Lực lượng đặc nhiệm Ấn Độ trong một buổi lễ duyệt binh.
Theo Times of India, quân đội Ấn Độ tuyên bố cả hai bên Trung-Ấn đều rút quân khỏi khu vực tranh chấp Doklam, thuộc lãnh thổ Bhutan sẽ là cách ‘giữ thể diện tốt nhất”.
Nhưng trong trường hợp chiến tranh tổng lực hay xung đột quy mô nhỏ xảy ra, Ấn Độ luôn có phương án đảm bảo khả năng chiếm lợi thế tuyệt đối so với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Times of India nhấn mạnh lại lời nói của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj: “Hai nước láng giềng không nên chiến tranh. Cả hai bên rút quân sẽ là cách để giữ thể diện trên trường quốc tế”.
Nhưng Trung Quốc vẫn không chịu hạ nhiệt căng thẳng, ít nhất là trong lập trường công khai. Tuần trước, các trang tin tức chính thống và Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đều gửi thông điệp cứng rắn, cảnh báo chiến tranh. Bắc Kinh cũng tập trận bắn đạn thật rầm rộ ngay sát biên giới Ấn Độ.
Times of India dẫn lời quan chức quân đội cho biết, ở khu vực cao 3.300 mét so với mực nước biển, 300-350 binh sĩ hai bên ngày đêm trừng mắt nhìn nhau ở khoảng cách 150 mét.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung.
Hai bên đều xây dựng tuyến phòng thủ, dựng lều và thiết lập cơ sở hậu cần. “Quân Trung Quốc ở Doklam được sự hỗ trợ của 1.500 binh sĩ khác, tạo thành 3 lớp vững chắc. Họ thường dùng loa công suất lớn để phát đi thông điệp tuyên truyền, xua đuổi quân Ấn Độ”, nguồn tin nói trên Times of India.
Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, lực lượng Ấn Độ trong khu vực lên tới 3 sư đoàn (khoảng 30.000 quân) sẽ ngay lập tức có mặt trấn áp lính Trung Quốc.
Đây là con số đáng kể so với 8.500 lính đóng ở Sikkim, giáp Doklam mà Times of India công bố hồi tháng trước.
“Chúng tôi phải xây dựng tiền đồn vững chắc để cố thủ. Quân Trung Quốc thì không cần như vậy vì họ có tuyến đường hiện đại, giúp huy động quân đội nhanh chóng”, nguồn tin quân sự nói.
Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ huy động gấp 3 quân số Trung Quốc có mặt ở Doklam, dù Bắc Kinh có điều thêm bao nhiêu quân đến điểm nóng tranh chấp. Nếu nguy cơ chiến tranh được đẩy lên mức cao trào, tỷ lệ này sẽ là 9:1 trong môi trường tác chiến vùng núi. “Quân đội của chúng tôi chiếm ưu thế phòng ngự hơn và luôn sẵn sàng cho chiến tranh lâu dài”.
Đây được coi là kinh nghiệm "xương máu" của Ấn Độ khi chỉ duy trì lực lượng mỏng, dẫn đến thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962.
Cuối cùng, nguồn tin quân đội Ấn Độ nói các binh sĩ đều biết đến những lời đe dọa cứng rắn của Trung Quốc trong những ngày qua. Các binh sĩ Ấn Độ đều hết sức kiềm chế và duy trì trạng thái cảnh giác cao độ.
Mâu thuẫn biên giới lên tới đỉnh điểm khi 80.000 quân Trung Quốc tràn vào Ấn Độ, mở đầu chiến tranh biên giới Trung-Ấn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.