Cải cách tiền lương: Tiền lương công chức sẽ "chạy" nhanh hơn
Cải cách tiền lương: Tiền lương công chức sẽ "chạy" nhanh hơn người lao động khu vực tư?
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 24/11/2023 13:00 PM (GMT+7)
Cải cách tiền lương một cách toàn diện ở cả khu vực công lẫn khu vực tư sẽ khiến bức tranh tiền lương của Việt Nam được cải thiện đáng kể, hướng tới tăng trưởng công bằng, khách quan hơn.
Theo quan sát của các chuyên gia tiền lương, bức tranh tiền lương của Việt Nam đang nghiêng về khu vực tư. Hiện nay tiền lương trung bình của lao động ở khu vực tư rơi vào từ 7-8 triệu đồng/tháng, trong khi đó, tiền lương trung bình của khu vực công chỉ rơi vào khoảng 4-5 triệu đồng/tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thôi thúc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng: "Việc cải cách tiền lương ở các nhóm khác nhau cũng cần được tiếp cận đồng bộ. Nhiều năm qua chúng ta cũng đã tăng cả lương tối thiểu vùng (khu vực tư) và lương cơ sở (khu vực công). Nhưng nhìn chung lương tối thiểu vùng thì tăng nhanh và tăng tốt hơn lương cơ sở và thực tế những năm gần đây tiền lương cơ sở tăng ít hơn".
Do vậy sắp tới, việc cải cách tiền lương chủ yếu được thực hiện khu vực công chức, viên chức (khu vực công), hướng tới bỏ hệ số lương, bỏ mức lương cơ sở. Điều này có thể thu hẹp khoảng cách tiền lương ở khu vực công - tư, tiền lương của khu vực công sẽ chạy nhanh, xích lại gần hơn với khu vực tư.
"Tuy nhiên, cũng cần phải suy nghĩ bởi vì khi cải cách tiền lương, tiền lương khu vực công có thể được tăng nhanh hơn nhưng những năm tới có thể tiền lương ở khu vực tư có thể sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Vấn đề này cũng đã được trung ương cân nhắc kỹ để đảm bảo hài hòa. Chúng tôi cũng lưu tâm những khó khăn của công nhân, lao động và tìm giải pháp để tháo gỡ thông qua thương lượng tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng", ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cũng cho biết, Công đoàn cũng đang nghiên cứu đến giai đoạn phù hợp sẽ để đề xuất tăng lương cho lao động khu vực doanh nghiệp.
Sẽ kiến nghị tăng tiền lương tối thiểu vùng cùng thời điểm cải cách tiền lương từ 1/7/2024
Chia sẻ thêm về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng, ông Ngọ Duy hiểu cho biết việc nghiên cứu tham gia thương lượng tiền lương gắn với việc theo dõi sức khỏe doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh doanh nghiệp đang rất khó khăn nên chúng tôi chưa đặt ra vấn đề thương lượng dù chúng tôi cũng rất thấu hiểu khó khăn của người lao động, điều kiện thực tế chưa chín mùi.", ông Hiểu nói.
"Mặc dù bức tranh tiền lương hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, tiền lương khu vực tư đang cao hơn khu vực tư. Nhưng bức tranh tiền lương ở Việt Nam trong 5-10 năm tới sẽ hướng tới công bằng, khá giả".
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Cũng theo ông Hiểu, hiện nay việc tìm căn cứ thương lượng tiền lương cơ sở gặp nhiều khó khăn. "Việc cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Tổng cục Thống kê chưa công bố mức sống tối thiểu đang gây ra những khó khăn rất lớn cho Hội đồng tiền lương quốc gia, khi mà hiện nay chúng tôi chỉ có thể dựa vào những đề xuất của bộ phận kỹ thuật", ông Hiểu chia sẻ thêm.
Theo cách tính của Bộ phận kỹ thuật - Hội đồng tiền lương thì mức sống tối thiểu một tháng của lao động gồm chi phí dành cho lương thực, thực phẩm chiếm 48% và phi lương thực, thực phẩm chiếm 52%. Chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% của người lớn. Trước mỗi kỳ đàm phán, phía công đoàn nhiều lần cho rằng công thức tính này đã cũ, duy trì hàng chục năm nên đề xuất điều chỉnh. Hiện đời sống phát triển, chi phí cho nhóm phi lương thực phải được nâng lên, giảm phần chi phí cho lương thực. Tuy nhiên, thực tế việc tính toán này chưa được thực hiện vì không có căn cứ.
Công đoàn mong rằng Tổng cục Thống kê trên cơ sở nhiệm vụ được giao từ Nghị quyết 27 và nhiệm vụ Thủ tướng giao có thể sớm nghiên cứu công bố mức sống tối thiểu hàng năm để các bên có căn cứ, cơ sở thực hiện đàm phán.
"Đây không chỉ là trách nhiệm của Tổng cục Thống kê mà còn là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương có thể thương lượng để tính mức lương tối thiểu cho lao động. Khi có mức sống tối thiểu thì lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện bằng những căn cứ khoa học có tính thuyết phục cao hơn", ông Hiểu khẳng định.
Trước đó, ông Tống Văn Lai - Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương Bộ LĐTBXH cho biết, sau phiên thương lượng tiền lương vào tháng 8 ở Quảng Ninh, Hội đồng tiền lương chưa thể khởi động lại phiên thương lượng được. Nhiều khả năng, việc tăng lương tối thiểu khó có thể triển khai từ đầu năm 2024.
Ông Lai cũng cho biết, dự kiến khi cải cách tiền lương (từ năm 2025), tiền lương ở khu vực công chức, viên chức mỗi năm tăng bình quân 7%. Nếu vậy, tỷ lệ điều chỉnh lương tối thiểu khu vực tư thấp nhất cũng phải xấp xỉ mức này. Bởi ngoài bù trượt giá cần tính nhiều yếu tố khác sau gần hai năm chưa điều chỉnh. Nhiều khả năng việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng sẽ được tiến hành cùng thời điểm thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.