Các chuyên gia văn hoá nói gì việc bỏ lễ phát lộc Chùa Hương, Hội Gióng

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 17/01/2018 18:55 PM (GMT+7)
Sau những hình ảnh tranh cướp lộc gây phản cảm tại Chùa Hương và Hội Gióng, năm nay, BTC của cả hai lễ hội đồng loại sẽ bỏ hình thức lễ phát lộc. Trước thông tin này, Sở VHTT Hà Nội cùng các chuyên gia văn hoá đã lên tiếng.
Bình luận 0

img

Tranh cướp lộc tại Hội Gióng năm 2017

Trao đổi với PV Dân Việt,  ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho hay, năm nay trên tinh thần muốn xiết lại, trả lại văn minh cho lễ hội nên những vấn đề tiêu cực, vấn nạn như tranh cướp lộc gây bạo lực, mang tính thương mại… sẽ phải khắc phục tối đa. 

Về việc BTC các lễ hội như Hội Gióng, Chùa Hương năm nay thực hiện thay đổi hình thức lễ hội, cụ thể là bỏ lễ phát lộc, ông Tô Văn Động cho biết: “Nếu như BTC đề xuất và được người dân ủng hộ thì Sở VHTT cũng sẽ đồng tình. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu bỏ lễ phát lộc thì BTC cần phải xem xét kỹ, phải thoả thuận được với cộng đồng. Khâu tổ chức sao cho phù hợp, không phản cảm.

Đầu năm 2017, chúng tôi đã có hai buổi làm việc với BTC lễ Hội Gióng, đồng thời Sở cũng đã làm việc với các BTC lễ hội, đã định hướng cụ thể, những vấn đề còn tồn tại gây bức xúc trong dư luận, báo chí nêu phản cảm thì BTC cần khắc phục.

img

Sư thầy phát lộc tại Chùa Hương năm 2017

Còn việc khắc phục và cách làm như thế nào thì BTC lễ hội tại các địa phương sẽ đề xuất lên với Sở VHTT Hà Nội. Cái thứ hai nội dung trong lễ hội vẫn có như ngày xưa các cụ gọi là "cướp lộc", nhưng bây giờ BTC cần xem xét, nếu như tổ chức văn minh hơn, tốt hơn và vẫn giữ được nội dung của lễ hội thì Sở VHTT Hà Nội hoàn toàn ủng hộ. Nhưng Sở cũng không khuyến khích, ủng hộ những lễ hội gây lòng tham cho con người ví dụ như đốt vàng mã quá nhiều, tranh cướp lộc gây bạo lực, phản cảm”.

Trước vấn đề bỏ lễ phát lộc tại Hội Gióng và Chùa Hương, PGS.TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN cho hay: “Tôi cho rằng, cướp lộc là hành động quá phản cảm, nếu năm nay BTC bỏ cướp là một cách thử nghiệm. Tất cả các nghi lễ đều có sự thay đổi so với xưa, chỉ là không được thay đổi về bản chất. Trong khi việc cướp lộc không phải là nghi lễ mà là phái sinh. Chúng ta nên hoan nghênh sự thay đổi này vì bản chất của lễ tiết đền Gióng là người dân làm lễ và rước lễ lên đền, bày tỏ niềm tôn kính với đức Thánh.

Theo tôi không nên tháo giò hoa tre đó mà để trong đền như một lễ vật, hết hội thì hoá giống như hóa vàng, nên hóa Thánh không nên phát ra, không để người trong BTC ban khánh tiết thành độc quyền lễ vật thì sẽ dễ xảy ra nhiều hệ lụy”.

Còn GS Trần Lâm Biền thì nói: “Tôi nghĩ rằng, cách phát lộc như mấy năm vừa rồi thì không nên để ở di tích nào. Bởi vì làm như vậy là đem những điều trần gian làm mờ đi tính thiêng liêng của thánh thần. Trong khi ngày xưa người xưa không có những điều đó. Người xưa không lấy vật chất làm trọng mà họ đi vào tâm linh, rất đẹp. Còn bây giờ chuyện tranh cướp lộc của những người đi lễ nó thể hiện sự tồi tệ, kém cỏi của nhận thức. Mà điều hệ luỵ là ngày một những nhận thức đó bị thay đổi, ngày xưa người ta chỉ nghĩ tới đi lễ lấy lộc để cầu may cho cả năm còn bây giờ đi lễ trần tục hơn, cầu chức, cầu giàu sang, phú quý, chứ người đi lễ đâu có nghĩ tới đạo đức".

Lý giải thêm vì sao lại xảy ra hiện tượng tranh cướp lộc tại các lễ hội, giáo sư Trần Lâm Biền cho biết: "Những người quản lý văn hoá đã để mặc cho cơ quan quản lý tại địa phương thực hiện, đồng thời chính họ cũng chưa thực sự hiểu bản chất thực sự của phát lộc mang tính tâm linh. Còn với những người thực hiện trực tiếp là BTC tại các lễ hội thì nhìn thấy ở đó một sự lợi lộc kinh tế cho chính họ và địa phương của họ. Cho nên trước đây chúng ta rất khó chịu phản ứng với buôn thần, bán thánh còn ngày nay việc buôn thần, bán thánh được diễn ra công khai  tới mức không thể chấp nhận được. Nên theo tôi tất cả những thứ như: phát thẻ, phát ấn…cần được ứng xử theo cách nên hiểu kỹ về nó để tránh hiểu theo cách mù quáng theo kiểu mê tín dị đoan”.

Trước đó, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đền Sóc đã chia sẻ với báo chí, lễ hội đền Sóc 2018 sẽ thay đổi hình thức lễ tạ, không còn hai đoàn rước giò hoa tre và giò trầu cau từ đền Thượng xuống đền Mẫu và đền Hạ.

Ông Mạnh cho rằng, việc thay đổi hình thức lễ tạ không ảnh hưởng đến truyền thống của lễ hội. Ban tổ chức đã tính toán để các thôn làng vẫn tổ chức được các bước tế lễ như truyền thống, mang lễ vật xuống đền Mẫu, đền Hạ làm lễ tạ. Còn phía lễ hội Chùa Hương, Ban tổ chức cũng đã đề nghị Ban trị sự chùa Hương quán triệt tới các nhà sự không được phát lộc tại lễ hội. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem