Xung quanh động thái giảm trần lãi suất 2 lần trong một tháng qua, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, Dân Việt đã trao đổi với TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM).
Ông Dương nói: Tôi cho rằng động thái hạ lãi suất lúc này của NHNN là một quyết định kịp thời để cùng một lúc vừa gỡ cho doanh nghiệp và hơn nữa cũng là để gỡ cho hệ thống ngân hàng. Lần này khác với lần hạ trước cách đây một tháng, đó là tính đồng bộ cao hơn. Cùng với giảm lãi suất các ngân hàng đã tái cấu trúc, mà đặc biệt là tái cấu trúc lại các khoản nợ. Qua việc tái cấu trúc khoản nợ lần này cũng cho phép các doanh nghiệp đạt chuẩn nếu có nợ vẫn có thể tiếp tục được vay.
|
Lãi suất cho vay đang bị thả nổi. Ảnh minh họa. |
Một thực tế đang gây bức xúc là dường như NHNN chỉ yêu cầu giảm lãi suất huy động, trong khi đang thả nổi lãi suất cho vay, để cho các NHTM tự quyết định. Ông có cho rằng như vậy là không công bằng với người gửi tiền và người đi vay?
- Tôi cho rằng đó là vấn đề mà các cơ quan quản lý còn “nợ” doanh nghiệp. Mỗi khi NHNN tuyên bố hạ trần lãi suất huy động, các NHTM đều hưởng ứng bằng các thông báo hạ lãi suất cho vay. Nhưng công bố lãi suất cho vay giảm, mới chỉ là một chuyện, doanh nghiệp có tiếp cận được không và thủ tục vay như thế nào mới là vấn đề. Bởi nếu hạ xong mà chỉ cho DNNN vay thì không phải là mong đợi của số đông doanh nghiệp. Chuyện lớn hơn là phải giám sát nguồn vốn đi vào đâu, chứ đừng có làm vống lên, đừng loay hoay với chuyện giảm 1% hay 2% nữa.
Vấn đề lãi suất cao và khó tiếp cận vốn đang khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình đốn. Theo ông, cần làm gì để doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng này?
- Lo ngại các doanh nghiệp rơi vào tình trạng lạm phát đình đốn là hoàn toàn thực tế. Ngân hàng hạ lãi suất đầu vào xuống 12% nhưng đầu ra là 23% thì không có người nào kinh doanh lãi được. Nhưng nếu hạ xuống 10%/ năm rồi lãi suất cho vay khống chế ở 16% thì doanh nghiệp mới sống được.
Xin cảm ơn ông!
Hương Thủy (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.