Các gói bồi thường, giải phóng mặt bằng được đấu thầu trước nhằm thúc đẩy tiến độ dự án

Vũ Khoa Thứ hai, ngày 30/12/2024 13:02 PM (GMT+7)
Luật số 57 đã bổ sung thêm một số công việc như đền bù, giải phóng mặt bằng.. vốn là những vấn đề gây ảnh hưởng mạnh nhất đối với tiến độ của các dự án.
Bình luận 0

Luật số 57/2024/QH15 là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, được ban hành ngày 29/11/2024, và có hiệu lực từ 15/1/2025.

Bổ sung Luật để đơn giản hóa thủ tục

Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đã tạo khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong hơn một năm kể từ ngày được Quốc hội thông qua và thực tiễn 9 tháng thi hành, Luật Đấu thầu 2023 cho thấy quy trình, thủ tục mặc dù đã được cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn cần tiếp tục xem xét, sửa đổi theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đơn giản hóa hơn nữa nhằm đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong thực tiễn.

Một là quy trình, thủ tục đối với gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài chưa đảm bảo hài hòa với quy định của các nhà tài trợ, dẫn đến vướng mắc, kéo dài thời gian trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Thực tiễn phát sinh một số dự án, gói thầu không thể lựa chọn nhà thầu theo hình thức quy định tại Luật Đấu thầu 2023, mà cần áp dụng cơ chế đặc thù, riêng biệt để đáp ứng yêu cầu cấp bách, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ngoài ra, một số nội dung trong quy trình, thủ tục đấu thầu hiện nay vẫn có thể xem xét đơn giản hóa, phân cấp, phân quyền hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu là cần thiết, cấp bách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, Luật Đấu thầu chưa có quy định đối với các gói thầu, dự án không sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài về việc thực hiện gói thầu trước khi dự án được phê duyệt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình chuẩn bị đầu tư, vẫn có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu nêu trên, trước khi dự án được phê duyệt để đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Như vậy, so với quy định cũ khi đấu thầu trước chỉ thực hiện đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, cần phải bổ sung thêm việc đấu thầu trước  một số công việc như đền bù, giải phóng mặt bằng.. vốn là những vấn đề gây ảnh hưởng mạnh nhất đối với tiến độ của các dự án.

Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu được ban hành ngày 29/11/2024, và có hiệu lực từ 15/1/2025.

Những gói nào được áp dụng đấu thầu trước?

Theo nội dung Luật số 57/2024/QH15 (Luật số 57), đấu thầu trước là việc thực hiện trước một số thủ tục trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài hoặc trước khi dự án được phê duyệt đầu tư nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trừ gói thầu cần thực hiện trước khi phê duyệt dự án.

Gói thầu có thể thực hiện đấu thầu trước bao gồm:

Gói thầu mua sắm hàng hóa đã xác định rõ phạm vi cung cấp, yêu cầu kỹ thuật;

Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng, kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ, quy hoạch, tái định cư;

Gói thầu tư vấn quản lý dự án cho các phần công việc thực hiện sau khi dự án được phê duyệt, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công;

Gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có yêu cầu đấu thầu trước theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ.

img

Luật số 57 sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ảnh minh hoạ

Trường hợp nhà tài trợ không quy định thì các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có thể thực hiện đấu thầu trước theo quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Việc ký kết hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi dự án được phê duyệt đầu tư; đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, việc ký kết hợp đồng có thể thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài nhưng phải sau khi dự án được phê duyệt đầu tư.

Luật số 57 sửa đổi quy định, đối với gói thầu đấu thầu trước, nhà thầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu, nhưng phải cam kết trong hồ sơ dự thầu về trách nhiệm tham dự thầu.

Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời thầu phải xác định rõ trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư trong việc thực hiện đấu thầu trước theo quy định tại Điều này.

Trường hợp dự án không được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài không được ký kết mà không thể bố trí nguồn vốn khác thì chủ đầu tư hủy thầu và không phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc tham dự thầu của nhà thầu.

Về trách nhiệm của Chủ đầu tư, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án có thể hình thành gói thầu, Luật quy định một hoặc một số công việc phải làm gồm khảo sát xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công để tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Các công việc lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công chỉ được thực hiện sau khi dự án được phê duyệt.

Luật số 57 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 29 của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm có một hoặc một số điều kiện đặc thù về quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng hoặc khi triển khai thực hiện có yêu cầu phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, biên giới lãnh thổ, thực hiện nhiệm vụ chính trị của quốc gia mà không thể áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu hiện có.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem