Các hệ thống phòng không 'chắp vá' của NATO đã thất bại ở Ukraine, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Phương Đăng (theo News Week) Thứ sáu, ngày 14/10/2022 18:13 PM (GMT+7)
Các cuộc tấn công của Nga vào hàng loạt thành phố ở Ukraine trong tuần này đã cho thấy sự thất bại của các hệ thống phòng không "chắp vá" mà NATO gửi cho Ukraine, theo đó thúc đẩy các đồng minh của Kiev phải tăng viện trợ, Newsweek dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết.
Bình luận 0
Các hệ thống phòng không 'chắp vá' của NATO đã thất bại ở Ukraine, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? - Ảnh 1.

Một bệ phóng tên lửa phòng không S-300V của Nga tại Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự Quốc tế ở Công viên Patriot, ngoại ô Moscow vào ngày 17/8/2022. Ukraine, quốc gia cũng sử dụng S-300, đã kêu gọi phương Tây cung cấp cho họ khả năng phòng thủ tên lửa mạnh mẽ hơn sau các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào các thành phố của họ trong tuần này. Ảnh Newsweek

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội Ukraine có thể đã đánh chặn được khoảng một nửa trong số 84 tên lửa và 24 máy bay không người lái vũ trang mà Nga bắn vào các thành phố của Ukraine trong tuần này. Ông nhấn mạnh các chiến thuật tấn công dữ dội như vậy chỉ có thể bị cản trở khi Ukraine có đủ "một số lượng lớn các hệ thống phòng không hiện đại và hiệu quả".

Ukraine không tiết lộ năng lực phòng không của họ nhưng Forbes từng tiết lộ hồi tháng 4 rằng, Ukraine có khoảng 100 khẩu đội phòng không tầm xa S-300 (do Nga sản xuất) đang hoạt động cùng với 300 bệ phóng khi cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2.

Ông John Venable, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Quốc phòng của Quỹ Di sản của Mỹ nhấn mạnh, Ukraine hiện chủ yếu dựa vào các hệ thống S-300 và các tên lửa Stinger di động của Mỹ. Và chúng không đủ để giúp bảo vệ nước này khỏi các tên lửa tối tân vượt trội của Nga.

Ông cho rằng, các hệ thống S-300 đã hoạt động hiệu quả trong các cuộc tấn công của Nga nhưng việc bảo vệ cả một đất nước rộng lớn với địa hình đồi núi và rừng rậm đã "gây ra một thách thức lớn cho các hệ thống S-300". Chúng có thể phòng thủ trước một máy bay ném bom của Nga đang bay tới ở độ cao 4.500m, nhưng "thách thức thực sự hiện nay là những tên lửa hành trình mà Nga đang bắn".

Theo ông Venable, một số tên lửa của Nga có cấu hình khởi động để bay ở độ cao trung bình trong một khoảng thời gian dài rồi sau đó lao xuống thấp để "né" các hệ thống phòng thủ của đối phương và tấn công mục tiêu.

Trong khi đó, các hệ thống phòng không Stingers và NASAMS chỉ có hiệu quả "khi người điều khiển chúng có khả năng nhìn thấy tên lửa đồng thời phải nhìn thấy đủ lâu để bắn trúng chúng".

Volodymyr Omelyan - cựu Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Ukraine thừa nhận, Ukraine không có đủ các hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố lớn.

"Chúng tôi có ít nhất 50 thành phố lớn cần được bảo vệ tốt. Theo tôi, một hệ thống không đủ để bao phủ một thành phố. Vì vậy, chúng tôi cần ít nhất 200 mảnh để bảo vệ các thành phố lớn", ông Omelyan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu hệ thống phòng không để đánh chặn và tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tên lửa, trực thăng và máy bay không người lái sẽ phụ thuộc vào các hành động tiếp theo của Tổng thống Putin và sự hào phóng của các đồng minh của Kiev. Các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của Ukraine trong tuần này đã thúc đẩy các đồng minh của Kiev tăng viện trợ cho Kiev.

Đức đã chuyển giao cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không công nghệ cao IRIS-T đầu tiên, được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công từ máy bay có người lái, máy bay không người lái và tên lửa hành trình và đạn đạo.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đầu tuần này cũng thông báo rằng Kiev đã nhận thêm 4 Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine nhưng không nói rõ hệ thống nào sẽ được gửi đến Ukraine. Trong khi đó, Kiev đã thể hiện sự quan tâm đến hệ thống SAMP/T của Pháp.

Lầu Năm Góc cho biết 2 NASAMS - "Hệ thống Đất đối không Tiên tiến Quốc gia của Mỹ - còn vài tuần nữa mới được giao cho Ukraine. Mỹ đã hứa sẽ cung cấp thêm 6 hệ thống NASAMS nữa cho Ukraine nhưng việc sản xuất chúng có thể mất một năm hoặc hơn.

Vương quốc Anh tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến của nước này (AMRAAM), có thể được sử dụng với các hệ thống phòng không của Mỹ.

Ukraine đã hoan nghênh các cam kết của phương Tây để chuyển giao cho nước này nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa hơn khi các cuộc tấn công của Nga vào các thành phố của nước này vẫn có nguy cơ tiếp diễn.

Tuy nhiên, việc giao các hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ukraine không hề đơn giản. Các nhà phân tích nhấn mạnh, sẽ cần có thời gian cho việc chuyển giao và triển khai chúng.

Ông Venable cho biết, vấn đề chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây cho Ukraine rất phức tạp vì cần phải loại bỏ những "bộ phận" quan trọng mà nhà cung cấp không muốn chúng có nguy cơ rơi vào tay Nga.

Theo ông Venable, các hệ thống này "không bao giờ được chế tạo để cho đi" và do đó rất khó để thay thế hoặc loại bỏ các bộ phận "mà bạn không muốn người Nga thu giữ được" trước khi chuyển giao.

Vì thế, ông Venable nhấn mạnh rằng, sẽ mất vài tuần để những hệ thống phòng thủ tên lửa này được chuyển giao cho Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem