Các nhà khoa học lo ngại những biện pháp hiện tại chưa đủ để ngăn chặn 'ngày tận thế'

Lê Phương (Express) Thứ sáu, ngày 28/01/2022 18:00 PM (GMT+7)
Những biện pháp như tổ chức mái nhà xanh hay công viên thực vật sẽ không đủ để giảm thiểu tác động của thời tiết khắc nghiệt, nghiên cứu mới chỉ ra.
Bình luận 0
Các nhà khoa học lo ngại những biện pháp hiện tại chưa đủ để ngăn chặn 'ngày tận thế' - Ảnh 1.

Nghiên cứu chỉ ra những tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty

"Xanh hóa đô thị" từ lâu đã được biết đến như một cách chống lại biến đổi khí hậu và ngăn thế giới khỏi ngày tận thế về môi trường. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu của Đại học Cardiff đã chỉ ra rằng phần lớn các thành phố trên thế giới sẽ không thể hạn chế các đợt nắng nóng và lũ lụt cùng một lúc thông qua những phương pháp như vậy.

Tiến sĩ Mark Cuthbert thuộc Trường Khoa học Trái đất và Môi trường của Đại học Cardiff, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng khả năng phủ xanh đô thị để giảm thiểu lũ lụt cục bộ và nhiệt độ nóng lên ở một số khu vực là không khả thi".

Các khu vực đô thị này đều có những vùng khí hậu đặc biệt tiềm ẩn rủi ro đáng kể, bên cạnh đó biến đổi khí hậu cũng làm tăng mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Được biết, sóng nhiệt ở các thành phố trên thế giới chủ yếu là do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (urban heat island effect - UHI), nguyên nhân là bởi có quá nhiều bê tông và thép, cả hai đều hấp thụ và giữ nhiệt, ngoài ra còn do thiếu cây xanh giữ nước. Trong khi đó, ngập lụt là hậu quả của hội chứng dòng chảy đô thị (urban stream syndrome - USS), theo đó các hệ thống quy hoạch thành phố có ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy tự nhiên của nước mưa.

Phủ xanh đô thị có thể làm giảm tác động của UHI và USS trong các thành phố, cũng như hỗ trợ động vật hoang dã địa phương, giảm ô nhiễm và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.

Trong nghiên cứu của mình, nhóm đã khai thác mô hình khí hậu toàn cầu và thông tin thời tiết từ 175 thành phố trên khắp thế giới trong suốt 15 năm, từ năm 2000 đến năm 2015. Dữ liệu này được sử dụng kết hợp cùng với các lý thuyết khác để tính toán sự thẩm thấu của nước vào đất, hoạt động giống như một miếng bọt biển để giảm lượng nước mưa cũng như sự bay hơi của nước từ thực vật, từ đó tạo ra hiệu quả làm mát mong muốn.

Tiến sĩ Cuthbert nói: "Điều kiện khí hậu địa phương và khu vực địa lý tác động đáng kể đến khả năng phát triển của đất đô thị và sự phát triển của cây trồng nhằm chống lại lũ lụt và nhiệt độ khắc nghiệt. Trên thực tế, những phát hiện của chúng tôi chỉ ra rằng ở phần lớn các thành phố toàn cầu, việc phủ xanh đô thị sẽ không thể giảm nhiệt độ cũng như hạn chế ngập lụt cùng một lúc".

Các nhà quy hoạch đô thị cần phải cân nhắc để tìm ra giải pháp tốt nhất cho từng thành phố riêng lẻ, với sự cân bằng cần thiết giữa hiệu suất, chi phí và tính khả thi, nghiên cứu lập luận. Tiến sĩ Cuthbert cho biết: "Mặc dù xanh hóa đô thị có thể không phải là thuốc chữa bách bệnh, nhưng kết quả của chúng tôi cho thấy điều này là cần thiết cho các thành phố trong tương lai".

Nghiên cứu do Đại học Cardiff kết hợp với các nhà khoa học tại Đại học New South Wales, Viện Công nghệ Karlsruhe và Đại học Nottingham Trent, công bố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem