Theo quyết định số 4540/QĐ-UBND ngày 30.8, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Việt Úc là nhà đầu tư thực hiện dự án Cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam - The Boulevard tại số 22 phố Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Dự án nhằm Xây dựng lại khu tập thể đã xuống cấp, tạo nên một công trình đa chức năng, hiện đại, đáp ứng hiệu quả nhu cầu về nhà ở của người dân đang sinh sống tại khu tập thể Viện Tư liệu phim Việt Nam và các đơn vị, cá nhân có nhu cầu tại thành phố Hà Nội.
Hơn 1000 nhà tập thể cũ trên địa bàn Hà Nội đang xuống cấp. (ảnh Trần Kháng)
Hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Tổng diện tích khu đất khoảng 1.328,77m2. Trong đó, diện tích đất dành để mở đường theo quy hoạch khoảng 126m2; Diện tích đất lập dự án đầu tư xây dựng công trình khoảng 1.202,77m2.
Chức năng sử dụng đất là nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng, khách sạn. Diện tích xây dựng 759,34m2; Mật độ xây dựng 63,13%; Tầng cao 25 tầng nổi và 03 tầng hầm; Quy mô dân số khoảng 280 người.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án hơn 366 tỉ đồng. Nguồn vốn tự có, vốn vay và vốn huy động hợp pháp. Trong đó vốn tự có của Nhà đầu tư phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án: dự kiến từ quý 3.2018 đến quý 2.2020.
Bên cạnh đó, Thành phố chấp thuận về nguyên tắc Phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư (đợt 1) do Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Việt - Úc đề xuất kèm theo Văn bản số 122/CV-AUSREAL ngày 28.02.2018 đối với 14 chủ sở hữu, sử dụng nhà chung cư đã thống nhất phương án, trong đó, nguồn kinh phí chi trả do Nhà đầu tư chịu trách nhiệm chi trả bằng nguồn vốn của dự án.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.300 chung cư cũ tại 76 khu vực tập trung và hơn 300 khu chung cư cũ ở các nơi riêng lẻ. Các chung cư này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đang trong tình trạng xuống cấp.
Trước thực trạng đó, từ hơn 10 năm trước, Hà Nội đã đưa ra chương trình cải tạo, nâng cấp, xây mới các chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn Thành phố. Để thực hiện chính sách cải tạo chung cư cũ, Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều vướng mắc khiến sau hơn 10 năm triển khai, chương trình này gần như dậm chân tại chỗ khi mới chỉ có 14 chung cư cũ được xây dựng mới đưa vào sử dụng, chiếm chưa tới 1%; 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng; 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời, nhưng chưa có phương án xây dựng lại.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II.2018 của Bộ Xây dựng, nói về vấn đề cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM đang dậm chân tại chỗ, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho rằng, theo báo cáo tổng kết có khoảng 25% chung cư thuộc diện bị hư hỏng, nguy hiểm. Theo phân loại cấp D – thuộc diện nguy cấp mới phải di dời, cải tạo, phá dỡ. Còn lại những chung cư hư hỏng chưa bắt buộc phải tháo dỡ.
Đại diện Vụ Pháp chế cũng cho hay, để thực hiện việc cải tạo chung cư cũ đang gặp khó khăn ở hai vấn đề. Một là, về thể chế đã có quy định các chủ sở hữu căn hộ thỏa thuận với nhà đầu tư để lựa chọn chủ đầu tư sửa chữa, nhưng việc này cũng khó vì hàng trăm hàng nghìn hộ trong một khu chung cư mà mỗi hộ lại một ý khác nhau, rất khó đồng thuận.
Thứ hai, quy định cưỡng chế các công trình nguy hiểm để cải tạo, song để làm việc này lại cần phải có vốn, quỹ nhưng rất khó khăn. Hiện nay, Vụ Pháp chế đang nghiên cứu đề xuất cần có quy định cụ thể thời hạn giải quyết, xử lý khi chủ sở hữu không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước phải chỉ định chủ đầu tư vào cải tạo.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.