Các nhà máy ở Thanh Hóa sang Lào mua loại củ này về chế biến rồi bán cho Trung Quốc

K.Nguyên Thứ ba, ngày 15/02/2022 12:39 PM (GMT+7)
Do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, hiện thị trường giao dịch sắn lát tại khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục sôi động, giá sắn tăng, thậm chí các nhà máy còn phải mua sắn từ Lào về chế biến.
Bình luận 0

Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, giá sắn tăng, các nhà máy mua cả sắn của Lào

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc nên từ đầu tháng 2/2022 đến nay, giao dịch sắn lát tại khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục sôi động.

Nhờ đó, giá sắn tăng từ 50-100 đồng/kg, hầu hết các kho đều đã thu mua sắn trở lại. 

Đơn cử như tại tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn với quy mô 600 tấn sản phẩm/ngày, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất cần tới 250.000 - 300.000 tấn củ sắn tươi.

Trong khi đó, Thanh Hóa hiện có 12.000 ha sắn, với năng suất từ 18 - 20 tấn/ha. Với diện tích và năng suất sắn như trên, Thanh Hóa mới đảm bảo được 60% công suất các nhà máy chế biến.

Do vậy, các nhà máy chế biến sắn ở Thanh Hóa phải thu mua ở các tỉnh khác và nhập khẩu sắn từ Lào để đảm bảo sản xuất. 

Các nhà máy ở Thanh Hóa sang Lào mua loại củ này về chế biến rồi bán cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc nên từ đầu tháng 2/2022 đến nay, giao dịch sắn lát tại khu vực miền Trung và miền Nam tiếp tục sôi động, giá sắn tăng. Trong ảnh: Nông dân Gia Lai thu hoạch sắn. Ảnh: Báo Gia Lai.

Sắn Việt Nam phải cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan ở Trung Quốc

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam.

Trong đó, chỉ riêng mặt hàng tinh bột sắn, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,94 triệu tấn, trị giá 913,37 triệu USD, giảm 5% về lượng nhưng tăng 11,4% về trị giá so với năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 471 USD/tấn, tăng 17,2% so với năm 2020. 

Ngoài tinh bột sắn, Trung Quốc cũng mua nhiều sắn lát và sắn lát khô của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu được 765.380 tấn sắn lát khô sang Trung Quốc, trị giá 193,03 triệu USD, tăng 54,1% về lượng và tăng 80% về trị giá so với năm 2020.

Giá xuất khẩu bình quân sắn lát khô sang Trung Quốc đạt 252 USD/tấn, tăng 16,8% so với năm 2020.

Có thể thấy, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lượng sắn khổng lồ. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 1,52 tỷ USD, tăng tới 95,1% so với năm 2020. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc.

Đối với tinh bột sắn, trong năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 3,48 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,67 tỷ USD, tăng 26,4% về lượng và tăng 48,2% về trị giá so với năm 2020.

Dù Trung Quốc nhập khẩu đến 90% lượng sắn và sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam nhưng hiện thị phần các sản phẩm từ sắn của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc vẫn thấp và phải cạnh tranh với Thái Lan. 

Theo đó, năm 2021, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm so với mức 12,3% của năm 2020. 

Trong khi đó, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 88,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 80% của năm 2020.

Thái Lan cũng là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 2,54 triệu tấn, trị giá 1,23 tỷ USD, tăng 50,3% về lượng và tăng 74,3% về trị giá so với năm 2020.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong năm 2021, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 17,6%, giảm mạnh so với mức 35,6% của năm 2020. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem