Giới làm phim lên tiếng vì bất cập của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thúy Phương - Thanh Tùng Thứ hai, ngày 27/09/2021 07:30 AM (GMT+7)
"Ai góp ý giơ tay lên" - là cuộc gặp được tổ chức trực tuyến giữa các nhà làm phim, nhà phát hành, nhà đầu tư, nhà sản xuất, chủ rạp chiếu, các luật sư, nhà báo... nhằm đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Bình luận 0
Giới làm phim lên tiếng vì bất cập của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 1.

Nhiều nhà làm phim, khách mời tên tuổi tham gia tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên". (Ảnh: Ơ kìa Hà Nội)

Ngày 26/09, giới làm phim Việt đã tổ chức cuộc thảo luận mang tên "Ai góp ý giơ tay lên". Đây là cuộc thảo luận, tọa đàm online được tổ chức bởi Ơ kìa Hà Nội với mục đích đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Sự kiện đã quy tụ các nhân vật hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng trong làng điện ảnh. 

Trong đó, danh sách các đạo diễn xác nhận tham gia gồm: Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Quang Huy, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hữu Tuấn…

Các đạo diễn khác như: Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Dũng, Tạ Nguyên Hiệp... cũng tham gia tọa đàm. Bên cạnh đó sự góp mặt của các đơn vị sản xuất, phát hành gồm: bà Ngô Bích Hạnh (đại diện công ty BHD), bà Trần Bích Ngọc (Nhà sản xuất phim "Người bất tử", "Vợ ba"), Đồng Phương Thảo (Nhà sản xuất phim "Vị"); các nhà hoạt động văn hóa: ông Jeremi Segay – Tùy viên văn hóa, Đại sứ quán Pháp; luật sư Phạm Khánh Toàn…

quy định về độ tuổi vẫn không thể xếp loại phim 

Trên cơ sở một cuộc thảo luận với không gian mở, nhiều góc nhìn đa chiềucác sáng kiến từ chính những người tham gia sản xuất và phát triển điện ảnh được nêu ra. Là người mở đầu cho cuộc hội thảo, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: "Trong thời gian qua, bên cạnh vai trò nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, giảng viên... tôi còn đảm nhận thêm vai trò thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Qua đó, tôi đã có dịp tiếp cận và xét duyệt hai bộ phim tiêu biểu cho nền nghệ thuật điện ảnh đương đại Việt Nam là "Miền kí ức" của đạo diễn Bùi Kim Quy và "Vị" của đạo diễn Lê Bảo. Trong đó, "Miền kí ức" được Hội đồng xét duyệt với tỉ lệ tuyệt đối. Tuy nhiên, "Vị" đã bị cấm với lí do xuất hiện cảnh nóng trong phim".

Giới làm phim lên tiếng vì bất cập của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có nhiều trăn trở về dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. (Ảnh FBNV)

Trên cơ sở ví dụ về hai bộ phim tiêu biểu được đưa ra xét duyệt, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng, hiện một số quy định về kiểm duyệt phim còn bất cập và chưa thực sự chặt chẽ. Cụ thể, hiện nay chúng ta đã có những quy định về phân loại phim theo quy định độ tuổi.

Với những quy định về xếp loại phim public (phổ biến), tiếp đến là C13, C16, C18. Nhưng nhiều bộ phim lại không thể xếp loại do những quy định ngặt nghèo. Vì vậy nhiều bộ phim có giá trị đã bị cấm và không thể công chiếu. Đây thực sự là điều đáng tiếc với những người làm phim nói riêng và với nền điện ảnh nói chung.

Theo quan điểm của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, tiêu chí phân loại phim của ở mức C18 đã quy định về thời lượng khỏa thân kéo dài là hình tượng gây nguy hiểm, có thể gây hại cho người xem dẫn đến phim bị cấm chiếu. Tuy nhiên, một số bộ phim lại cần đến những cảnh nóng để phù hợp với nội dung phim.

Nhiều bộ phim được sản xuất trên tinh thần không vi phạm luật định, thậm chí là có những tìm tòi, thể hiện mới về nghệ thuật. Những sự sai khác về thước đo trong luật xoay quanh cụm từ "kéo dài" đã đẩy nhiều bộ phim vào tình cảnh éo le. Bởi lẽ, trong quy tiêu chí phân loại của chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể như một số quốc gia khác. Do đó, mọi sự đong đếm đều là cảm tính. Vì vậy, nhiều bộ phim đã bị cấm chiếu một theo một cách đáng tiếc.

Giới làm phim lên tiếng vì bất cập của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 3.

Giới làm phim bày tỏ nhiều sự trăn trở trong "Ai góp ý giơ tay lên". (Ảnh chụp màn hình)

Trước những trăn trở của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đạo diễn Phan Đăng Di tỏ ra đồng tình: "Hiện tại, những quy định về Luật của chúng ta sau một thời gian dài áp dụng đã không thực sự phù hợp, thậm chí là tạo ra lực cản lớn cho sự sáng tạo.

Đây là điều vô cùng đáng ngại với tất cả những ai tham gia vào công tác sản xuất, sáng tạo điện ảnh. Bởi lẽ, trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, các đạo diễn, nhà sản xuất không thể tìm hiểu hết tất cả những quy định về luật. Đó là lí do nhiều bộ phim mặc dù có giá trị nghệ thuật rất cao nhưng không thể tiếp cận với đông đảo công chúng".

Cần có những diễn giải chi tiết, rõ ràng, rành mạch 

Cùng chung quan điểm nêu trên, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, những vướng mắc trong Luật Điện ảnh khiến cho cả phía nhà làm phim và Hội đồng duyệt gặp khó khăn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhấn mạnh, những khó khăn trên chủ yếu nằm trong điều số 10 của dự thảo Luật Điện ảnh.

Theo đó, điều luật này bao gồm hai phần là: Những nội dung bị nghiêm cấm trong Luật Điện ảnh và những hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Điện ảnh. Nếu như các điều luật từ điều 1 đến điều 9 tập trung vào những vấn đề và hoạt động trong quản lí điện ảnh, thì điều 10 lại này lại phát sinh những quy định cấm. Từ đó cho thấy tính thiếu liền mạch của luật.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn: "Từ những quy định, giải nghĩa của luật, tôi liên tưởng đến câu chuyện cấm sóng của phim "Bụi đời Chợ Lớn". Bởi những quy định còn khá mơ hồ và thiếu tính cụ thể. Với những tiêu chí dành cho phim ở phân loại C, chúng ta cần có những diễn giải chi tiết hơn, rõ ràng, rành mạch hơn trên cơ sở lý luận khoa học.

Cần có những văn bản dưới luật hoặc thông tư mới để quy định được rõ ràng, cụ thể hơn. Việc phân loại, xác định tiêu chí cần có sự tham gia đóng góp của nhiều bên như: cơ quan quản lí, những nhà làm phim, doanh nghiệp làm điện ảnh, thậm chí cần có sự góp mặt của những nhà khoa học xã hội. Từ đó mới có thể xây dựng những bộ tiêu chí phù hợp và công bằng nhất".

Giới làm phim lên tiếng vì bất cập của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 4.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. (Ảnh TL)

Cùng quan điểm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng: "Những điều cấm này nguy hiểm vì phụ thuộc vào tư duy của người sử dụng luật hơn là bản thân luật". Từng có cơ duyên làm việc với kênh HBO của Mỹ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết: "Ở Mỹ, giới làm phim có quyền làm phim về nhân vật có thật, miễn không vi phạm sở hữu trí tuệ. Nếu ai đó muốn kiện thì kiện theo luật dân sự, một bộ luật khác chứ không phải Luật Điện ảnh".

Trở về Việt Nam, khi thực hiện các dự án điện ảnh, nam đạo diễn cũng phải thực hiện những "thao tác" để tránh phạm điều cấm. Chẳng hạn, trong phim "Tiệc trăng máu", nhân vật của Thái Hòa có bạn tên là Thanh Vân. Hội đồng duyệt bắt ê-kíp đi xin phép nữ diễn viên Ngô Thanh Vân để dùng cái tên đó. "Rồi phim nhắc đến tên Ngọc Trinh thì bắt chúng tôi đi xin phép cô Ngọc Trinh mới được phát hành phim. Chuyện này quá vô lý và luật cũng không có chỗ nào quy định rõ", Phan Gia Nhật Linh chia sẻ.

Việc cấm phổ biến đối với một tác phẩm cần hết sức thận trọng 

Ở góc độ pháp lí, chuyên gia pháp luật Fushihara Hirota cho rằng: "Trên thực tế, quyền nhân thân trong thành phần quyền tác giả là không thể xâm phạm. Đó chính là nguyên tắc pháp lí của Việt Nam. Do vậy, việc cấm phổ biến đối với một tác phẩm nào đó cần hết sức thận trọng và việc can thiệp vào nội dung của phim càng không thể thực hiện.

Giới làm phim lên tiếng vì bất cập của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) - Ảnh 5.

Chuyên gia pháp luật Fushihara Hirota nêu lên quan điểm cá nhân về những bất cấp của điều Luật cũ. (Ảnh chụp màn hình)

Chúng ta có thể nhận ra những quy định về luật cấm tại điều 10 của dự thảo luật chỉ mang giá trị tương đối. Do đó, những quy định này đôi khi không đúng và nếu áp dụng một cách máy móc sẽ dễ lâm vào tình trạng khập khiễng. Chính vì thế, sự công bằng, minh bạch trong quá trình duyệt phim của cơ quan quản lí hay hội đồng duyệt là vô cùng cần thiết".

Theo ông Fushihara Hirota, với những cảnh quay bị cấm, cần có những tính toán, xác định cụ thể về mức độ nguy hại cũng như tác động của cảnh phim đó với thực tế. Đồng thời, cần chứng minh, công bố những căn cứ của Hội đồng duyệt phải được công khai với công chúng và những người làm phim được biết. Từ đó, những nhà làm phim bị phê bình, bắt lỗi có thể có những khiếu nại hoặc xem xét lại những tiêu chí đó để khắc phục hoặc điều chỉnh cho phù hợp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem