Không khí Tết rộn ràng trên khắp các con phố Hà Nội. Tiếng người ta ăn uống, chúc tụng nhau vang rõ từ những quán ăn ồn ào. Những gia đình tranh thủ rủ nhau đi chúc Tết, tiếng nói cười tíu tít, vui vẻ. Từng đôi trai gái nắm tay dạo phố tân hưởng cái không khí Tết đang rạo rực, hân hoan. Dường như tất cả đều vội vàng lướt qua mà không kịp nhận ra sự tồn tại của một mảnh đời bất hạnh.
Nằm một mình trên manh chiếu rách dưới mái hiên của một cửa hàng trên con phố Ngô Thì Nhậm, chú Hải giật mình khi được hỏi thăm. Ánh mắt đờ đẫn, giọng nói thều thào, chú bắt đầu kể về cuộc đời bất hạnh của mình.
Chú Lê Hoàng Hải dưới mái hiên của cửa hàng quần áo trên phố Ngô Thì Nhậm.
Chú là Lê Hoàng Hải, sinh năm 1969, vốn xuất thân từ một gia đình Việt Kiều Thái Lan giàu có. Gia đình chú đã từng có những tháng ngày êm ấm trong căn nhà ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Dưới chú còn có một người em gái. Khi bố mẹ mất, căn nhà của họ bị lừa bán đi. Chính quyền thương tình cấp cho một căn nhà 10m vuông trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường phố Huế. Thế nhưng người em gái của chú nhất định không cho chú về nhà bởi lý do anh trai mắc bệnh về đầu óc. Chú ngủ trên vỉa hè đầu phố Ngô Thì Nhậm cũng đã được mấy chục năm ròng.
Điều kiện sống không tốt, sức khỏe và tinh thần chú Hải không còn ổn định. Ngày trước chú có làm thêm nghề bơm xe kiếm sống. Giờ không làm được nữa, ai cho gì thì ăn nấy. Ai cho gì mà chưa kịp ăn là nửa đêm bị trộm mất ngay. Ngày Tết cũng như ngày thường, chú không còn hy vọng hay mong muốn gì về một gia đình nữa.
Đối diện cổng bệnh viện 108, đường Trần Hưng Đạo, có một người phụ nữ ngoài 50 ngồi tựa vào đống chăn, miệng lẩm bẩm nói chuyện một mình. Tinh thần của cô đã không còn minh mẫn. Cô chỉ nhớ được mình tên là Mứt, ra Hà Nội “làm giàu” đã được 3 năm, quê ở Hưng Yên, “thằng chồng” đã chết lâu rồi, các con cô đang ở tuổi ăn tuổi học.
Cô Mứt trên vỉa hè phố Trần Hưng Đạo, đối diện cổng Bệnh viện 108. Chỗ cô tá túc thậm chí không có cả mái che.
Theo một vài người dân sống ở đây thì cô Mứt ở đây đến 3 hay 4 năm rồi, suốt ngày chỉ ngồi ở góc vỉa hè, ai thương tình thì cho chút gì để ăn, không thì chỉ ngồi như thế. Ngày nắng thì không sao, mưa thì mặc áo mưa ngồi ngoài trời, đồ đạc để ướt hết cả. Nhưng lúc nào cô cũng vui vẻ, chào hỏi bất cứ ai đi qua.
Có muôn vàn lí do để đẩy một con người lâm vào hoàn cảnh không nhà không cửa. Nằm co ro trong chiếc chăn mỏng cùng hai người bạn tại vườn hoa Lý Tự Trọng, người thanh niên đang ngủ rất say bị đánh thức phải mất mấy phút mới nghẹn ngào kể lại câu chuyện của mình. Giọng nói của anh có chút e dè nhưng rưng rưng khiến người nghe phải trùng mình xuống.
Anh Phong nằm cùng hai người bạn tại vườn hoa Lý Tự Trọng.
Anh tên là Phong, 30 tuổi, làm nghề thợ xây ở Hải Phòng. Cách đây chưa đầy một tuần, anh ra Hà Nội chơi thì bị móc mất ví và toàn bộ giấy tờ ở Hồ Hoàn Kiếm. Trong người không còn một đồng giữa nơi đất khách quê người anh không biết phải làm sao. Anh đi khắp nơi xin làm việc để kiếm tiền về quê nhưng giáp Tết rồi, không ai thuê nữa. Anh ra chợ Long Biên, Đồng Xuân xin làm bốc vác thì bị hội làm thuê đánh đập, đuổi đi vì đây là "địa bàn cấm bén mảng".
Không xin được việc, anh đành phải cậy nhờ mấy anh em cùng hoàn cảnh ở đây sống qua ngày. Khi được hỏi sao anh không liên lạc với gia đình, giọng anh nghẹn lại: “Anh mồ côi bố mẹ từ nhỏ, sống cùng hai bác nhưng cũng gọi là có cái nhà chứ chẳng ai quan tâm đến mình. Giờ anh thất thểu thế này mà về quê, người ta không thông cảm cho mình nên anh tính ở đây qua Tết rồi kiếm tiền về sau”.
Giữa những cái Tết đủ đầy, sung túc ở Thủ đô xa hoa, rực rỡ vẫn còn không ít những cái Tết thiếu trọn vẹn, không tình thân của biết bao mảnh đời bất hạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.