Với người Việt Nam, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình. Đây là bữa cơm đoàn viên, gắn kết mọi thành viên, các thế hệ trong nhà. Theo quan niệm xưa, gia đình nào càng đông đủ các thế hệ cùng dự bữa tất niên chứng tỏ gia đình đó “phúc lộc đề đa”, càng có nhiều may mắn.
Trao đổi với Dân Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ sum vầy, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới, mời Ông Công Ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản việc bếp núc.
Sau bữa cơm tất niên còn là lúc mọi người trong gia đình sửa soạn cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.
"Mục đích cúng tất niên là để dâng lên thần thánh, tổ tiên mâm cỗ để mời liệt vị về chứng giám và hâm hưởng. Mục đích nữa là tổng soát quá trình chuẩn bị trước Tết và tập trung con cháu trong nhà dặn dò những điều cần làm hoặc cần kiêng trong những ngày đầu năm mới" - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho hay.
Mâm cỗ thì bày cỗ mặn, cỗ chay hoặc cả hai đều được. Hương hoa, trà quả thì không thể thiếu. Cỗ mặn bày biện cẩn thận, đầy đủ hoặc thịt lợn, thịt gà, măng miến, xào rán. Cỗ chay có bánh trái sạch sẽ. Nhiều ít thì tính sao cho vừa hoàn cảnh của từng gia đình.
Mục đích cúng tất niên là để dâng lên thần thánh, tổ tiên mâm cỗ để mời liệt vị về chứng giám và hâm hưởng. Ảnh: Đ.V
Chuẩn bị xong cỗ thì bày trên bàn thờ gia tiên rồi lễ vái. Thông thường, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình. Hiện nay để cho giản tiện, nhiều gia đình gộp chung lễ cúng tất niên với lễ cúng giao thừa.
Tuy nhiên, ông Vĩ cũng lưu ý: "Tất nhiên, mẫm cỗ cúng tất niên cũng nên tùy hoàn cảnh mà làm, không nên hùa theo nhau mà mất tự do, cũng đừng thái quá mà tốn kém. Lễ bạc mà tâm thành thì vẫn đủ an lòng. Thanh thần tiên tổ cũng chỉ mong có vậy".
*Thông tin mang tính chất tham khảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.