Cách xóa nghèo ở Liệp Tè

Kiều Thiện Chủ nhật, ngày 13/07/2014 06:29 AM (GMT+7)
"Cán bộ hội chỉ cho chúng tôi nhiều cách làm ăn hay để có thu nhập cao và ổn định, tổ chức cho chúng tôi tham gia nhiều lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư để phát huy năng lực xoá nghèo" - anh Lò Văn Hôm, bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, Sơn La, tâm sự.
Bình luận 0

Liệp Tè là xã vùng sâu của huyện Thuận Châu, cách trung tâm huyện hơn 40km, giao thông nhiều khó khăn. Xã có 15 bản thì tới 13 bản tái định cư Thuỷ điện Sơn La, nên đất sản xuất rất hạn chế; đặc biệt, diện tích ruộng chỉ có chưa đầy 10ha.

Sản xuất hàng hóa, con đường xóa nghèo

Ông Lò Văn Nún - Chủ tịch Hội ND xã cho biết: Khó khăn nhiều nhưng chúng tôi đã xác định phải phát huy nội lực để vươn lên. Chính sách đầu tư cho người dân tái định cư đã tháo gỡ được nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng trong xã. Vấn đề là phải phát huy được nội lực người dân, tạo bứt phá để vươn lên xoá đói nghèo. Sản xuất hàng hoá là con đường xoá nghèo nhanh nhất và bền vững nhất.

Với quan điểm đó, Hội ND xã đã vận động hội viên khai thác tối đa những lợi thế của địa bàn để tạo ra những nông sản có giá trị cao với số lượng lớn. Với diện tích lúa nước chỉ chiếm 1/500 đất nông nghiệp của xã nhưng Hội ND đã vận động bà con khai thoáng kênh mương, dẫn nguồn nước chủ động để sản xuất được cả 2 vụ, áp dụng giống lúa mới và kỹ thuật thâm canh vào sản xuất, nâng cao năng suất lúa.

Thu nhập chính của bà con các dân tộc trong xã là diện tích đất nương với gần 1.000ha ngô lai, hơn 500ha sắn, hàng chục ha lúa và hàng trăm ha cây ăn quả. "Đất nương dẫu có cằn cỗi nhưng chăm bón tốt thì vẫn cho thu hoạch cao, cán bộ hội đã bảo vậy và chúng tôi cũng hưởng ứng nhiệt tình. Từ khi áp dụng những kiến thức khuyến nông như cán bộ nói, năng suất ngô lai, sắn và lúa nương tăng cao hẳn. Thế mới biết trước đây mình nghèo cũng vì không chịu học tập những cái hay, cái mới… " - lão nông Lò Văn Chựa ở bản Ban Xa, bảo vậy.

Người nghèo có cách làm ăn riêng

Đó là cái lý của ông Quàng Văn Pành, dân bản Ta Mạ khi tôi thắc mắc tại sao đàn dê của nhà ông cũng như nhiều hộ khác trong bản có sự phong phú về độ tuổi, trọng lượng. Ông Pành bảo: Người nghèo có cách phát triển chăn nuôi của người nghèo. Không thể đủ vốn để mua một lúc cả chục con dê thì cứ mua lấy một cặp, khi có vốn hoặc dê đẻ thì nhân đàn lên. Trong đàn lúc nào cũng phải có con to, con nhỏ để nếu bí tiền có bán một vài con để lấy tiền chi tiêu cũng không bị mất đàn. Con gà, con lợn, con bò cũng vậy thôi, ít vốn mà muốn phát triển được nhiều thì phải chia ra thành nhiều giai đoạn theo kiểu tiết kiệm mà nên. Đấy là cách cán bộ dạy cho dân nghèo chúng tôi đấy.

Bên bản Tát Ướt, anh Lò Văn Hôm đang tranh thủ đất ẩm sau trận mưa rào để trồng mấy chục khóm chuối và xoài, anh bảo: Chỗ đất này trước đây chỉ có vài cây móc trai, cho quả ít và không kinh tế nên tôi chặt bỏ. Trồng vào đây mấy chục khóm chuối, chỉ mấy tháng sau là có quả ăn, có lá để làm thức ăn cho trâu, bò khi mùa đông tháng giá. Còn xoài này là giống xoài trứng ngon nổi tiếng ở Yên Châu tôi mới mua về. Bây giờ trồng cây ăn quả phải tính tới nhu cầu khách hàng, họ không chỉ cần số lượng nhiều mà đặc biệt quan tâm tới chất lượng, không ngon, không đẹp là khó bán lắm.

  Theo số liệu của Hội ND xã, đến nay, đàn gia súc của Liệp Tè đã lên đến gần 4.000 con, hàng chục ngàn con gia cầm, sản lượng ngô hàng năm lên tới hơn 6.000 tấn và hàng chục tấn hoa quả tươi theo mùa vụ. Ngoài ra, nghề nuôi thuỷ sản cũng đang phát triển với hàng chục lồng cá, góp phần làm phong phú nông sản trên địa bàn và thiết thực giúp ND xoá nghèo, làm giàu.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem