Cái chết oan khuất rúng động của cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ

Khánh Trường - Kim Lân (theo Du Địch) Chủ nhật, ngày 24/05/2020 21:30 PM (GMT+7)
Hơn 9 giờ tối ngày 17/10/1969, sân bay Khai Phong, Trung Quốc đón một chiếc máy bay có sứ mệnh đặc biệt. Trong những năm tháng rối ren lộn xộn, các nhân viên y tế hộ tống nhận “nhiệm vụ khẩn cấp”, mang một tâm trạng sợ hãi không yên, trèo lên thang máy bay, chẳng ai rõ việc gì, họ sẽ nhận một bệnh nhân như thế nào.
Bình luận 0

Sau khi bước vào khoang máy bay, đập vào mắt mọi người là tình cảnh như thế này: trong khoang phía sau đặt một cái cáng cứu thương, một cụ già tóc bạc trắng nằm trên đó. Mặt cụ gầy đét, xanh xao, hai mắt nhắm nghiền, mũi cắm ống nuôi. Trên người cụ không mặc quần áo, toàn thân đắp một cái chăn. Tất cả dấu vết chứng tỏ cụ đã bị suy nhược đến cực độ, nếu không phải là thở yếu ớt thì mọi người sẽ nghĩ là cái thân hình này đã mất đi sự sống. Nhân vật bí hiểm này được máy bay chở đến rốt cuộc là ai? Khi ánh  mắt của nhân viên y tế hộ tống dừng trên nét mặt quen thuộc của cụ, trong lòng họ không giữ được nỗi kinh sợ, dù cho nét mặt đó đã thay đổi rất nhiều, nhiều nốt đồi mồi của người già đã che đi màu da cũ, nhưng họ vẫn nhận ra: Cụ chính là Phó chủ tịch BCHTƯ Đảng Cộng sản (ĐCS) TQ, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ.

Vén màn bí ẩn cái chết của cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ (ở giữa)

Những ngày cuối đời

Lưu Thiếu Kỳ nằm bất động trên cáng cứu thương, để mặc họ khênh xuống máy bay, đưa vào xe cứu thương. Đêm tối đen như mực, chiếc xe cứu thương chạy vào thành phố trong gió rét. Nhưng chiếc xe cứu thương không theo lệ thường như đưa bệnh nhân vào bệnh viện, mà theo lệnh của bên hữu quan chạy vào đỗ trong một cái sân lớn của Ủy ban thành phố Khai Phong trước kia, tại phía tây đường phố Bắc Thủ, Khai Phong. Đó là một cái sân xung quanh có nhà cao tầng, tựa như giếng trời vậy, trước giải phóng là tòa nhà ngân hàng. Tòa nhà 3 tầng đứng đối mặt cao vút, kiến trúc rất kiên cố, bức tường cao của sân trông rất nghiêm ngặt. Hôm nay lại tăng thêm canh gác, đội quân hùng hậu trấn giữ, làm cho sân bao trùm một bầu không khí u ám.

Sau khi chiếc xe cứu thương chạy vào trong sân, Lưu Thiếu Kỳ bị khiêng vào một phòng tòa nhà lầu phía tây. Hộ lý và đồng chí Lý, nguyên vệ sĩ trưởng, tùy tùng từ Bắc Kinh, theo chiếc cáng vào phòng, thấy trong phòng chỉ có một chiếc giường đơn và một chiếc bàn gỗ nhỏ, ngoài ra chẳng có bày biện gì khác. Ở đây chỉ có thể gọi là phòng giam trong nhà tù, mà phạm nhân không phải là ai khác ngoài Lưu Thiếu Kỳ đã nằm liệt không dậy được.

Thực tế, Lưu Thiếu Kỳ lúc đó bệnh đã nặng lắm. Vốn dĩ khi ở Bắc Kinh, vì viêm phổi nặng cộng với sự giày vò về tinh thần nên Lưu Thiếu Kỳ đã không đứng lên được. Qua thời gian dài trở mình trằn trọc, Lưu Thiếu Kỳ đã thở rất yếu, chốc lại thở hắt ra và kèm theo ho, hình dáng tiều tụy, da bọc xương. Ông cụ ngủ suốt ngày mê mệt, lúc tỉnh dậy chẳng nói một lời, ánh mắt không hồn, mặt không có biểu hiện gì. Do thân thể bị hủy hoại trong thời gian dài, ông cụ đã mất khả năng khống chế đại tiểu tiện, đến trở mình cũng không có sức, hoàn toàn dựa vào việc nuôi qua đường mũi để duy trì sinh mệnh...

Đêm 10/11/1969, Lưu Thiếu Kỳ lại sốt cao, đến 5 tiếng đồng hồ sau mới rút cái đo nhiệt độ ra, nhiệt độ thân thể là 39,7oC, tuy không thể chẩn đoán là viêm phổi, nhưng theo cách chữa trị viêm phổi thì vẫn không được phép chở đến bệnh viện cứu chữa. Đến đêm 11, thì hai môi Lưu Thiếu Kỳ đã tím ngắt, phản ứng hai con ngươi không còn nữa, nhiệt độ thân thể lên đến 40,1oC, nhưng mãi đến 6 giờ 40 phút ngày 12 mới có thông báo bệnh tình nguy kịch. 5 phút sau, trái tim của Lưu Thiếu Kỳ ngừng đập, vị Chủ tịch nước CHND Trung Hoa đi hết lộ trình của một đời người cô độc, không có một người thân bên cạnh!

Sau khi Lưu Thiếu Kỳ từ trần, nguyên vệ sĩ trưởng, lão Lý đã về Bắc Kinh nay được cử quay trở lại, cắt tóc trắng dài hơn một thước của ông cụ, mặc cho ông cụ bộ quần áo hết sức bình thường. Tiếp đó, thi hài của ông cụ bị khiêng đến ngôi nhà một tầng mái cong tòa nhà lầu phía tây để chụp ảnh, sau đó khiêng đến đặt trong một phòng nhỏ hơn cũng ở trong sân đó.

0 giờ đêm 14, có 6, 7 người đưa thi thể của Lưu Thiếu Kỳ lên một chiếc xe Gaz 69 kiểu xe Jeep được coi là chiếc xe tang, thùng xe hơi ngắn so với chiều dài thân thể ông cụ thành thử hai chân thò cả ra ngoài. Chiếc xe ấy chở thi hài của Lưu Thiếu Kỳ đến nơi hỏa táng nằm ở ngoại ô phía tây thành phố Khai Phong.

Trước đó, nơi hỏa táng đã sớm nhận được thông báo, nói là có một "người chết mắc bệnh truyền nhiễm nặng" phải hỏa táng vào ban đêm, yêu cầu nơi hỏa táng chỉ để lại 2 công nhân. Sau khi chiếc xe chở thi thể đến nơi hỏa táng, hơn 20 quân nhân đặt nơi hỏa táng nho nhỏ này trong tình trạng giới nghiêm. Còn thủ tục hỏa táng do nhân viên trong tổ chuyên án đến từ Bắc Kinh lo liệu. Trong đơn xin hỏa táng tại nơi hỏa táng thành phố Khai Phong, họ điền vào nội dung như sau:

Tên chữ: Số 316.

Tên, họ người chết:                   Lưu Vệ Hoàng.

Giới tính: Nam.

Tuổi:     71.

Dân tộc: Hán.

Trú quán: Hồ Nam.

Nghề nghiệp của người chết: Không nghề nghiệp.

Nguyên nhân chết:                    Chết vì bệnh.

Ngày hỏa táng: 0 giờ ngày 14/11/1969.

Xử lý tro cốt:    Để nơi hỏa táng.

Tên họ người xin: Lưu Nguyên.

Quan hệ với người chết: Bố con.

Địa chỉ người xin: Bộ đội 8122.

Ngày đăng ký: 0 giờ ngày 14/11/1969.

Người xin đóng dấu hoặc ký tên: Lưu Nguyên.

Số hộp tro cốt: 123.

Hai công nhân hỏa táng dùng vải trắng quấn chặt đầu và mặt người chết bị coi là mắc bệnh truyền nhiễm nặng rồi đẩy vào lò thiêu, khi đó họ không tài nào biết được đó chính là vị Chủ tịch nước hết lòng tận tụy nhưng lại bị oan khuất lớn lao. Là một người vô sản, người hiến dâng tất cả cho nhân dân mà người yêu quý. Người đem tất cả hiến dâng cho Đảng cộng sản lãnh đạo nước Trung Hoa mới. Song Người đã bị chụp cho 3 cái mũ: "Kẻ phản bội, nội gian (gián điệp), công tặc", bị khai trừ Đảng vĩnh viễn. Người bị mang tội danh "Phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa lớn nhất toàn quốc" để rồi chết oan uổng. Từng làn khói trắng đã cuốn đi thân thể của Người.

Tro cốt của Lưu Thiếu Kỳ được đựng trong một chiếc hộp gỗ bình thường mua từ cửa hàng bán hộp đựng tro cốt, đồng thời được đặt trong phòng chứa hộp tro cốt của nơi hỏa táng Khai Phong. Nơi hỏa táng không ai biết được hộp tro số 123 là tro cốt của ai, mà những người thân của Lưu Thiếu Kỳ càng không thể biết được Lưu Thiếu Kỳ sống chết thế nào. Không những thế, chính ngay những người dân của Trung Quốc cũng không biết Lưu Thiếu Kỳ đã đi hết con đường nhân sinh gập ghềnh của Người, bởi lẽ Đại Cách mạng văn hóa (CMVH) "chưa hề có trong lịch sử" vẫn tiến hành đấu tranh phê phán Lưu Thiếu Kỳ.

Tiếng nói chính nghĩa

Trong những năm tháng sau ngày Lưu Thiếu Kỳ mất, sự thực đanh thép đã bào đi từng lớp da vẽ cách mạng của một số tập đoàn phản cách mạng. Tháng 9/1971, tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu diệt vong. Tháng 10/1976, tập đoàn phản cách mạng do Giang Thanh cầm đầu bị tiêu diệt. Cuộc nổi loạn 10 năm của Đại CMVH đến đây kết thúc.

Tháng 12/1978, Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị toàn thể BCHTƯ lần thứ 3 khóa XI, bắt đầu nghiêm túc sửa chữa toàn diện sai lầm "tả" khuynh trong Đại Cách mạng văn hóa, thẩm tra và giải quyết một số vụ án sai, án oan quan trọng và một số vấn đề công tội phải trái của những nhà lãnh đạo chủ chốt.

Cuối cùng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thoát khỏi sự trói buộc lâu dài của tư tưởng "tả" khuynh, bắt đầu thanh toán triệt để sai lầm của Đại Cách mạng văn hóa từng mang lại cho Đảng và nhân dân tai họa quá lớn, để thực hiện bước ngoặt vĩ đại mang tính lịch sử.

Muốn giải quyết sai lầm của Đại Cách mạng văn hóa, bước đột phá quan trọng nhất là phải giải quyết vấn đề án oan của Lưu Thiếu Kỳ, bởi vì cái án oan đó không những là vấn đề cá nhân của Lưu Thiếu Kỳ, mà ở trên thì liên quan đến lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử của nước CHND Trung Hoa, còn ở dưới thì liên quan đến hàng ngàn, hàng vạn cán bộ và quần chúng bị liên lụy. Không giải quyết cái khâu mấu chốt đó, thì rất nhiều khâu khác không thể làm rõ được. Huống hồ rất nhiều cán bộ quần chúng trong và ngoài Đảng từ lâu đã hoài nghi và bất mãn với vụ án Lưu Thiếu Kỳ, tới tấp viết thư gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc, yêu cầu sửa sai cho Lưu Thiếu Kỳ.

Tháng 2/1979, BCHTƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TƯ và Ban Tổ chức TƯ phối hợp phúc tra vụ án Lưu Thiếu Kỳ. Tháng 11, qua kiểm tra đối chiếu nghiêm túc, tỉ mỉ, chặt chẽ, chứng minh trong Đại Cách mạng văn hóa đưa ra bản "Báo cáo thẩm tra hành vi phạm tội của kẻ phản bội, nội gián, công tặc Lưu Thiếu Kỳ" là do Giang Thanh, Tạ Phú Trị dùng chứng cứ giả mà viết ra, nhiều tội danh trong báo cáo gán cho Lưu Thiếu Kỳ không có một tội nào đúng sự thật. Khi Lâm Bưu, Giang Thanh tạo ra vụ án đại oan cho Lưu Thiếu Kỳ, đã thề thốt thành khẩn, nói đó là "chịu được sự kiểm nghiệm của lịch sử" và coi là một "vụ án điển hình" để làm gương. Những kẻ mưu toan đó dùng tra tấn để bức cung, làm dối làm trá, góp nhặt lung tung, gò ép khiên cưỡng tạo ra những tài liệu chứng cứ giả, những tài liệu giả này không chịu được sự kiểm nghiệm của lịch sử. Sau 11 năm nỗi oan ức khó bề giãi tỏ của Lưu Thiếu Kỳ, cuối cùng mới được rửa sạch.

Ngày 23/2/1980, Đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập Hội nghị toàn thể BCHTƯ lần thứ 5 khóa XI. Ngày 29/2/1980, Hội nghị thông qua Quyết nghị "về việc sửa sai cho đồng chí Lưu Thiếu Kỳ". Quyết nghị chỉ rõ: "Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, sinh năm 1898, người huyện Ninh Hương, tỉnh Hồ Bắc. Năm 1920, gia nhập Đoàn Thanh niên XHCN TQ; năm 1921, gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đã từng giữ chức vụ lãnh đạo quan trọng trong Đảng. Trước Đại Cách mạng văn hóa, giữ chức Phó chủ tịch TƯ Đảng, Chủ tịch nước. Đêm hôm trước và thời kỳ đầu Đại Cách mạng văn hóa, do lúc đó đánh giá tình hình trong Đảng và trong nước trái với thực tế, nhận định trong Đảng tồn tại một đường lối xét lại phản cách mạng đối lập với đường lối của TƯ, tồn tại một Bộ Tư lệnh giai cấp tư sản, người ta đã coi đồng chí Lưu Thiếu Kỳ là trùm tập đoàn xét lại phản cách mạng ở trong Đảng và phái đương quyền đi theo con đường tư bản chủ nghĩa lớn nhất toàn quốc; đồng thời tách rời nguyên tắc tập trung dân chủ, dùng phương pháp và phương châm sai lầm, trong phạm vi toàn quốc, tiến hành cuộc đấu tranh và phê phán công khai, xóa bỏ chức vụ Phó chủ tịch TƯ Đảng và thực tế đã xóa bỏ chức vụ Chủ tịch nước của Lưu Thiếu Kỳ. Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh, Trần Bá Đạt, lộ rõ ý đồ cướp quyền lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước, lộ rõ mục đích phản cách mạng lật đổ chuyên chính của giai cấp vô sản, không những hình thành nhận thức sai lầm và xử lý sai lầm đối với Lưu Thiếu Kỳ, gây tác dụng lửa cháy thêm dầu cực kỳ tồi tệ, mà còn lợi dụng sai lầm đó, dựa vào đó để đánh cắp quyền lực, rắp tâm tiến hành hãm hại về chính trị và bức hại thân thể đối với Lưu Thiếu Kỳ, đồng thời vu cáo cho một số lớn cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, quân đội là "người đại diện của Lưu Thiếu Kỳ", mà đánh đổ tất cả".

"Ngày 18/12/1966, thành lập Tổ chuyên án, dưới sự trực tiếp khống chế và chỉ huy của Giang Thanh, Khang Sinh, Tạ Phú Trị, một mặt dùng tài liệu dối trá, cắt xén lời văn, bức cung và những thủ đoạn tồi tệ, báo lên TƯ; mặt khác, lại khấu bớt lời chứng của những người hiểu rõ chân tướng và những tài liệu nhiều lần bị xào xáo do những người bị cưỡng bức đưa ra chứng cứ giả, vào tháng 9/1968, về hành vi phạm tội kẻ phản bội, nội gian, công tặc của Lưu Thiếu Kỳ. Bản "báo cáo" và "tội chứng kèm theo" là do toàn thể Hội nghị lần thứ 12 khóa VIII của Đảng thông qua, nhưng khi đó công tác của TƯ Đảng và sinh hoạt trong Đảng ở trong tình trạng hoàn toàn bất bình thường. Thông báo của Hội nghị toàn thể lần thứ 12 khóa VIII còn công bố Quyết nghị TƯ khai trừ vĩnh viễn Lưu Thiếu Kỳ ra khỏi Đảng, xóa bỏ tất cả chức vụ trong và ngoài Đảng, đồng thời tiếp tục xem xét hành vi phạm tội của Lưu Thiếu Kỳ và đồng bọn phản Đảng, phản quốc. Hạ tuần tháng 11, thông báo, báo cáo thẩm tra và tài liệu kèm theo nói trên do TƯ  phân phát những văn kiện số 152 (năm 1968) và số 155 (năm 1968) trong toàn Đảng và truyền miệng đến quần chúng. Điều đó tạo thành vụ án oan lớn nhất toàn quốc".

Hội nghị toàn thể phúc tra tập đoàn Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh đã gán bừa cho Lưu Thiếu Kỳ tội danh "kẻ phản bội, nội gian, công tặc" và rất nhiều hành vi phạm tội khác, Hội nghị nêu ra rất nhiều sự thật xác thực, khẳng định rõ: Mùa đông năm 1925, Lưu Thiếu Kỳ đã bị bắt, nhưng căn bản không hề có vấn đề "một mình từ Thượng Hải chạy trốn đến Trường Sa và đầu hàng địch, phản bội"; tội danh tiến hành cái gọi là "hoạt động nội gian" tại Vũ Hán và Lư Sơn năm 1927 không phù hợp với sự thật, hoặc là vu cáo hãm hại, hoặc là hư cấu, đều không thể đứng vững được, về vấn đề gọi là "bị bắt phản bội" tại Thẩm Dương năm 1929, "qua phúc tra, những hành vi phạm tội đó đều là ngụy tạo, bịa đặt hoàn toàn"; vấn đề gọi là "kiên trì đi theo con đường tư bản chủ nghĩa" và "hành vi phạm tội phản cách mạng khác" qua phúc tra "cũng đều không thể đứng vững được", "là sự xuyên tạc lịch sử nghiêm trọng".

Căn cứ vào những phúc tra nói trên, Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, đối với những tài liệu vu tội, vu cáo hãm hại, ngụy tạo và tất cả những từ không thực đều phải xóa sạch. Vì thế, Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa XI đặc biệt ra quyết nghị như sau:

1. Xóa bỏ văn kiện số 152 (năm 1968), (tức là thông báo của Hội nghị toàn thể lần thứ 12 khóa VIII) về quyết nghị gán hành vi phạm tội cho Lưu Thiếu Kỳ và xử lý đồng chí, tương tự xóa bỏ văn kiện số 155 (năm 1968) (tức là nguyên báo cáo thẩm tra). Khôi phục danh dự cho Lưu Thiếu Kỳ là nhà mácxít và nhà cách mạng của giai cấp vô sản, là một trong những người lãnh đạo chủ yếu của Đảng và Nhà nước.

2. Trong thời gian thích hợp, do TƯ  Đảng Cộng sản Trung Quốc thảo luận với Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tổ chức lễ truy điệu cho đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.

3. Những người và những việc bị liên lụy tới vấn đề Lưu Thiếu Kỳ trước đây đều được các ngành liên quan tiến hành phúc tra và làm sáng tỏ một cách thực sự cầu thị, phàm là án giả, án sai đều phải sửa sai.

Trở lại Bắc Kinh

Sau Hội nghị Toàn thể BCHTƯ lần thứ 5 khóa 11, TƯ quyết định đem tro cốt của Lưu Thiếu Kỳ về Bắc Kinh, tổ chức lễ truy điệu. Vì thế, Tỉnh ủy Hà Nam làm hàng loạt công việc chuẩn bị hoạt động nghênh tiễn tro cốt đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.

Chiều ngày 13, lãnh đạo Tỉnh ủy Hà Nam Triệu Quang Phù và một số người khác cùng đi với đồng chí Vương Quang Mỹ và con cái đến cố đô Khai Phong, tưởng niệm nơi Lưu Thiếu Kỳ từ trần. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính, Quân thành phố Khai Phong, họ đi xe đến nơi hỏa táng của Khai Phong. Chính nơi đây 11 năm trước đã hỏa táng Lưu Thiếu Kỳ bị gán cho cái tên là "người mắc bệnh truyền nhiễm nặng". Họ đến phòng giữ hộp tro cốt, nhìn về cái giá đặt hộp tro cốt Lưu Thiếu Kỳ số 123. Mắt ai cũng đẫm nước. Đồng chí Vương Quang Mỹ lẳng lặng đứng đó, ngóng nhìn nơi nho nhỏ mà người thân đã hy sinh. Sau đó bà nén đau buồn căm giận, gọi con cái đến trước giá đặt hộp tro 123, chụp một kiểu ảnh.

Tiếp đó, đoàn rời nơi hỏa táng, đi xe vào thành phố Khai Phong và đến nơi Lưu Thiếu Kỳ bị giam giữ 27 ngày cuối đời tại phố Bắc Thủ. Họ đến gian phòng tối tăm nhỏ hẹp mà Lưu Thiếu Kỳ đã sống, khi Vương Quang Mỹ trông thấy di vật của Lưu Thiếu Kỳ - đôi gối mà họ đã dùng, bà vội vàng chạy đến ôm chiếc gối vào lòng, nước mắt cứ chảy ròng ròng. Mấy người con Lưu Ái Cấm, Lưu Bình Bình, Lưu Đình Đình không nén nổi đau thương trong lòng, phủ phục xuống giường khóc to: "Cha ơi! Cha ơi!". Tất cả mọi người có mặt nơi đó cũng không cầm được nước mắt. Vương Quang Mỹ nén nỗi đau vào lòng, khuyên giải an ủi: "Các con, hãy kiên cường một chút".

Tin bà Vương Quang Mỹ cùng các con đến Khai Phong đã nhanh chóng truyền đi trong nhân dân thành phố cổ này. Họ tập trung trước cửa UBND thành phố, chờ đợi Vương Quang Mỹ xuất hiện. Vương Quang Mỹ ngồi phía trước trên xe, trông thấy quần chúng nhân dân sắp hàng hai bên đường nghênh tiễn bên ngoài cửa chính Ủy ban nhân dân. Bà mắt ngấn lệ giơ tay kính chào: "Cảm ơn nhân dân Khai Phong! Cảm ơn nhân dân Hà Nam!" và bà hướng về phía quần chúng nghiêng mình cúi chào. Trong quần chúng vang lên tiếng vỗ tay nhiệt liệt, tiếng vỗ tay đó vừa bày tỏ tình cảm của nhân dân Khai Phong đối với sự thăm hỏi thân thiết của bà, vừa bày tỏ lòng thương nhớ, lòng tôn kính ngưỡng mộ của nhân dân đối với Lưu Thiếu Kỳ.

Ngày 14/5, nghi lễ nghênh tiễn tro cốt Lưu Thiếu Kỳ được long trọng tổ chức tại Hội trường nhân dân Trịnh Châu. Trước đó, việc đầu tiên là thay hộp đựng tro cốt Lưu Thiếu Kỳ tại phòng nghỉ số 1 của Hội trường nhân dân. Hai hộp mới cũ đều được mang ra. Hộp cũ nhỏ và thô, trên mặt không có ảnh, chỉ có chiếc thẻ bằng giấy viết ba chữ "Lưu Vệ Hoàng", năm tháng trôi qua đã làm cho mảnh giấy đó vàng đi, chữ viết cũng bị phai mờ. Túi tro cốt ở trong hộp là màu trắng, còn in bốn chữ "Di phong dịch tục" (thay đổi phong tục). Hộp mới lớn hơn, tương đối tinh xảo, trên mặt khảm ảnh bán thân Lưu Thiếu Kỳ với nụ cười hiền từ. Túi đựng tro cốt may bằng lụa đỏ.

Văn phòng Ủy ban lo liệu việc tang Lưu Thiếu Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cùng đi với bà Vương Quang Mỹ và các con bà vào phòng, mọi người xếp hàng một đứng trước chiếc bàn dài phủ kín vải trắng đặt giữa phòng, đứng nghiêm mặc niệm. Sau đó, đồng chí Lưu Kiệt mở hộp cũ đựng tro cốt, lấy túi tro cốt, bà Vương Quang Mỹ ôm túi tro cốt, một lúc lâu, thân tình kề sát mặt trên túi tro... đồng chí Lưu Kiệt đặt túi tro vào hộp mới, con trai nhỏ của Lưu Thiếu Kỳ là Lưu Nguyên đậy hộp lại. Trong bầu không khí trang nghiêm cung kính, đồng chí Lưu Kiệt bê hộp tro cốt vào Hội trường tổ chức lễ nghênh tiễn và đặt dưới ảnh Lưu Thiếu Kỳ. Tất cả các đồng chí lãnh đạo và người thân của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ lần lượt tiến lên phía trước nghiêng mình cúi chào.

Tiếp đó, bắt đầu việc chuyển tro cốt đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.

Đồng chí Lưu Kiệt và các đồng chí lãnh đạo khác của Tỉnh ủy trịnh trọng đem tro cốt, di ảnh của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, vòng hoa giao cho gia quyến của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ. Lưu Nguyên tay bê hộp tro có phủ Đảng kỳ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Vương Quang Mỹ tay cầm hoa tươi đi cùng. Lưu Ái Cầm bưng di ảnh LTK, còn Lưu Bình Bình và Lưu Đình Đình khiêng vòng hoa, từ từ ra khỏi hội trường. Tấm bằng màu trắng trên vòng hoa viết: "Kính dâng đồng chí Lưu Thiếu Kỳ kính mến".

Vương Quang Mỹ cùng các con bước lên xe linh cữu đậu trước hội trường, đồng thời cùng lên xe còn có hai đồng chí Lưu Kiệt, Triệu Văn Phù là lãnh đạo của tỉnh Hà Nam cùng đi đưa tiễn lên Bắc Kinh, xe linh cữu là một chiếc xe lớn, thân xe trùm băng lụa đen, phía trước xe treo ảnh đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và quả cầu hoa đen trắng, trong xe thuần trắng sạch sẽ, hộp tro cốt đặt trên bàn phủ vải xô trắng ở phần trước xe. Có 7 chiếc môtô hộ tống xe linh cữu chạy ra sân bay.

Hơn 20 ngàn quần chúng nhân dân TP Trịnh Châu đứng xếp hàng hai bên đường cùng đưa tiễn, họ đeo băng đen trên tay, mang một tình cảm đau xót, mắt tiễn biệt xe linh cữu từ từ chạy.

Sân bay Trịnh Châu, tiếng nhạc đau thương vang lên. Đoàn đưa tiễn sau khi đi một vòng quanh sân bay rồi bước lên máy bay. Đồng chí Vương Quang Mỹ lên máy bay sau cùng. Bà đứng trên cầu thang ở cửa khoang máy bay, nghiêng mình cúi chào cảm tạ quần chúng, cảm tạ nhân dân Hà Nam. 2 giờ 50 phút, chuyên cơ chuyển tro cốt cất cánh rời sân bay Trịnh Châu.

Tại sân bay Tây Uyển, Bắc Kinh, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhân sĩ các giới biết tin cũng vội tới, nhiều bạn chiến đấu cũ và thân thuộc của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ cũng đến đây từ rất sớm, chờ đợi nghênh tiếp chiếc chuyên cơ. Trong đó có cán bộ lão thành phải nhờ người dìu, có vị phải ngồi trên xe lăn. Cảnh tượng ấy tỏ rõ uy vọng của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ trong lòng nhân dân.

Đúng 4 giờ chiều, chiếc chuyên cơ đến sân bay Bắc Kinh. Các đồng chí lãnh đạo TƯ ra tận chân cầu thang máy bay nghênh đón và hộ tống hộp tro cốt đồng chí Lưu Thiếu Kỳ về Đại lễ đường nhân dân, đặt ở sảnh Giang Tô.

Ngày 17/5/1980, lễ truy điệu đồng chí Lưu Thiếu Kỳ được Đảng, Nhà nước Trung Quốc tổ chức trọng thể tại Bắc Kinh.

Thực hiện di nguyện

Trong Đại Cách mạng văn hóa, đồng chí Lưu Thiếu Kỳ ở vào tình thế nghịch cảnh, nhưng ông vẫn dặn dò con cái: "Sau này sau khi cha chết, các con hãy đem tro cốt của cha rắc trên biển cả, giống như Engels vậy. Biển cả nối liền với 5 châu, cha muốn xem chủ nghĩa Cộng sản được thực hiện trên toàn thế giới. Các con hãy nhớ, đó là di chúc của cha!". Ý nguyện  của người chết rất thiêng liêng mà những người sau phải tuân theo. Sau lễ truy điệu, những người thân thuộc của Lưu Thiếu Kỳ nóng lòng chờ đợi tin tức về việc thực hiện di nguyện của ông.

Buổi trưa ngày 18/5, tiếng điện thoại mang lại tin tức mà họ chờ đợi: sau khi Nguyên soái Lưu Bá Thừa biết tro cốt Lưu Thiếu Kỳ vẫn chưa được rắc trên biển cả như khát vọng của người chết lúc sinh thời, đã chủ động đề xuất với TƯ, giao nhiệm vụ đó cho Hải quân thực hiện và tin rằng Hải quân với đội hình nghiêm chỉnh, nhất định sẽ thỏa mãn nguyện vọng cuối cùng của nhà cách mạng.

Vào khoảng sau 1 giờ chiều, những người thân thuộc của Lưu Thiếu Kỳ lại nhận được điện thoại của Bộ Tư lệnh Hải quân Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc, thông báo cho biết đồng chí tham mưu trưởng Hải quân của họ đã đến chỗ họ, bàn bạc cụ thể việc sắp xếp hải táng. Một lát sau, ba sĩ quan Hải quân đến nhà đồng chí Vương Quang Mỹ, ngoài việc họ xác nhận tiếng điện thoại lần thứ nhất ra, còn chuyển lời thăm hỏi của Nguyên soái Lưu Bá Thừa đối với gia đình. Bên Hải quân đề nghị, dùng chuyên cơ chở tro cốt và những người thân thuộc tùy tùng bay đến địa điểm mà Hải quân quy định, dùng quân hạm hộ tống trên trời dưới biển, kể cả thời gian biểu và những biện pháp cụ thể khác. Gia đình đồng ý. Đồng chí lãnh đạo Hải quân nói, việc sắp xếp này còn phải báo cáo lên Nguyên soái Lưu Bá Thừa và những bên hữu quan, sau khi được phê chuẩn thì có thể thực hiện. Ít lâu sau, những người thân thuộc của Lưu Thiếu Kỳ được thông báo, Ban Bí thư TƯ thảo luận, đã đồng ý giao cho Hải quân thực hiện nhiệm vụ rải tro cốt, bên Hải quân sẽ bàn định công việc và biện pháp cụ thể.

Ngày 19/5/1980, một ngày trong sáng. Ủy ban tang lễ Lưu Thiếu Kỳ cử cán bộ dẫn bà Vương Quang Mỹ cùng các con đi Thanh Đảo, rải tro cốt Lưu Thiếu Kỳ. 8 giờ sáng, tro cốt của Lưu Thiếu Kỳ tại sảnh Giang Tô trong Đại lễ đường nhân dân bắt đầu được chuyển đi.

Cửa Đông Môn của Đại lễ đường nhân dân mở, các chiến sĩ nghi lễ tay đeo băng đen hộ tống Lưu Nguyên bưng hộp tro cốt và bà Vương Quang Mỹ cùng đoàn người từ từ đi ra. Các cán bộ công nhân viên của Đại lễ đường đứng xếp hàng trên bậc ngoài cửa bày tỏ thương xót. Chiếc xe Hồng Kỳ treo băng đen, kết những quả cầu hoa hai màu đen trắng, đậu trước Đại lễ đường. Đồng chí Vương Quang Mỹ ôm hộp tro cùng Lưu Nguyên ngồi lên xe. Xe từ từ chuyển bánh, một đoàn xe dài nối đuôi nhau chạy theo chiếc Hồng Kỳ, qua phố Trường An chạy ra sân bay Tây Giao. Rất nhiều người đứng hai bên đường, đưa mắt tiễn biệt đoàn xe chạy qua.

Rất nhiều người nghe được tin, tự phát từ 4 phương đổ về, ở những chỗ đường rẽ của đường chính chạy ra sân bay, trên những khoảng đất trống hai bên đường đều đông nghẹt xe lớn xe nhỏ. Nhiều người không được phép vào sân bay, đành dừng xe tại đây.

Sau khi đoàn xe vào sân bay, chiếc chuyên cơ vốn là do Hải quân phái đến  nay đổi là máy bay "ba thân" do TƯ phái đến. Tại sân bay tổ chức nghi thức  đưa tiễn giản đơn, trong tiếng nhạc đau thương bi tráng trầm trầm, mang theo tiếng khóc đau buồn kìm nén của số người đưa tiễn. Sau khi lần lượt bắt tay tạm biệt từng người đưa tiễn, bà Vương Quang Mỹ cùng các con bước lên máy bay. Trên cửa khoang máy bay, Lưu Nguyên quay đầu lại phía những người đi đưa tiễn, đầm đìa nước mắt hai tay nâng cao chiếc hộp tro lên trên đỉnh đầu, hướng về những người đứng cạnh máy bay, cũng là hướng về nhân dân Trung Quốc kính yêu của Lưu Thiếu Kỳ, nói: "Vĩnh biệt". Một lúc sau tiếng khóc vang lên trên sân bay. Vương Quang Mỹ nghiêng mình cúi chào những người ra đưa tiễn.

 9 giờ 30 phút, máy bay cất cánh, dưới ánh mắt tiễn biệt của mọi người, chiếc máy bay rời Bắc Kinh bay về phương xa.

10 giờ 25 phút, chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay Lưu Đình, Thanh Đảo. Sân bay treo cờ rủ, tiếng nhạc đau thương lưu luyến. Các chiến sĩ HQ tay cầm súng, bỏ mũ, đứng nghiêm xếp hàng ở hai bên, từ chân cầu thang máy bay cho đến trước xe nghênh đón hộp tro cốt, thành một đội danh dự. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sơn Đông và thành phố Thanh Đảo, Bộ Tư lệnh Hải quân, các đồng chí lãnh đạo Hạm đội Bắc Hải đã đặc biệt đi từ Tế Nam đến Thanh Đảo để ra sân bay nghênh đón.

Đội xe hộ tống hộp tro cốt rời sân bay, chạy thẳng đến bến tàu số 3 cảng Thanh Đảo. Nhiều người ngực cài bông hoa trắng đứng ở dọc đường, có người tay đeo băng đen, đứng nghiêm bên đường chờ đón đoàn xe chạy qua.

Ủy ban tang lễ quyết định, việc an táng đồng chí Lưu Thiếu Kỳ theo cương vị nguyên thủ quốc gia, có nghi thức cao nhất. Do đó khi đoàn xe chở hộp tro cốt vào cảng, trên bến tàu quân hạm đỗ nhận lệnh chở hộp tro các chiến sĩ, sĩ quan Hải quân có chiều cao như nhau đứng nghiêm thành một hàng dài, tay trái ôm mũ, tay phải chào theo kiểu quân sự. Họ lưng quay về phía quân hạm, chờ đoàn xe chở hộp tro đến. Tất cả những tàu thuyền lớn nhỏ đậu trên cảng, dù là của Trung Quốc hay là của nước ngoài đều treo cờ rủ để tang.

11 giờ 45 phút, trời tự nhiên mưa bụi lất phất tựa như ông trời cũng đưa tiễn một vĩ nhân. Một chiếc khu trục hạm lớn kéo còi, từ từ rời bến cảng, những người thân thuộc đưa tiễn tro cốt Lưu Thiếu Kỳ xếp thành hàng, đứng nghiêm, nghiêng mình cúi chào ba lần cảm tạ các chiến sĩ, sĩ quan Hải quân đứng trên bờ.

Quân hạm rẽ sóng ra khơi, 4 chiếc pháo hạm tăng tốc chạy theo, trước sau phải trái đều có một đội hộ vệ.

Vào khoảng 1 giờ chiều, quân hạm ra đến khơi xa của Bột Hải. Các cán bộ Văn phòng Ủy ban tang lễ cùng đi với Vương Quang Mỹ cùng các con hộ tống hộp tro cốt, đi đến boong sau của quân hạm. Phòng phát thanh trên quân hạm phát ra tiếng nhạc đau thương, pháo hạm hộ tống phía sau bắn 21 phát pháo lễ cao cấp nhất chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia.

Boong sau đầy ắp người. Lưu Nguyên nhè nhẹ mở hộp tro cốt, bà Vương Quang Mỹ kề sát mặt vào túi tro cốt lần cuối cùng, từ từ mở túi, nhìn thấy tro cốt trắng sạch như tuyết, hình như lại trông thấy vẻ mặt tươi cười và tiếng nói của người thân, lập tức nước mắt tuôn trào. Bà run run bốc nắm tro cốt rải xuống khu vực biển gần đảo Đại Công, Hoàng Hải của Tổ quốc. Tiếp đó, bà nâng túi tro đưa cho con gái út Lưu Tiêu Tiêu, người con gái mà khi sinh thời Lưu Thiếu Kỳ thương yêu nhất... Lưu Tiêu Tiêu khóc thất thanh. Con cái và những người thân thuộc của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, những cán bộ làm việc bên cạnh Lưu Thiếu Kỳ trước đây và con cái của bạn chiến đấu cũ của Lưu Thiếu Kỳ - hai đại biểu thanh niên, lần lượt rắc rải tro cốt. Theo những nắm tro cốt của Lưu Thiếu Kỳ là hoa tươi liên tục được tung xuống biển, mọi người cúi người xuống mạn tàu, ngóng trông theo, gọi theo, khóc theo. Tiếng khóc và tiếng gọi, tiếng gió và tiếng sóng vang động cả nước trời biển cả mênh mông, vang lên trong lòng nhân dân toàn quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem