Bộ GDÐT khuyến khích hai đại học quốc gia (ÐHQG) mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực do các trung tâm khảo thí tổ chức để các trường ÐH có thể lấy kết quả xét tuyển sinh. Tuy nhiên, việc các trường ÐH có sử dụng hay không lại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của hai ÐHQG.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng Đào tạo - ĐHQG TPHCM, cho hay năm tới vẫn sẽ tổ chức 2 đợt thi; tùy tình hình sẽ quyết định có tổ chức thêm đợt thi hay không. Năm 2022, tiếp tục phối hợp nhiều đơn vị trong và ngoài ĐHQG TPHCM để tổ chức thi, cân nhắc mở rộng phạm vi, tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh. Năm 2021, kỳ thi đã mở rộng ra tới các tỉnh Tây Nguyên.
Ông Chính nói đã trao đổi với ĐHQG Hà Nội, có khả năng 2 bên sẽ cùng tổ chức một số điểm thi ở các tỉnh phía Bắc. Mục tiêu là đưa kỳ thi đến thí sinh thuận lợi nhất. Đợt thi đầu tiên của ĐHQG TPHCM dự kiến được tổ chức cuối tháng 3/2022. Đợt 2 thường được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 7. Mốc này có thể được điều chỉnh tuỳ tình hình thực tế.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐHQG Hà Nội, cho biết, năm 2022, đợt thi sớm nhất dự kiến được tổ chức sau Tết nguyên đán khoảng 20 ngày, sau đó rải rác đến tháng 8/2022. Cách thức, nội dung thi sẽ không khác biệt so với năm 2021.
Nhiều trường mới chỉ chú trọng tuyển đủ
GS Nguyễn Tiến Thảo cho hay, hiện nay mục tiêu chính của kỳ thi là phục vụ ĐHQG Hà Nội tuyển sinh. Trung tâm Khảo thí đang lên kịch bản và liên hệ với các địa phương có lượng lớn thí sinh đăng ký vào ĐHQG Hà Nội để mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi. Khi nào các trường ĐH khác đặt vấn đề chính thức, trung tâm khảo thí mới phát triển các vùng tiếp theo.
Theo ông Thảo, không phải tất cả thí sinh đều đi thi đánh giá năng lực và không nhất thiết trường nào cũng phải dùng kết quả thi này. Điểm thi tốt nghiệp THPT hiện nay cũng đã đáp ứng phần nào nhu cầu tuyển sinh của các trường.
Những trường có mức điểm chuẩn dưới 22-24 điểm không nhất thiết phải sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực. Đối với những trường có một vài ngành “hot”, tỉ lệ chọi cao nên kết hợp lấy bài thi đánh giá năng lực đã được tổ chức chuyên nghiệp để tiết kiệm được nguồn lực xã hội.
Các bài thi đánh giá năng lực không có quy định về thời hạn sử dụng, tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, sẽ sử dụng kết quả của bài thi không quá 36 tháng. Việc sử dụng kết quả trong mốc thời gian nào là do đơn vị sử dụng quyết định.
TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định, ĐHQG TPHCM hoàn toàn không tổ chức luyện thi, không khuyến khích học sinh đi học luyện thi. Ông cho hay, các kỳ thi tuyển sinh riêng hiện nay đánh giá năng lực tổng quát để học ĐH.
Tuy nhiên, muốn chọn chính xác, tổng quát hơn, cần thêm một thước đo nữa, ví dụ ngành Y nên bổ sung đánh giá về đạo đức, sự hướng thiện, đức hi sinh, tính cống hiến. ĐHQG TPHCM sẽ làm việc với các trường ĐH, các Sở GD&ĐT địa phương để cùng phân tích tình hình; căn cứ bối cảnh thực tế sẽ quyết định địa điểm thi và cách phối hợp tổ chức trong năm 2022 nhưng chắc chắn có mở rộng hơn năm 2021, ông Chính nói.
Tuyển sinh luôn hướng đến 2 mục tiêu tuyển đủ và tuyển đúng. Hiện chỉ một số trường, một số ngành thực sự quan tâm đến tuyển đúng, còn đa số hướng đến tuyển đủ, dẫn tới chất lượng đào tạo giảm, các chuyên gia nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.