Các mức phạt lỗi không xi nhan, CSGT sẽ giữ giấy tờ trong trường hợp nào?

Khải Phạm Thứ hai, ngày 14/11/2022 06:10 AM (GMT+7)
Lỗi không xi nhan khi chuyển làn đường, chuyển hướng khá phổ biến với các mức phạt khác nhau tùy từng phương tiện, vậy CSGT có được giữ giấy tờ?
Bình luận 0

Những trường hợp phải xi nhan

Theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 18 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, những trường hợp sau đây phải bật đèn xi nhan gồm: Chuyển làn đường; chuyển hướng xe (rẽ phải, rẽ trái, quay đầu); xin vượt; cho xe chuyển bánh từ vị trí đỗ xe hoặc chạy vào sát vỉa hè để dừng xe.

Bên cạnh đó, để việc lưu thông được thuận lợi hơn, Cục Cảnh sát giao thông khuyến nghị nên bật đèn xi nhan đối với những tình huống như: 

- Đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải”. 

- Khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải. 

- Đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ. 

- Lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển. 

- Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan.

Để đảm bảo an toàn và các phương tiện khác có thể nhận diện, người điều khiển xe nên bật xi nhan trước khoảng 25 - 30 mét trước khi rẽ và duy trì thêm 5 - 10 mét sau khi rẽ ở vị trí thẳng lái rồi mới tắt. Do đó, những người đi gần đó sẽ biết lúc nào xe sắp đổi hướng, và lúc nào đã đổi hướng xong. Ngoài ra, để đảm bảo đèn xi nhan luôn hoạt động tốt thì cần được kiểm tra định kỳ và sửa chữa ngay nếu có vấn đề.

Các mức phạt lỗi không xi nhan khi tham gia giao thông

Các mức phạt lỗi không xi nhan, CSGT sẽ giữ giấy tờ trong trường hợp nào? - Ảnh 1.

Các mức phạt lỗi không xi nhan. Ảnh VOV.

Tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về mức phạt áp dụng với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm lỗi không bật xi nhan.

Đối với xe máy

Theo Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển xe máy mắc lỗi không bật xi nhan trong trường hợp cần thiết, cụ thể như sau:

Phạt từ 100.000 - 200.000 đồng khi xe chuyển làn đường nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước.

Phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối xe chuyển hướng nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường không giao nhau cùng mức).

Hệ thống đèn xi nhan trang bị trên hầu hết các xe máy được bố trí song song trái – phải; 2 đèn phía trước – 2 đèn phía sau. Khi người điều khiển bật tín hiệu xi nhan, đèn sẽ sáng đồng thời cả phía trước và phía sau.

Đối với ôtô 

Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt với lỗi ôtô không xi nhan trong trường hợp cần thiết, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng đối với trường hợp dừng, đỗ xe nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước. 

Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với trường hợp chuyển làn đường nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước. 

Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với trường hợp chuyển hướng nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước hướng rẽ (trừ trường hợp người điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ tại nơi đường không giao nhau cùng mức). 

Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với trường hợp lùi xe nhưng không có tín hiệu xi nhan báo trước. 

Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với trường hợp chuyển làn đường trên đường cao tốc nhưng không xi nhan báo hiệu trước.

Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với trường hợp người điều khiển xe ôtô không đưa ra tín hiệu báo trước khi vượt.

Đèn xi nhan ôtô được thiết kế đặt ở 4 góc của xe. Nhằm mang đến sự tiện lợi cho người dùng, nhà sản xuất đã ứng dụng nhiều công nghệ mới giúp tăng cường tính năng cho hệ thống đèn xi nhan ôtô.

CSGT có được giữ giấy tờ không?

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định nếu phạm lỗi không xi nhan, một số trường hợp người điều khiển phương tiện có thể bị giữ giấy tờ, cụ thể:

Khi không xi nhan, người điều khiển sẽ máy sẽ bị tạm giữ giấy phép lái xe 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. 

Trong khi đó, ô tô không xi nhan khi chuyển hướng, rẽ..., người điều khiển có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. Cụ thể, tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, trường hợp vượt xe không xi nhan hoặc chuyển làn đường trên đường cao tốc nhưng không xi nhan báo hiệu trước sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Bật xi nhan chậm có bị phạt tiền không? 

Điểm a, khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định trường hợp bật đèn xi nhan sau khi đã chuyển hướng, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt với số tiền cụ thể tùy loại phương tiện: 

Từ 200.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy. 

Phạt từ 600.000 - 800.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem