Các địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ ngân sách cho dự án Vành đai 4 TP.HCM
Các địa phương kiến nghị trung ương hỗ trợ ngân sách cho dự án Vành đai 4 TP.HCM
Vũ Quyền
Thứ sáu, ngày 20/10/2023 20:23 PM (GMT+7)
Do tập trung vốn bố trí cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, các địa phương chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM.
Chiều ngày 20/10, hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ quý III năm 2023 đã được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi. Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của lãnh đạo các sở, ban, ngành của các địa phương.
Báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM, các tỉnh vùng Đông Nam bộ và Long An Quý III năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, đánh giá chung về phối hợp triển khai các dự án như đường Vành đai 4 TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp các Sở GTVT các tỉnh trong vùng thảo luận, thống nhất về quy mô đầu tư giai đoạn 1.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đã thảo luận dự thảo kế hoạch phối hợp và quy chế phối hợp triển khai thực hiện các dự án xây dựng đường Vành đai 4; triển khai nhiệm vụ tổng hợp kết quả thực hiện các dự án thành phần…
Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, các địa phương đang tập trung vốn cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho các dự án đường Vành đai 4. Dự kiến khoảng 106,89 nghìn tỷ đồng cho 5 dự án thành phần trên địa bàn 5 tỉnh.
Trong khi đó, các dự án đường Vành đai 4 TP.HCM là dự án lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, có tính chất kết nối các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.
Qua kết quả nghiên cứu sơ bộ đến nay, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4.
Cụ thể, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 42,4%; đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 45,6%; đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 55,8%; đoạn qua TP.HCM khoảng 48,5%; đoạn qua tỉnh Long An khoảng 39,9%.
Do đó, các địa phương thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 (tương tự như dự án Vành đai 3).
Các địa phương kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án; ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh Long An 90% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án.
Được biết, Vành đai 4 TP.HCM dài gần 200km, đi qua 5 địa phương: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở giai đoạn 1, các địa phương sẽ đầu tư 4 làn xe cao tốc và giải phóng mặt bằng một lần cho giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.