Các đơn vị tư nhân chỉ cần Luật Điện ảnh có cơ chế thông thoáng
Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN Vũ Tú Thành: Các đơn vị tư nhân chỉ cần cơ chế thông thoáng
Thủy Vũ
Thứ ba, ngày 04/10/2022 08:01 AM (GMT+7)
Ông Vũ Tú Thành - Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đã có cuộc trao đổi với Dân Việt về những điều cho rằng còn bất cập trong Luật Điện ảnh mới.
Là một trong những đại biểu tham gia góp ý kiến tại Hội nghị – Hội thảo về Luật Điện ảnh mới do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch phối hợp cùng Cục Điện ảnh tổ chức; ông Vũ Tú Thành - Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN đã có những trao đổi với Dân Việt về những cách tối ưu để đẩy mạnh và phát triển hiệu quả điện ảnh Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp văn hóa.
Trong Hội nghị – Hội thảo về Luật Điện ảnh mới, vấn đề về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được đưa ra bàn luận rất nhiều. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Trong Luật quy định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triện điện ảnh và trong dự thảo Nghị định của Luật Điện ảnh mới cũng đề xuất 3 điều về nguồn đóng góp cho Quỹ gồm: Nguồn thứ nhất là ngân sách nhà nước; Nguồn thứ hai là tài trợ tự nguyện của các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước và nguồn thứ ba là trích phần trăm doanh thu của các hoạt động chiếu phim trực tuyến hay ngoài rạp…
Tuy nhiên, ở nguồn thứ nhất lại không hợp lý với Luật Ngân sách vì Luật Ngân sách quy định mỗi nhiệm vụ chỉ có một nguồn ngân sách. Vì thế, không thể tài trợ đồng thời cho Quỹ điện ảnh và 1 bộ phim nào đó lấy nguồn kinh phí từ nhà nước.
Chưa nói tới nguồn thứ hai nhưng nguồn thứ ba bản chất sẽ tạo ra một loại phí hoặc thuế đặc thù mới. Điều này lại phụ thuộc vào một đặc thù khác, đó là luật về thuế phí. Ở trường hợp này, chúng ta đang xây dựng luật chuyên ngành nên không được phép tạo ra luật thuế phí.
Chỉ còn nguồn thứ hai là duy nhất hợp lý. Tuy vậy, các đơn vị tổ chức chỉ muốn đóng góp khi cảm thấy Quỹ hoạt động hiệu quả. Đó là cơ chế, là con đường phát triển của nhiều hiệp hội chuyên ngành khác trên thế giới vì họ chứng tỏ được vai trò của mình đối với những người đóng góp tiền cho họ.
Vậy có phải ý của ông là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ hoàn toàn không phụ thuộc bất cứ yếu tố nào từ nhà nước?
- Nếu bạn nhìn những bộ phim Việt Nam có doanh thu cao ngoài kia, doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mà không phải là phim Nhà nước, bạn sẽ thấy rõ điều đó. Các đơn vị tư nhân không cần hỗ trợ để có thể đạt được thành tích như vậy, cái họ cần chỉ là một cơ chế thông thoáng mà thôi. Họ có thể tự thân vận động và mang về những nguồn đóng góp, những nguồn thu lớn khi mà có cơ chế thông thoáng.
Ở trên ông có nói rằng, các đơn vị hay tổ chức tư nhân khi thấy được lợi ích mới muốn đầu tư vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Vậy ở đây lợi ích là gì?
- Hiện nay, theo tôi biết có hai hội nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh đang hoạt động. Đó là Hội Điện ảnh Việt Nam đã được thành lập từ rất lâu, hai là Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh mới được thành lập gần đây. Bên thứ hai hoàn toàn không nhận ngân sách Nhà nước mà tự thân vận động, còn Hội Điện ảnh Việt Nam có một phần nhỏ ngân sách Nhà nước nhưng bây giờ lại bị hạn chế hơn. Nói tóm lại, tinh thần "tự thân vận động" vẫn là chủ yếu.
Tuy nhiên, nếu vậy thì phải đi xin tài trợ và khi đã là nhà tài trợ, họ chỉ muốn đầu tư khi nơi đầu tư vào phát huy hiệu quả. Điều đó dẫn tới việc cần tạo những quy định thuận lợi cho ngành điện ảnh. Lấy ví dụ là việc giảm bớt các loại thuế phí cho ngành kinh doanh điện ảnh, tất cả các chuỗi từ khâu sản xuất hay dịch vụ phát hành…
Còn nhớ trong thời kỳ dịch Covid-19 vừa qua, các doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Chính phủ là miễn giảm hay giãn thuế với rạp chiếu phim vì hoạt động này đã bị "đóng băng", tương tự với các đơn vị sản xuất phim vì không thể cho ra phim mới.
Gần đây, họ cũng đề xuất với Chính phủ, xin được chiếu phim ngoài rạp sau 12 giờ đêm. Tôi nghĩ với thời buổi nhu cầu giải trí ngày càng tăng lên, việc chỉ chiếu phim đến 12 giờ đêm sẽ khiến các doanh nghiệp chiếu phim gặp bất lợi không nhỏ.
Khi Hội nghị - Hội Thảo về Luật Điện ảnh mới kết thúc, quy định tăng thời lượng, phần trăm phim Việt cũng là một chủ đề "nóng", ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Điều đó mang rất nhiều mục đích, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung trong nước, duy trì truyền thống, bản sắc văn hóa Việt… Thế nhưng, nếu thực hiện bằng biện pháp "duy ý trí" thì sẽ hoàn toàn phản tác dụng. Nếu chúng ta nhìn sang những nước như Hàn Quốc đạt được những thành tựu đó thì là do cơ chế thị trường.
Tỉ lệ 30% phim Việt phủ sóng tưởng là sẽ giúp các đơn vị sản xuất phim hay các doanh nghiệp điện ảnh nhưng ngay cả bản thân một đơn vị lớn và tầm cỡ như Hãng Phim truyền hình Việt Nam cho thấy rằng, quy định vậy là quá cao, bất lợi cho họ như anh Đỗ Thanh Hải – Phó Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã phát biểu gần đây.
Rõ ràng, có một sự "lệch pha" không hề nhỏ giữa các cơ quan quản lý với người làm phim. Cả hai đều có chung một mục đích là thúc đẩy, phát triển ngành sản xuất nội dung trong nước nhưng thực tế và lý thuyết chênh lệch rất lớn. Cho nên, cơ chế khuyến khích về thuế là rất cần thiết và cần có nhiều "cởi mở" hơn về cơ chế chính sách để các nhà đài, các nhà sản xuất phim trong nước tự đầu tư thay vì quy định cứng nhắc với con số 30%. Nếu muốn xây dựng chính sách thì phải xem xét điều kiện thực tế ra sao.
Trong Dự thảo Nghị định về Luật Điện ảnh mới, còn điều gì ông cảm thấy bất cập về thuế hay không?
- Ví dụ như ở Điều 12, nếu muốn thực hiện việc phổ biến trên không gian mạng thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hoạt động phổ biến phim có phát sinh thuế ở Việt Nam. Chúng tôi không hiểu năng lực phân loại phim có liên quan gì tới chuyện đóng thuế?
Nếu như chúng ta muốn yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải đóng thuế thì đã có cổng thông tin để họ tự đăng ký. Cho nên, tôi nghĩ điều này nên bỏ và hoàn toàn không cần thiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.