Thủy điện Trung Quốc xả nước hạn chế, mặn xâm nhập sớm ở ĐBSCL, chuyên gia cảnh báo điều gì?

Khánh Nguyên (ghi) Thứ sáu, ngày 11/02/2022 11:36 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế, có thể làm mặn xâm nhập sớm ở ĐBSCL. Vậy, tác động của hệ thống thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong ra sao, Dân Việt đã trao đổi với ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT về vấn đề này.
Bình luận 0

Mặn xâm nhập sớm có phải do thủy điện Trung Quốc xả nước hạn chế?

Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện, tại thuỷ điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ 23/1 đến nay trên dưới 700 m3 /s, tương đương với 1 tổ máy phát điện. 

Hiện các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc còn dung tích khoảng 78%, tương đương với tổng dung tích 19,7 tỷ m3. 

Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế do đó dòng chảy còn giảm nhanh là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sớm đầu mùa kiệt 2021-2022.

Thủy điện Trung Quốc xả nước hạn chế, mặn xâm nhập sớm, chuyên gia cảnh báo điều gì? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Dân Việt về tác động của các công trình thủy điện trên lưu vực sông Mekong đến vùng ĐBSCL. Ảnh: I.T

Về hiện tượng này, ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Dân Việt sáng 11/2.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, do các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế dẫn đến mặn xâm nhập sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long đầu mùa kiệt 2021-2022. Dưới góc độ chuyên gia, nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?

- Về nguyên tắc chung, qua số liệu đo đạc nhiều năm cho thấy, các đập thủy điện của Trung Quốc trữ nước vào mùa lũ, xả nước vào mùa khô, dung tích hữu ích của các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc khoảng trên 20 tỷ mét khối.

Như vậy, về nguyên tắc mùa khô sẽ nhiều nước hơn, tuy nhiên, qua quan trắc, giai đoạn tuyết tan Trung Quốc lại có xu hướng trữ nước trong các hồ chứa. Giai đoạn này tương đương với thời kỳ bắt đầu mùa khô ở ĐBSCL nên so với trung bình nhiều năm thì lượng nước vào tháng 12 năm trước, tháng 1 năm sau lại thấp hơn. 

Với những năm ít nước thì mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào đất liền nhưng đến tháng 3 - 4 thì nước sẽ nhiều hơn. Đây là quy luật chung đã được ghi nhận.

Mấy năm gần đây, vùng ĐBSCL ghi nhận tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng bất thường. Theo ông, một phần nguyên nhân dẫn đến những diễn biến cực đoan này có phải do việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên các lưu vực sông Mekong?

- Theo quan điểm của tôi với vấn đề các đập thủy điện cần có cái nhìn một cách khoa học. Thực tế, những năm gần đây (nhất là giai đoạn 2015 - 2020) là những năm hạn, mặn trầm trọng do ảnh hưởng của El Nino vào năm 2016 với tần suất 60 năm xuất hiện một lần. 

Do tác động của El Nino không những hệ thống sông Cửu Long mà cả sông Hồng cũng hạn, tích nước thấp.

Do vậy, không nên cực đoan đổ hết trách nhiệm cho các đập thủy điện. Bởi về mặt khoa học, các hồ đập tích nước vào mùa lũ, xả nước vào mùa khô, điều này đã được ghi nhận ở đập Cảnh Hồng.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, có sự trái quy luật là vào đầu mùa khô ở ĐBSCL thì Trung Quốc lại tích nước nên mặn lấn sâu hơn.

Tôi cho rằng, vấn đề hạn, mặn không phải là tác động lớn nhất mà ĐBSCL đang phải trải qua.

Thủy điện Trung Quốc xả nước hạn chế, mặn xâm nhập sớm, chuyên gia cảnh báo điều gì? - Ảnh 2.

Công trình thuỷ điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) trên lưu vực sông Mekong. Ảnh: AFP.

Về lâu dài, tác động lớn nhất của hệ thống thủy điện đối với vùng ĐBSCL là gì, thưa ông?

- Tác động lớn nhất của các đập thủy điện trên lưu vực sông Mekong chính là trữ lại phù sa bùn cát, góp phần gây nên hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng hạ lưu. Điều này đang diễn ra nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Sụt lún đất, ngoài nguyên nhân do hiện tượng khai thác cát ngầm ngày càng phức tạp còn do lượng phù sa về đồng bằng giảm, gây mất cân bằng cho đồng bằng. Đây mới là vấn đề khó khắc phục.

Theo số liệu Ủy hội sông Mekong đã công bố, lượng phù sa ở sông Mekong đã giảm 6 - 7%, theo 2 kịch bản đến năm 2040, kịch bản xấu lượng phù sa trên các lưu vực sông Mekong giảm đến 97%, kịch bản tốt cũng giảm 85 - 86%. 

Trong khi đó, tình trạng khai thác cát đang diễn ra bừa bãi, quá mức cho phép, lên đến 30 - 40 triệu tấn cát/năm, phù sa về bao nhiêu khai thác hết bấy nhiêu, dẫn đến suy thoái đồng bằng.

Ngày xưa đồng bằng tiến ra biển thì nay biển lại xâm lấn ngược lại. Do vậy, phải có biện pháp hạn chế khai thác cát ở hạ nguồn, nếu không sẽ rất khó kiểm soát tình trạng sạt lở, ngập úng. 

Thủy điện Trung Quốc xả nước hạn chế, mặn xâm nhập sớm, chuyên gia cảnh báo điều gì? - Ảnh 3.

Hạn hán, mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng và phức tạp ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây.

Theo ông, trước những thách thức đặt ra cho đồng bằng, đâu là giải pháp để ĐBSCL phát triển bền vững?

Quy hoạch vùng ĐBSCL đã chia ra 12 tiểu vùng, trong đó có 4 tiểu vùng nước ngọt, 5 tiểu vùng mặn lợ, 3 tiểu vùng mặn.

Giờ là lúc chuyển đổi để thích ứng, chuyển đổi mô hình nông nghiệp, vùng mặn chuyển sang kinh tế mặn thì không lo thiếu nước ngọt.

Thực tế, việc đưa nước ngọt vào đồng bằng có thể làm được nhưng nếu ngọt hóa thì ô nhiễm môi trường sẽ khắc nghiệt vì dòng chảy không lưu thông. Do vậy, phải điều tiết nước linh hoạt.

Công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé được xây dựng chính là để đáp ứng yêu cầu này, thưa ông?

- Chủ trương xây dựng công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé là kiểm soát mặn. Tôi được biết, theo quy trình vận hành công trình này, thời gian đóng cống không nhiều, chỉ 30 ngày/năm, mỗi đợt chỉ trên dưới 1 tuần, giúp điều tiết nguồn nước chứ không phải là để trữ ngọt hoàn toàn.

Hiện, các công trình thủy lợi Nam Mang Thít, Nam - Bắc Bến Tre cũng đi theo quy luật điều tiết này. 

Xin cảm ơn ông !

Các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện, tại thuỷ điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ 23/1 đến nay trên dưới 700 m3 /s, tương đương với 1 tổ máy phát điện.

Hiện các hồ chứa thượng nguồn sông Mekong thuộc Trung Quốc còn dung tích khoảng 78%, tương đương với tổng dung tích 19,7 tỷ m3.

Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế do đó dòng chảy còn giảm nhanh là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sớm đầu mùa kiệt 2021-2022.

Vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP, Cần Thơ có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo tháng 2/2022, mực nước bình quân có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm 20-30 cm.

Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP, Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Tháng 2 mặn với nồng độ 4 g/l có thể xâm nhập sâu 40-50 km; tháng 3 mặn với nồng độ 4 g/l có thể xâm nhập sâu 50-65 km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.

Vùng ven biển ĐBSCL: bao gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập các bản tin dự báo thường xuyên.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo, để đề phòng các rủi ro do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó ngay từ đầu mùa khô. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem