia đình ông phát triển thuận lợi, chưa từng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mặc dù số lượng con nuôi đông và nuôi tập trung.
Đàn chim được chăm sóc cẩn thận trong môi trường an toàn đã đem lại chất lượng tốt, vì vậy đầu ra cũng yên tâm. Hiện trang trại nuôi chim của gia đình ông Vậy mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng và tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với thu nhập 7 triệu/người/tháng.
Áp dụng nhiều biện pháp
Như gia đình anh Phạm Đình Đào (thôn 1, xã Thọ Vực, huyện triệu Sơn) là hộ chăn nuôi lâu năm, hiện gia đình anh Đào đang nuôi trên 3.000 con gà đẻ.
Trước đây, gia đình anh từng bị mùi hôi thối của chất thải từ chuồng gà làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Vệ sinh không đảm bảo cũng là nguyên nhân khiến đàn gà chậm lớn, tỷ lệ hao hụt cao.
Do đó, khi Hội Nông dân xã tổ chức hướng dẫn về kỹ thuật làm đệm lót chăn nuôi anh đã mạnh dạn tham gia và áp dụng ngay lập tức. Kết quả, không chỉ gia đình, hàng xóm thoát khỏi cảnh ô nhiễm mà năng suất, chất lượng con nuôi cũng nâng lên rõ rệt.
Tương tự, trang trại của gia đình anh Nguyễn Đặng Tú (thôn 7, xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn) cũng là một trong các mô hình điểm của địa phương. Hiện anh Tú đang chăn nuôi 40 con bò 3B, trong đó có 5 bò sinh sản.
Anh Tú cho biết, trước đây, nguồn chất thải của đàn bò anh đều dồn về một ngăn chuồng, có khi nửa năm mới được thu dọn một lần. Ruồi muỗi và mùi hôi thối là chuyện không thể tránh khỏi.
Sau khi tham gia tập huấn do HND xã tổ chức, anh Tú được tiếp cận, hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải gia súc. Nhờ đó, anh không chỉ giải quyết được vấn đề vệ sinh chăn nuôi mà còn tận dụng lượng phân bò sau khi ủ hoai mục để bán cho các nhà vườn tăng thêm thu nhập.
Ngoài ra, nguồn nước thải rửa chuồng, anh xây dựng hầm Biogas để xử lý làm khí ga đun nấu.
Theo anh Tú, đàn bò của gia đình anh được chăm sóc trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát nên sinh trưởng tốt, trong 5 năm qua, chưa hề bị thiệt hại do dịch bệnh.
Hiện mỗi năm mô hình của gia đình anh Tú thu nhập 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Bên cạnh đó, mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với thu nhập 7 triệu/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Vực cho biết, không chỉ các gia đình kể trên áp dụng các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, mà tất cả các trang trại, gia trại ở Thọ Vực đều nắm vững kiến thức và vận dụng ngay từ khi bắt tay vào sản xuất.
Môi trường sản xuất được đảm bảo đã hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, cùng với đó chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao, tiêu thụ dễ dàng. Điều này không chỉ đem lại thu nhập của người nông dân được cải thiện mà người tiêu dùng cũng được tiếp cận những sản phẩm an toàn, một hướng phát triển kinh tế phù hợp với xu thế hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.