Các con động vật có hại, nấm độc đang gây hại hơn 9.580ha lúa Đông xuân ở Ninh Bình

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 26/04/2024 05:41 AM (GMT+7)
Tình hình sâu bệnh trên vụ lúa Đông xuân tại tỉnh Ninh Bình đang diễn biến rất phức tạp, với tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại đến ngày 23/4, là 9.583,7 ha. Trong đó, diện tích nhiễm nặng là 865,7 ha, các đối tượng sinh vật hại chính như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy, chuột, bệnh đạo ôn lá.
Bình luận 0

Nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa Đông xuân

Vụ Đông xuân 2023-2024, toàn tỉnh Ninh Bình gieo cấy trên 39 nghìn ha lúa. Hiện tại trà lúa Xuân sớm đang ở giai đoạn trổ bông-chắc xanh, trà Xuân muộn ở giai đoạn phân hóa đòng-ôm đòng.

Nhìn chung, trên phạm vi toàn tỉnh Ninh Bình, lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa.

Các con động vật có hại, nấm độc đang gây hại hơn 9.580ha lúa Đông xuân ở Ninh Bình- Ảnh 1.

Người dân Ninh Bình lo ngại sâu bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất vụ lúa Đông xuân. Ảnh: VT

Cụ thể, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại đến ngày 23/4 là 9.583,7 ha (gấp 5 lần so với cùng kỳ Đông xuân 2022-2023). Trong đó, diện tích nhiễm nặng 865,7 ha (gấp 7,5 lần so với cùng kỳ vụ Đông xuân 2022-2023), diện tích đã phòng trừ 4.210,5 ha. Các đối tượng sinh vật hại chính như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy, chuột, bệnh đạo ôn lá...

Bà Nguyễn Thị Nhung-Trưởng phòng Nghiệp vụ Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình thông tin tới Dân Việt: Mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng ở vụ Đông xuân năm nay tăng đột biến, mật độ sâu lên tới hàng trăm con/m2. Mặc dù, nhiều địa phương đã phun thuốc phòng trừ, tuy nhiên qua điều tra thực tế đồng ruộng thì diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ vẫn đang tăng.

Các con động vật có hại, nấm độc đang gây hại hơn 9.580ha lúa Đông xuân ở Ninh Bình- Ảnh 2.

Người dân cần kiểm tả đồng ruộng, không được chủ quan lơ là trong giai đoạn này. Ảnh: VT

Theo bà Nhung, trong thời gian tới, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 ra rộ, gây hại rộng trên các trà lúa Xuân muộn đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng. Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, một số diện tích bị hại nặng sẽ làm sơ, trắng bộ lá đòng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa.

Ngoài ra, bệnh đạo ôn lá đang xuất hiện rải rác và gây hại cục bộ trên diện tích lúa xanh tốt, bón thừa đạm. Cũng như bệnh khô vằn diện tích nhiễm cũng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023. Một số diện tích lúa vụ Đông xuân còn bị sâu đục thân hai chấm, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lúa cỏ, bệnh lép đen, nhện gié hại cục bộ…

Xác định tuổi sâu bệnh để phòng trừ hiệu quả

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình khuyến cáo: Trước tiên phải đam bảo đủ nước cho các trà lúa làm đòng-trổ bông-nuôi hạt; bón hết lượng phân bón còn lại cho trà lúa Xuân muộn để tạo điều kiện cho cây lúa  khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại.

Kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dịch hại để phòng trừ kịp thời, không phun thuốc tràn lan để bảo vệ thiên địch và bảo vệ môi trường.

Các con động vật có hại, nấm độc đang gây hại hơn 9.580ha lúa Đông xuân ở Ninh Bình- Ảnh 3.

Thời gian phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa tối ưu nhất đúng những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Ảnh: VT

Giai đoạn lúa sinh sản, đứng cái làm đòng như hiện nay bà con nông dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Không giống như giai đoạn đẻ nhánh, mật độ sâu hại có thể 10-30 con nhưng lúa vẫn có khả năng đền bù nhưng bước sang giai đoạn làm đòng thì cây lúa không còn khả năng này nữa.

Bà con nông dân cần nhớ rằng bộ lá đòng có vai trò quan trọng đối với năng suất hạt vì khoảng 60% sản phẩm dự trữ vào hạt là sản phẩm quang hợp trực tiếp của những lá lúa sau khi trổ. Do đó, phải quản lý, bảo vệ thật tốt bộ lá đòng.

Về thời điểm tiến hành phun trừ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin: Dự kiến sâu non sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở rộ từ ngày 28/4-11/5. Do vậy, thời gian phòng trừ tối ưu sẽ trùng vào đúng những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. 

Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí và công phun có thể kết hợp phun sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn, rầy cùng một lúc. Tuy nhiên, phải lưu ý chọn đúng loại thuốc, pha đúng nồng độ theo hướng dẫn. Những ruộng có mật độ sâu cao trên 200 con/m2 phải tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem