Cái chết của chị công nhân môi trường có là lời cảnh tỉnh?

Mỹ Hằng Thứ hai, ngày 29/04/2019 13:25 PM (GMT+7)
Hầu hết những người công nhân môi trường đều vô danh với chúng ta, cho đến khi xảy ra vụ xe điên đâm chết chị Lê Thị Thu Hà.
Bình luận 0

Trong khu tập thể của tôi có một cậu công nhân môi trường khá trẻ, từ vài năm  nay vẫn đánh kẻng thu rác cho cả khu. Nhưng suốt nhiều năm tôi mới nhận ra rằng, tôi chưa hề biết mặt cậu bởi chiếc khẩu trang luôn che kín mặt. Cũng giống như cậu, hầu hết những người công nhân môi trường đều vô danh với chúng ta, cho đến khi xảy ra vụ xe điên đâm chết chị Lê Thị Thu Hà.

img

Hiện trường vụ tai nạn.

"Những đêm hè/ Khi ve ve đãngủ/ Tôi lắng nghe/ Trên đường Trần Phú/ Tiếng chổi tre/ Xao xác hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác...".

Ngoại trừ bài thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về chị lao công tôi đã đọc từ khi còn nhỏ, đến giờ có lẽ chẳng thấy tác phẩm nào viết về nghề quét rác nữa.

Hà Nội giờ cũng chẳng còn là Hà Nội khi Tố Hữu viết bài thơ "Tiếng chổi tre" những năm 1960. Xã hội thay đổi, kinh tế phát triển cùng sự tiêu dùng bùng nổ đã khiến rác thải ở Hà Nội chẳng còn là bụi đường, lá khô, hoa héo, mà đã trở thành những đống hỗn tạp, hôi hám bẩn thỉu khổng lồ, luôn sẵn sàng đe dọa cuộc sống của người đô thị.

Nghề lao công hẳn chẳng ai muốn chọn nếu không vì mưu sinh. Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, tiếp xúc với khói bụi và đủ thứ rác thải độc hại, ròng rã đêm hè nóng nực hay đêm đông giá rét, giữa đường phố xe cộ nườm nượp đầy nguy cơ tai nạn giao thông cho tới lúc khuya khoắt chẳng nói trước được về an ninh, những công nhân môi trường vẫn chăm chỉ, nhẫn nại để hôm sau người dân có đường phố sạch đẹp hàng ngày. Thế nhưng họ luôn bị coi là một nghề nhỏ bé, bị xem thường, có khi còn bị mắng chửi, bị đánh.

Đầu mùa hè năm 2017, một chị nhân viên vệ sinh môi trường khi đang tuyên truyền nhắc nhở người dân đổ rác đúng quy định thì bị một cặp vợ chồng lao vào hành hung đến ngất xỉu tại chỗ. Chuyện xảy ra ngay ở phố Nguyễn Hữu Huân, giữa lòng thủ đô, chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chừng vài trăm mét. Kẻ đánh người sau đó đã bị khởi tố.

Tháng 10.2017, một nam nhân viên môi trường đang thu gom rác  ở phố Giảng Võ, đánh rơi một túi rác khi đang đẩy xe, thì bị một bảo vệ nhà hàng gần đó nhặt túi rác ném vào người.

Còn những kẻ buông lời lẽ mạt sát khi bị công nhân môi trường nhắc nhở, hay những hành động kiểu đứng từ xa hay từ trên gác quăng túi rác vào xe, rác rưởi rơi vãi lung tung thì nhiều người đã gặp.

Ở khu tập thể của tôi, trước đây mọi người hay tập trung rác ở bốt điện đầu ngõ, rồi cậu công nhân sẽ nhặt các túi rác cho vào xe thu gom. Nhưng hai năm nay việc đổ rác theo giờ đã được triển khai, bốt điện được vẽ hoa, đặt các chậu cây cảnh, cậu công nhân cũng đỡ vất vả hơn chút.

Nhưng ở nhiều đường phố vẫn thường xuyên thấy việc bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định. Xe rác đi qua lâu rồi nhưng sau đó lại xuất hiện những túi rác mới chất đống bên lề đường. Quy định xử phạt có nhưng chẳng thể thực hiện nếu ý thức của người dân không thay đổi.

img

Công nhân vệ sinh phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, tiếp xúc với rác thải độc hại, trên đường phố đông xe cộ giữa lúc đêm khuya.

Cậu công nhân môi trường chỗ tôi còn nhận thêm việc quét cầu thang cho khu tập thể, nơi mà "cha chung không ai khóc", chiều thứ bảy có kẻng vệ sinh nhưng chỉ thấy các bà già cầm chổi ra khua. Có lần tôi hỏi cậu, sao công ty không tuyên truyền mạnh việc phân loại rác, cậu chỉ cười, và đến lúc đó tôi mới nhận ra mình không hề biết mặt cậu bởi chiếc khẩu trang che kín mặt, trừ đôi mắt rất sâu.

Quanh năm, thường chỉ có tối 30 Tết, những người công nhân môi trường mới được thăm hỏi, được nhắc đến nhiều hơn khi nhà nhà người người sum họp đón năm mới.

Nói chung, những người quét rác hầu hết đều vô danh trước sự vô tâm của người đời như thế.

Cho đến cái chết của chị Lê Thị Thu Hà, nữ công nhân môi trường bị một kẻ say rượu lái xe đâm chết trên đường Láng khi đang làm việc tối 22.4 vừa qua.

Lòng nhân ái vẫn là cốt lõi của đời sống. Rất nhiều người, thương cảm trước cái chết nghiệt ngã của chị, đã tới gia đình thăm hỏi, động viên, quyên góp cho hai cậu con trai và mẹ già của chị.

Nhưng giá như sự cảm thông chia sẻ với các anh các chị lao công không chỉ dừng lại ở đó. Giá mà lúc này chúng ta nghĩ nhiều hơn đến sự vất vả của nghề quét rác để mà đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, phân loại rác cho sạch sẽ hơn, và nhất là có thái độ tôn trọng hơn với những người làm nghề vất vả thuộc loại nhất nhì trong xã hội.

Sự ra đi của chị Hà như một lời cảnh tỉnh, rằng chúng ta có thể làm những điều tử tế hơn, dù rất nhỏ mọn nhưng sẽ làm cho cuộc sống của chính chúng ta tốt đẹp hơn và thể hiện sự tôn trọng nhiều hơn với những người làm công việc thầm lặng đó. Thật ra sự thay đổi đó rất dễ, chỉ cần chúng ta đừng vô tâm như chúng ta đang thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem