Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ phun trào núi lửa do biến đổi khí hậu

Lê Phương (Express) Thứ tư, ngày 27/07/2022 11:20 AM (GMT+7)
Nguy cơ phun trào núi lửa trên toàn cầu có thể tăng lên trong tương lai do biến đổi khí hậu gây ra các đợt mưa cực đoan thường xuyên hơn.
Bình luận 0
Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ phun trào núi lửa do biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Nguy cơ núi lửa phun trào trên toàn cầu có thể tăng lên trong tương lai do biến đổi khí hậu (Ảnh: Getty Images)

Lượng mưa cực đoan được xác định là nguyên nhân kích hoạt hoạt động phun trào tại nhiều địa điểm núi lửa - bao gồm Núi St Helens (Mỹ), Gunung Merapi (Indonesia) và Las Pilas (Nicaragua). Nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra mối liên hệ giữa lượng mưa cực lớn và chuyển động magma ở độ sâu bên dưới núi Etna của Ý và núi lửa Kīlauea của Hawaii. Các nhà địa chất tin rằng sau khi thấm vào các lỗ sâu trong nền núi lửa, nước sẽ làm tăng áp suất bên trong, giảm độ cứng của đá, cho phép magma xuyên qua và trồi lên bề mặt.

Ví dụ, vào năm 2018, Kīlauea đã trải qua một đợt phun trào kéo dài 4 tháng, tạo ra lượng dung nham bằng khoảng 320.000 hồ bơi Olympic. Đây được đánh giá là một trong những trận phun trào lớn nhất trong lịch sử của Kīlauea, thậm chí nó còn làm thay đổi cảnh quan, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và khiến miệng núi lửa sụp đổ.

Năm 2020, các nhà địa chất học, Tiến sĩ Jamie Farquharson và Giáo sư Falk Amelung của Đại học Miami đã sử dụng dữ liệu về lượng mưa và địa hình để tiến hành nghiên cứu. Họ xác định rằng mưa làm tăng áp suất lỗ rỗng trong đá ở độ sâu lên tới khoảng 3km dưới bề mặt - đạt đỉnh vào khoảng nửa thế kỷ trước khi phun trào. Điều này làm suy yếu vùng rạn nứt bên dưới núi lửa, giải thích lý do tại sao mặt đất ở Kīlauea không bị trồi lên năm 2018..

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Lượng mưa lớn dẫn đến một loạt các nguy cơ núi lửa phun trào, bao gồm các vụ nổ mái vòm và sụp đổ sườn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra, điều quan trọng là phải biết những khu vực núi lửa nào có thể hứng chịu nhiều trận mưa lớn hơn trong tương lai".

Để điều tra câu hỏi này, Tiến sĩ Farquharson và Giáo sư Amelung đã phân tích so sánh chín mô hình khí hậu toàn cầu.

Cả hai cho biết: "Chúng tôi thấy rằng lượng mưa cực lớn được dự báo sẽ tăng lên cùng với sự nóng lên toàn cầu tiếp tục trong suốt thế kỷ XXI ở hầu hết các khu vực núi lửa cận nhật".

Họ giải thích rằng điều này đang "làm tăng khả năng xảy ra các hiểm họa núi lửa do mưa gây ra". "Nếu sự nóng lên toàn cầu tiếp tục không được kiểm soát, tỷ lệ hoạt động núi lửa liên quan đến lượng mưa sơ cấp và thứ cấp sẽ tăng lên tại hơn 700 núi lửa trên toàn cầu".

Bộ đôi cảnh báo lượng mưa gia tăng không chỉ tác động đến các núi lửa nhiệt đới mà còn ảnh hưởng đến các núi lửa nằm ở nhiều vùng cực và ôn đới - chẳng hạn như dọc theo Vòng cung Aleutian, miền Tây nước Mỹ và Canada - có khả năng làm tăng nguy cơ phun trào núi lửa.

Các nhà nghiên cứu cho biết, để hạn chế điều này cần phải "kết hợp giữa các quan sát khoa học - đặc biệt về lượng mưa địa phương và khu vực - cùng các quyết định chính sách".

Các phát hiện đầy đủ của nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem