Hình ảnh tại hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà
Sáng ngày 16.11 tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam, Hà Nội đã diễn ra hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Khi xây dựng Bộ quy định này thì đời sống xã hội, đời sống báo chí hiện nay rất sôi động, đa dạng, có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề đạo đức báo chí đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Phải làm sao số lượng điều không nhiều, ngôn từ, câu chữ không nhiều nhưng phải thể hiện được tất cả những nội dung cơ bản nhất, thiết yếu nhất. Tất cả những nội dung không thể thiếu phải được thể hiện trong những câu chữ ngắn gọn, vừa có tính khái quát lại vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện nhất".
Nhà báo Phan Quang góp ý tại hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà
“Mục tiêu của Bộ quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Từ ý nghĩa rất tích cực này, tôi tin rằng, bộ quy định sẽ được lan tỏa trong đời sống báo chí và tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam”, ông Hồ Quang Lợi nói.
Góp ý tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) đề xuất cần có những quy định cụ thể hơn về đạo đức nghề nghiệp người làm báo: "Không nên câu nệ chuyện dài hay ngắn. Nếu dài mà nhà báo, phóng viên có hành lang pháp lý đầy đủ để tác nghiệp thì vẫn rất tốt".
Ông Lưu Đình Phúc đề nghị bổ sung quy định nhà báo, phóng viên không được bịa đặt, hư cấu, che giấu sai phạm.
Cũng tại hội thảo, nhà báo lão thành Phan Quang chia sẻ, quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cần thể hiện được hiến pháp của nhà nước. Cần dung hòa nội dung mà không nên cứng nhắc phải dài hoặc quá ngắn. Cần xây dựng quy định thế nào về đạo đức để nếu phóng viên hay Tổng biên tập tờ báo có vi phạm cũng không xử phạt quá nặng hoặc xử phạt chưa đến nơi, đến chốn.
Nhà báo Phan Khắc Hải thì chia sẻ, nhìn lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để thấy rằng, tác động của báo chí là rất lớn. Báo chí có quyền hướng dư luận xã hội. Vì vậy trong tình hình hiện nay, vấn đề đạo đức nói chung và báo chí nói riêng là hết sức cần thiết.
Xu thế hiện nay, báo chí với nhiều tờ báo khác nhau, nhiều đối tượng nhà báo, phương tiện khác nhau, cách làm báo khác nhau…trong khi tôi nhận thấy, vấn đề dân chủ, ngôn luận, tự do báo chí…đang được đề cập hơi ít trong quy định đạo đức người làm báo Việt Nam.
Theo dự thảo do Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, 9 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gồm:
1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
2. Chấp hành nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, công bằng và cân bằng. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không bóp méo, làm sai lệch, xuyên tạc sự thật.
4. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích chính đáng của tập thể và công dân.
5. Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin.
7. Tôn trọng bản quyền. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp.
8. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, phấn đấu vì một nền báo chí đạo đức, chuyên nghiệp và hiện đại.
9. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.